Malaysia ưu tiên phục hồi doanh nghiệp SME bị ảnh hưởng của dịch COVID

06:40' - 30/09/2020
BNEWS Trong Dự thảo ngân sách năm 2021, chính phủ Malaysia cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bộ trưởng Tài chính Malaysia Zafrul Aziz cho biết trong dự thảo ngân sách năm 2021, chính phủ nước này cam kết tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) trong quá trình phục hồi sau ảnh hưởng của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Ông Zafrul Aziz khẳng định quá trình trên sẽ được thực hiện thông qua việc tiếp tục hỗ trợ số hóa và tự động hóa, xây dựng trên nền tảng  các gói kích thích kinh tế bao gồm gói kích thích kinh tế Prihatin cho doanh nghiệp SME và gói Sáng kiến Bổ sung Prihatin - KitaPrihatin, cùng với kế hoạch Phục hồi Kinh tế quốc gia (Penjana) để khuyến khích quá trình chuyển đổi. 

Theo ông Zafrul Aziz, Chính phủ Malaysia cũng sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp SME đẩy nhanh việc áp dụng kỹ thuật số hóa trong nội dung các hạng mục chi tiêu của Ngân sách 2021 sẽ được đưa thảo luận tại Hạ viện Malaysia vào ngày 6/11 tới. 

Ông Zafrul Aziz cho hay các dữ liệu thống kê cho thấy việc chuyển đổi công nghệ và kỹ thuật số quan trọng vẫn chưa đạt được số lượng lớn trong các SME.

Ông Zafrul Aziz nhấn mạnh cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của số hóa, nhất là thông qua số hóa, các doanh nghiệp SME có thể có phạm vi tiếp cận thị trường lớn hơn và vươn ra khu vực cũng như phương thức hữu hiệu mà các tổ chức tài chính có thể hỗ trợ những doanh nghiệp này.

Cũng theo ông Zafrul Aziz, trong nội dung Ngân sách 2021 Chính phủ Malaysia cũng sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp SME hướng tới khả năng phục hồi và bền vững trong kinh doanh khi hầu hết số này đã áp dụng chiến lược tăng trưởng cao trong việc đưa ra quyết định, thực tế này dẫn đến sự hạn chế về không gian để ứng phó hiệu quả với các “cú sốc kinh tế”.

Quan chức này cũng khuyến nghị các doanh nghiệp SME cần phải cân bằng các ưu tiên của mình nhằm duy trì sự nổi bật bất kể bối cảnh nền kinh tế đang thay đổi và cho hay Chính phủ Malaysia đang xem xét yếu tố bền vững có thể là tiền đề cơ bản trong đó các biện pháp lấy doanh nghiệp SME làm trung tâm được thiết lập.

Theo ông Zafrul Aziz, trong thời gian tới mặc dù chưa xác định được thời điểm vắc-xin ngừa COVID-19 được phát triển thành công và sản xuất thương mại nhưng có nhiều yếu tố đang đặt nền kinh tế lớn thứ 3 Đông Nam Á này ở vị trí dẫn đầu để tận dụng lợi thế khi bối cảnh kinh tế đang thay đổi.

Ông Zafrul Aziz chỉ ra các lợi thế của Malaysia bao gồm hiệu quả trong việc kiểm soát dịch COVID-19 được quốc tế thừa nhận và đây là điểm mạnh để tiếp thị Malaysia như một điểm đến ưa thích cho các khoản đầu tư vào khu vực Đông Nam Á.

Lợi thế thứ hai đến từ vị trí chiến lược và nguồn nhân lực được đào tạo của Malaysia giúp quốc gia này trở thành một điểm đến tốt cho các doanh nghiệp rời khỏi Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng thương mại Trung-Mỹ đang tiếp tục.

Và lợi thế thứ ba liên quan tới vai trò lãnh đạo trong hệ sinh thái kinh tế halal và hệ thống tài chính Hồi giáo đã giúp Malaysia trở thành một nhà cung cấp tài chính cho từ các SME đến những doanh nghiệp có quy mô hoạt động lớn hơn./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục