Nỗ lực của Trung Quốc trong việc khôi phục nền kinh tế tiêu dùng

05:30' - 02/04/2020
BNEWS Trung Quốc đang nỗ lực khôi phục nền kinh tế phụ thuộc vào tiêu dùng đã bị ảnh hưởng bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại cuộc họp ở thủ đô Bắc Kinh ngày 23/1/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Cơ quan quản lý tài chính cắt giảm đáng kể lãi suất quan trọng còn các ngân hàng bắt đầu tích cực cho người dân vay vốn. Những biện pháp này được cho là sẽ làm tăng sức mua của người dân Trung Quốc.

Trong hai tháng qua, theo thống kê, tiêu dùng của Trung Quốc đã giảm 21%. Người dân ở nhiều thành phố không thể đi làm do các biện pháp kiểm dịch chống sự lây lan dịch bệnh. Không phải tất cả các nhà tuyển dụng đều có thể duy trì mức lương như cũ.

Theo số liệu cuộc khảo sát vào tháng 2/2020 với 8.000 công nhân do Zhaopin - cổng thông tin tìm kiếm việc làm lớn nhất Trung Quốc thực hiện, 1/3 số người được hỏi cho biết các nhà sử dụng lao động bắt đầu cắt giảm nhân viên và 46% cho biết kế hoạch trả lương đã bị trì hoãn.

Với sự bất ổn ngày càng gia tăng trên thị trường lao động, người dân đang hạn chế chi tiêu. Trong tháng Hai, doanh số bán ô tô tại Trung Quốc giảm hơn 90%, doanh số bán điện thoại thông minh giảm hơn 55%. Số khách hàng tại các quán cà phê thuộc hệ thống Starbucks ở Trung Quốc cũng giảm hơn 50%. 

Trong khi đó, tiêu dùng là động lực quan trọng nhất của tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc, trong năm 2019 lĩnh vực này chiếm hơn 60% tăng trưởng GDP. Rõ ràng là đối với nền kinh tế Trung Quốc, vốn đang giảm tốc do sự suy giảm hoạt động sản xuất và kinh doanh, tiêu dùng sẽ trở thành “huyết mạch” để khôi phục đà tăng trưởng GDP.

Chính phủ Trung Quốc bắt đầu kích thích tiêu dùng, bằng việc tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng được giảm xuống để họ có thể phát hành nhiều các khoản vay hơn cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. 

Vào đầu năm, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã hạ lãi suất cho vay. Các cơ quan quản lý kêu gọi các ngân hàng không phân loại nợ quá hạn là nợ xấu cho đến cuối tháng Sáu.

Ngân hàng Công Thương Trung Quốc (ICBC) hạ lãi suất cho vay tiêu dùng từ 6% xuống 4,4%, tăng trần cho vay tối đa thêm 1/3. Các ngân hàng khu vực cũng đang cố gắng thu hút khách hàng với các điều kiện hấp dẫn hơn nữa. 

Nhà kinh tế trưởng công ty Zhongguo Tongguang He Xiaoyu nói với Sputnik rằng, việc tạo điều kiện tiếp cận tín dụng như vậy không chỉ mang lại niềm tin cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp  mà cả những người dân đang trải qua thời kỳ khó khăn.

Tác động tiêu cực đối với tâm lý con người rất khó để ngăn chặn, vòng luẩn quẩn có thể xảy ra trong thị trường tài chính, cuối cùng sẽ dẫn đến sự sụp đổ. Do đó, rất cần có biện pháp để tránh một kịch bản như vậy. 

Nếu chính sách tín dụng quá tích cực, thị trường có thể trở nên “quá nóng”. Hiện tượng này chỉ là tạm thời, và tình trạng “quá nóng” này có thể chấp nhận được dưới danh nghĩa chống khủng hoảng và khôi phục niềm tin cho các nhà đầu tư và người tiêu dùng. 

Nếu mọi người dân đều ngồi lặng lẽ ở nhà, tiết kiệm mọi thứ, chỉ tháo khẩu trang khi ăn, nếu các công ty cắt giảm nhân sự, đây sẽ không phải điều mọi người mong muốn.

Việc mở rộng khả năng tiếp cận nguồn tín dụng sẽ tạo ra một số lượng khách hàng được gọi là người vay dưới tiêu chuẩn - những người trước đây không thể vay ngân hàng vì lịch sử tín dụng xấu hoặc những lý do khác. 

Theo PBoC, trong tháng Hai, các khoản vay tiêu dùng ngắn hạn đã giảm 64 tỷ USD. Khi doanh số vẫn đang giảm và số các khoản vay lại tăng lên, có một rủi ro là mọi người chỉ đơn giản là tái cơ cấu các khoản nợ cũ của họ.

Theo các chuyên gia, trong một tình huống khó khăn như vậy, có thể không có một giải pháp đúng đắn duy nhất. Có những rủi ro trong việc thị trường tín dụng “quá nóng”, nhưng điều này lại cần thiết để cứu nền kinh tế. 

Giống như trong y học, thuốc có thể có tác dụng phụ nhưng căn bệnh nặng vẫn cần được điều trị. Ông Xiaoyu nói, nếu luôn luôn nghĩ để không xảy ra tình trạng quá nóng hay thâm hụt ngân sách, Trung Quốc sẽ không thể trở thành đầu tàu cho phát triển kinh tế thế giới.

Chuyên gia này cho rằng, Trung Quốc cần nhiều can đảm và quyết tâm hơn. Mục tiêu hiện tại của Trung Quốc là trở thành nơi trú ẩn an toàn cho nguồn vốn toàn cầu. Trung Quốc tìm cách khôi phục tăng trưởng kinh tế của nước này, trở thành đầu tàu cho các quốc gia khác. 

Trong trường hợp này, Trung Quốc nên mở rộng ngân sách, dưới sự kiểm soát. Mỹ có số nợ nước ngoài lớn nhất nhưng vẫn là một siêu cường toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc có thể tăng nợ nước ngoài đến một mức độ nhất định. 

Dịch bệnh cho thấy, nếu người Trung Quốc không đi du lịch nước ngoài, nếu các nhà máy Trung Quốc dừng lại, điều này có tác động nghiêm trọng đến phần còn lại của thế giới. Chẳng hạn, sau khi cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 nổ ra ở Mỹ, nhiều người đã nghĩ rằng nền kinh tế Mỹ sẽ bắt đầu suy giảm. 

Nếu đánh giá theo sự năng động của thị trường, trái lại, kinh tế Mỹ đang đi lên. Sau cuộc khủng hoảng này, nhiều người Mỹ đã ở nhà trong một thời gian dài, xem TV, tiết kiệm tiền. Trong hoàn cảnh như vậy, Fed đã tuyên bố nới lỏng định lượng, giải cứu các tổ chức tài chính và điều này, dần dần dẫn đến sự phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, cần lưu ý một số sai lầm trong quá khứ. Trung Quốc đang tăng số lượng bán ra chứng khoán bảo đảm bằng tài sản (ABS). Home Credit China đã bán được 2,5 tỷ NDT chứng khoán ABS trong tuần qua. 

Đây là con số lớn nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát. Điều này có nghĩa là các ngân hàng và tổ chức tín dụng “đóng gói” các yêu cầu cho vay tiêu dùng thành một bộ sản phẩm và bán cho các nhà đầu tư. 

Một kịch bản tương tự đã xảy ra ở Mỹ trước năm 2007-2008, với việc phát hành các khoản vay thế chấp cho hầu hết mọi người và bán các khoản vay này dưới dạng các sản phẩm tài chính phức hợp như CDO (Nghĩa vụ nợ thế chấp - CDO là một loại chứng khoán được bảo đảm bằng tài sản (ABS) được cấu trúc với nhiều "đợt" được phát hành bởi các thực thể tài chính và được đảm bảo bằng các nghĩa vụ nợ bao gồm trái phiếu và các khoản vay). 

Khi đó dường như mọi thứ đã được kiểm soát. Mọi người dễ dàng nhận được khoản vay, các ngân hàng ngay lập tức bán lại cho các nhà đầu tư và trả lại thanh khoản của họ với một tỷ lệ nhỏ, xóa nợ, kể cả các khoản nợ từ bảng cân đối kế toán của họ.

Bản thân CDO đã được chỉ định xếp hạng tín dụng cao. Những gì bên trong không ai quan tâm. Trên giấy tờ, mọi thứ đều hoàn hảo và an toàn. Và rồi cuộc khủng hoảng năm 2008 đã xảy ra.

Các chuyên gia nhận định, nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển và Mỹ vẫn duy trì vị thế hàng đầu trên thế giới. Còn hiện nay, giữa cuộc khủng hoảng kinh tế thực sự đã cận kề, việc có cách tiếp cận cân bằng đặc biệt quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục