Nỗi lo toàn cầu từ gánh nặng nợ công

08:42' - 16/07/2024
BNEWS Gánh nặng nợ nần gia tăng, một phần do chi phí liên quan tới đại dịch COVID-19, đang là mối đe dọa ngày càng lớn đối với mức sống của người dân, ngay cả ở các nền kinh tế giàu có như Mỹ.
Các chính phủ trên thế giới đang gánh khoản nợ khổng lồ lên đến 91.000 tỷ USD, gần bằng tổng giá trị của nền kinh tế toàn cầu. Gánh nặng nợ nần gia tăng, một phần do chi phí liên quan tới đại dịch COVID-19, đang là mối đe dọa ngày càng lớn đối với mức sống của người dân, ngay cả ở các nền kinh tế giàu có như Mỹ.

Tuy nhiên, trong năm 2024 - năm diễn ra nhiều cuộc bầu cử trên khắp thế giới, phần lớn các chính trị gia lại phớt lờ vấn đề này, không sẵn sàng thẳng thắn với cử tri về việc cần phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu để giải quyết núi nợ công. Trong một số trường hợp, họ thậm chí còn đưa ra những hứa hẹn xa vời, có thể đẩy lạm phát lên cao trở lại và thậm chí có thể kích hoạt một cuộc khủng hoảng tài chính mới.

Tác động từ núi nợ công

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nhắc lại cảnh báo về "thâm hụt ngân sách dai dẳng" ở Mỹ cần phải được "giải quyết khẩn cấp". Các nhà đầu tư từ lâu đã cùng chia sẻ lo ngại về quỹ đạo tài chính dài hạn của Chính phủ Mỹ. Ông Roger Hallam, Giám đốc lãi suất toàn cầu tại Vanguard, một trong những công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, nói với CNN: “Thâm hụt ngân sách dai dẳng và gánh nặng nợ công gia tăng đã trở thành mối lo ngại trung hạn”.

 
Khi gánh nặng nợ gia tăng trên toàn thế giới, các nhà đầu tư ngày càng lo lắng. Ở Pháp, bất ổn chính trị đã làm trầm trọng thêm những lo ngại về nợ công của đất nước, khiến lợi suất trái phiếu chính phủ tăng vọt. Chi phí trả nợ cao hơn đồng nghĩa với việc chính phủ có ít tiền hơn cho các dịch vụ công thiết yếu hoặc để ứng phó với các cuộc khủng hoảng như suy thoái kinh tế, đại dịch hoặc xung đột.

Do lợi suất trái phiếu chính phủ được sử dụng để định giá các khoản nợ khác, chẳng hạn như thế chấp nhà, lợi suất tăng cũng có nghĩa là chi phí vay mượn của các hộ gia đình và doanh nghiệp cao hơn, điều gây tổn hại đến đà tăng trưởng kinh tế. Khi lãi suất tăng, đầu tư tư nhân giảm và khả năng vay mượn của chính phủ cũng kém hơn để ứng phó với suy thoái kinh tế.

Bà Karen Dynan, cựu Giám đốc Kinh tế thuộc Bộ Tài chính Mỹ và hiện là Giáo sư tại Trường Kennedy Harvard, cho biết việc giải quyết vấn đề nợ của Mỹ sẽ đòi hỏi phải tăng thuế hoặc cắt giảm phúc lợi, chẳng hạn như an sinh xã hội và các chương trình bảo hiểm y tế. Nhiều nhà chính trị không sẵn sàng nói về những lựa chọn khó khăn cần phải thực hiện, bởi đây là những quyết định rất nghiêm túc và chúng có thể có hậu quả rất lớn đối với cuộc sống của người dân”.

Ông Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế tại Đại học Harvard, đồng ý rằng Mỹ và các nước khác sẽ phải thực hiện những điều chỉnh khó khăn. Ông nói: “Trong những năm 2010, nhiều học giả, nhà hoạch định chính sách và ngân hàng trung ương có quan điểm rằng lãi suất sẽ chỉ ở gần bằng 0 trong một thời gian dài và sau đó họ bắt đầu nghĩ rằng nợ là "bữa trưa miễn phí".

Điều đó luôn sai lầm bởi vì bạn có thể coi nợ chính phủ như một khoản vay thế chấp có lãi suất linh hoạt. Nếu lãi suất tăng mạnh, khoản thanh toán lãi suất sẽ tăng lên rất nhiều. Và đó chính xác là những gì đã xảy ra trên toàn thế giới”.

Dự báo gây quan ngại

Ở Mỹ, Chính phủ liên bang sẽ chi 892 tỷ USD trong tài khóa hiện tại để trả lãi vay - nhiều hơn số tiền dành cho quốc phòng và gần bằng ngân sách cho Medicare, chương trình bảo hiểm y tế cho người cao tuổi và người khuyết tật.

Trong tài khóa tới, theo Văn phòng Ngân sách Quốc hội (CBO), cơ quan giám sát tài chính của Quốc hội Mỹ, các khoản thanh toán lãi vay của nước này sẽ vượt 1.000 tỷ USD trên khoản nợ quốc gia hơn 30.000 tỷ USD, tương đương quy mô nền kinh tế Mỹ.

CBO dự báo nợ công của Mỹ sẽ đạt 122% GDP chỉ trong 10 năm tới. Và vào năm 2054, mức nợ dự kiến sẽ tương đương 166% GDP, làm chậm đà tăng trưởng kinh tế.

Nợ công gần đạt mức cao nhất nhiều thập kỷ ở cả hai bờ eo biển Manche, nơi cử tri Anh và Pháp vừa đi bỏ phiếu bầu quốc hội. Tại cả hai nước, chi tiêu chính phủ và thâm hụt ngân sách tính trên GDP đã cao hơn đáng kể so với trước dịch. Trong khi, tăng trưởng kinh tế vẫn mờ nhạt, chi phí đi vay tăng cao và nhu cầu chi tiêu tiếp tục leo thang, từ ngân sách phục vụ quốc phòng đến lương hưu cho người già.

Nợ công Pháp năm nay đã tăng lên 112% GDP từ mức 97% GDP năm 2019 và 65%  GDP năm 2007, theo IMF. Thâm hụt ngân sách dự báo vào khoảng 5% GDP năm nay. Lợi suất trái phiếu chính phủ đã tăng vọt trong những tuần gần đây khi các nhà đầu tư dự báo núi nợ công nước này sẽ còn cao hơn.

Tại Anh, nợ công cũng tăng lên 104% GDP trong năm nay từ mức 86% GDP năm 2019 và 43% GDP năm 2007. Theo các nhà kinh tế, tình hình nợ công đòi hỏi giới chức Anh, Pháp phải tìm cách chi tiêu ít hơn và tăng thuế. Nhưng để chạy đua lấy lá phiếu của cử tri, họ còn công bố các kế hoạch ngược lại.

Các nhà kinh tế không đưa ra mức nợ công nhất định có thể gây ra những điều tồi tệ đối với thị trường. Nhưng hầu hết đều cho rằng nếu nợ công chạm tới 150% GDP hoặc 180% GDP, điều đó có nghĩa là nước đó đang đối mặt với vấn đề rất nghiêm trọng cho nền kinh tế và xã hội nói chung.

Mặc dù ngày càng lo ngại về núi nợ của Chính phủ liên bang, cả ông Joe Biden và ông Donald Trump, hai ứng cử viên tổng thống Mỹ năm 2024, đều không hứa hẹn kỷ luật tài chính trước thềm bầu cử.

Các chính trị gia Anh cũng đồng loạt giữ im lặng trước thềm cuộc tổng tuyển cử. Viện Nghiên cứu Tài chính (IFS), một tổ chức tư vấn có ảnh hưởng, đã chỉ trích sự im lặng giữa hai đảng chính trị của nước này về tình trạng tài chính công tồi tệ.

Ở Đức, những cuộc tranh giành nội bộ đang diễn ra về giới hạn nợ đã khiến liên minh cầm quyền của nước này phải chịu sức ép rất lớn. Ông Manuel Funke, Moritz Schularick và Christoph Trebesch của Viện Kinh tế Thế giới Kiel (Đức), nhận thấy rằng trong hơn 15 năm, GDP bình quân đầu người và chi tiêu tiêu dùng đã giảm hơn 10% dưới thời các chính phủ dân túy so với các chính phủ phi dân túy, trong khi gánh nặng nợ và lạm phát cũng có xu hướng gia tăng.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục