Nở rộ dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến tại châu Phi

06:45' - 09/09/2020
BNEWS Lo ngại nguy cơ lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trong môi trường bệnh viện và các cơ sở y tế khám chữa bệnh, nhiều người đã tìm đến các kênh tư vấn y tế trực tuyến.

Trước nhu cầu ngày càng tăng đối với loại hình dịch vụ này, nhiều cơ sở y tế điện tử đã ra đời và hiện trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn, đặc biệt tại châu Phi - nơi đông bệnh nhân trong khi dịch vụ y tế chưa hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Giờ đây, thay vì phải đưa con tới bệnh viện, chị Loveth Metiboa chỉ cần ngồi nhà, truy cập đường link kết nối với trang chủ của eHealth Africa - một công ty công nghệ y tế của Nigeria - để được bác sĩ tư vấn về tình hình sức khỏe của con mình và nhận được đơn kê thuốc điều trị. Đây là cách mà nhiều người sử dụng để khám chữa bệnh trong thời kỳ dịch bệnh COVID-19 hoành hành để hạn chế việc thăm khám trực tiếp, tránh nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2.

Theo Mukul Majmudar, Giám đốc điều hành của CureCompanion - công ty có trụ sở tại Texas (Mỹ) đã phát triển nền tảng eHealth Africa mà chị Metiboa sử dụng, từ năm 2019 nay, quy mô hoạt động của eHealth đã nhanh chóng tăng gấp 12 tại châu Phi. Trong khi đó, dịch vụ tư vấn sức khỏe trực tuyến do công ty cung cấp tại 7 nước gồm Armenia, Honduras, Ấn Độ, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Nigeria đã tăng gấp 10 lần.

Trên thực tế, Helium Health, một công ty Nigeria chuyên số hóa dữ liệu y tế, đã khai thác dịch vụ tư vấn y tế trực tuyến từ tháng 2/2020, sớm hơn so với kế hoạch ban đầu, để đáp ứng nhu cầu của khách hàng tăng mạnh do ảnh ưởng của dịch COVID-19.

Trong tháng 5 vừa qua, công ty đã thu hút được 10 triệu USD từ các nhà đầu tư. Hiện hàng chục bệnh viện và cơ sở y tế khám chữa bệnh đã đăng ký tham gia dịch vụ này. Với người sử dụng dịch vụ là các bệnh nhân, chi phí cho mỗi lần tư vấn y tế trực tuyến có giá là 10.000 naira (26,3 USD), bằng một nửa chi phí thăm khám trực tiếp. Về phía các bác sĩ, những người trực tiếp tư vấn thông qua Helium Health, họ sẽ phải trả khoản phí hằng tháng cho nền tảng trực tuyến này.

Sức hấp dẫn của hình thức khám chữa bệnh này đã khiến nhiều doanh nghiệp đổ tiền đầu tư phát triển các công ty công nghệ y tế tại châu Phi. Theo Partech, công ty đầu tư có trụ sở tại Mỹ, khoản đầu tư vào các công ty công nghệ y tế ở "Lục địa Đen" đã tăng từ mức 20 triệu USD trong năm 2017 và 2018, lên 189 triệu USD trong năm 2019.

Trong nửa đầu năm nay, các dự án công nghệ y tế tại châu Phi cũng đã thu hút được 97 triệu USD tiền đầu tư. Tuy nhiên, thách thức đối với sự phát triển của mô hình kinh doanh này tại châu Phi là hệ thống cơ sở hạ tầng điện tử viễn thông còn yếu kém.

So với các châu lục khác, châu Phi chi ít tiền hơn cả cho đầu tư chăm sóc y tế. Theo báo cáo của Viện Brookings có trụ sở tại Washington, mặc dù chiếm 16% dân số thế giới, châu Phi gánh tới 23% tổng chi phí chữa trị trên toàn cầu. Tuy nhiên, khoản đầu tư cho lĩnh vực này của châu lục chỉ chiếm 1% đầu tư cho y tế trên toàn cầu vào năm 2015.

Thực tế này càng trầm trọng hơn khi đại dịch COVID-19 đẩy 20 triệu người châu Phi rơi vào nguy cơ mất việc làm. Liên minh châu Phi (AU) cho rằng điều này sẽ khiến người dân châu lục này tiếp tục cắt giảm chi  tiêu cho y tế./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục