Nợ công của Malaysia tăng khi triển khai các gói kích thích kinh tế

18:17' - 05/10/2020
BNEWS Theo Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Azi, nợ công tính theo GDP của Malaysia hiện ở mức khoảng 53% và kết thúc ở mức 56%.

Theo Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Azi, mức nợ của Malaysia được điều chỉnh tăng lên trong bối cảnh quốc gia Đông Nam Á triển khai các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đối phó với tình trạng suy thoái kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Chia sẻ với hãng tin CNBC (Mỹ), ông Zafrul Azi cho hay thâm hụt ngân sách năm 2020 của Malaysia sẽ tăng lên, dự kiến ở mức từ 5,8-6%.

Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, Malaysia đã "bơm" số tiền tương đương khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của quốc gia Đông Nam Á này vào nền kinh tế trong nước. 

Bộ trưởng Zafrul khẳng định Malaysia tiếp tục tập trung vào vấn đề kỷ luật tài khóa. Ông Zafrul chia sẻ nợ tính theo GDP của Malaysia hiện ở mức khoảng 53% và kết thúc ở mức 56%.

Trước đó, trong kỳ họp vào tháng 8/2020, khi Quốc hội Malaysia đã chấp nhận cho phép chính phủ được vay số tiền tương đương 60% GDP của nước này như một phần biện pháp tạm thời nhằm khắc phục ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp.

Tính đến nay, Malaysia đã đưa ra tung ra khoảng 305 tỷ RM (tương đương 73 tỷ USD) cho các gói kích thích kinh tế, bơm tiền mặt vào nền kinh tế và thúc đẩy nền kinh tế.

Cuối tháng 8/2020, Chính phủ Malaysia đã triển khai Gói Sáng kiến Bổ sung Prihatin (Kita Prihatin) trị giá 10 tỷ RM (hơn 2,1 tỷ USD).

Trước đó, hãng tin CNBC, đã lưu ý các khoản nợ của nền kinh tế lớn thứ ba Đông Nam Á ngay trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Tháng 1/2020, Moody's Investors Service đánh giá gánh nặng nợ của Malaysia cao hơn đáng kể so với các quốc gia khác có xếp hạng tín dụng quốc gia A.

Tuy nhiên, Moody's cũng phát đi tín hiệu lạc quan (vào thời điểm này) khi nhận định Malaysia có thị trường vốn trong nước phát triển và mức tiết kiệm cao, giúp cung cấp nguồn vốn ổn định trong khi ứng phó với các khoản nợ của chính phủ cũng như bù đắp phần nào những điểm yếu về vấn đề tài khóa.

Ông Zafrul nhận định điểm sáng của Malaysia là triển vọng tăng trưởng kinh tế năm 2021 đạt từ 5,5-8% so với mức tăng trưởng âm trong năm nay.

Trong báo cáo Triển vọng Kinh tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương năm 2020 vừa công bố cuối tháng 9/2020, Ngân hàng Thế giới (WB)  dự báo GDP của quốc gia Đông Nam Á này sẽ giảm 4,9%./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục