Những thay đổi trong trật tự tiền tệ và kinh tế vào Thế kỷ 21

07:02' - 02/07/2024
BNEWS Nếu cộng đồng quốc tế muốn có cơ hội giải quyết các thách thức của thế kỷ 21 một cách hiệu quả và công bằng thì cấu trúc kinh tế và tài chính toàn cầu cần được cải cách theo 8 ưu tiên nổi bật.

Tờ The Edge Malaysia bình luận rằng 80 năm trước, các đại biểu từ 44 quốc gia đã tập trung tại Bretton Woods (New Hampshire, Mỹ) để phối hợp tái thiết sau Thế chiến thứ Hai và thúc đẩy hợp tác kinh tế quốc tế. Các tổ chức mà họ đặt nền móng gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) đóng vai trò trung tâm của trật tự tài chính và tiền tệ toàn cầu.

Tuy nhiên, những năm gần đây, biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19 cho thấy sự lạc hậu của các thể chế này trước những thực trạng kinh tế toàn cầu đang thay đổi và các ưu tiên phát triển. Theo tờ The Edge, nếu cộng đồng quốc tế muốn có cơ hội giải quyết các thách thức của thế kỷ 21 một cách hiệu quả và công bằng thì cấu trúc kinh tế và tài chính toàn cầu cần được cải cách theo 8 ưu tiên nổi bật.

Thứ nhất, các nền kinh tế đang phát triển phải có tiếng nói lớn hơn trong các thể chế đa phương. Như đã được công nhận rộng rãi, kể từ năm 1944, sức mạnh kinh tế toàn cầu đã thay đổi đáng kể, trong đó các thị trường mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển có sức nặng lớn hơn nhiều. Tuy nhiên, hạn ngạch và hệ thống bỏ phiếu tại các tổ chức được lập ra ở Bretton Woods vẫn nghiêng về phía các nền kinh tế tiên tiến. Hơn nữa, một thỏa thuận "bất thành văn" là người châu Âu lãnh đạo IMF và người Mỹ lãnh đạo WB vẫn tồn tại.

Tình trạng này không chỉ làm suy yếu tính hợp pháp của các thể chế Bretton Woods, mà còn cản trở khả năng đáp ứng những thách thức cấp bách và phức tạp của thời đại ngày nay. Đó là lý do hạn ngạch và tỷ lệ biểu quyết phải được phân bổ lại, vốn là sự thay đổi mà các nền kinh tế tiên tiến, đặc biệt là Mỹ đến nay vẫn phản đối, và phải áp dụng quy trình lựa chọn lãnh đạo “đa số kép”. Trong hệ thống như vậy, các ứng cử viên thành công sẽ phải nhận được đa số phiếu bầu có trọng số, phản ánh phần đóng góp của các quốc gia trong tổ chức, và sự ủng hộ của đa số các quốc gia thành viên.

Thứ hai, Mạng lưới An toàn Tài chính Toàn cầu (GFSN), mạng lưới các tổ chức cung cấp nguồn tài chính quan trọng trong thời kỳ khủng hoảng, phải được củng cố và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nền kinh tế đang phát triển đang phải đối mặt với những rủi ro về khí hậu và kinh tế vĩ mô gia tăng. Hiện tại, GFSN không chỉ kém xa về số lượng hỗ trợ, mà còn phải gánh chịu những bất bình đẳng về cơ cấu cố hữu, khiến các nước đang phát triển dễ bị tổn thương hơn. Một GFSN lớn hơn, công bằng hơn sẽ bảo vệ các quốc gia tốt hơn trước các cú sốc khí hậu và các cuộc khủng hoảng khác, giải phóng các nguồn lực để thúc đẩy phát triển tại địa phương.

Thứ ba, một cơ chế quốc tế phải được thiết lập để đưa ra các giải pháp công bằng và nhanh chóng cho các cuộc khủng hoảng nợ công. Việc xây dựng một cơ chế xử lý nợ công như vậy, bao gồm một thể chế độc lập với chủ nợ và con nợ vốn rất quan trọng để đảm bảo đối xử công bằng, nên bắt đầu ngay bây giờ. Tuy nhiên, cũng cần có các giải pháp ngắn hạn để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công hiện đang cản trở sự phát triển ở Nam Toàn cầu, vì nó cản trở các khoản đầu tư quan trọng vào hành động vì khí hậu và các Mục tiêu Phát triển Bền vững (SDG) của Liên hợp quốc.

Thứ tư, tài chính khí hậu phải được mở rộng quy mô và tất cả các dòng tài chính công và tư nhân, bao gồm cả việc cho vay của các tổ chức tài chính quốc tế, phải phù hợp với các mục tiêu đặt ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Các cơ quan thiết lập tiêu chuẩn quốc tế phải cam kết giải quyết các rủi ro tài chính liên quan đến khí hậu và hỗ trợ “sự liên kết Paris” này.

Thứ năm, các ngân hàng phát triển quốc tế, quốc gia và địa phương phải được tăng cường. Việc thích ứng và giảm thiểu biến đổi khí hậu sẽ đòi hỏi lượng đầu tư khổng lồ và có những giới hạn đối với những gì các tổ chức tài chính thương mại có thể làm. Do đó, các ngân hàng và quỹ phát triển công phải đóng vai trò lớn hơn nhiều trong việc tài trợ cho quá trình chuyển đổi cơ cấu và phát triển bền vững. Các ngân hàng phát triển đa phương (MDB) và các tổ chức tài chính phát triển (DFI) nên hợp tác chặt chẽ với các đối tác trong nước và địa phương để giúp họ phát huy tiềm năng.

Thứ sáu, phải đạt được tiến bộ hướng tới một hệ thống tiền tệ và dự trữ đa phương tập trung vào đồng tiền của IMF là Quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Vai trò trung tâm của đồng USD đối với hệ thống tiền tệ toàn cầu hoặc phi hệ thống có nghĩa là các chính sách của một ngân hàng trung ương là Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có tác động không cân xứng đến điều kiện tiền tệ toàn cầu và chu kỳ tài chính toàn cầu. Một hệ thống ổn định hơn sẽ yêu cầu IMF thường xuyên phát hành SDR để đáp ứng nhu cầu dự trữ ngoại hối ngày càng tăng trên toàn cầu, với sự phân bổ bổ sung và tự động trong thời kỳ khủng hoảng. Đồng thời, để giảm rủi ro tiền tệ ở các quốc gia tiếp nhận, MDB và DFI nên cung cấp tài chính bằng nội tệ.

Thứ bảy, IMF và các tổ chức tài chính khu vực cần tạo ra các cơ chế phối hợp chính sách để quản lý sự biến động của dòng vốn giữa các khu vực và giữa các nền kinh tế đang phát triển và tiên tiến. Thuế giao dịch tài chính quốc tế cũng nên được áp dụng để giúp hạn chế sự gián đoạn do dòng vốn ngắn hạn gây ra. Nguồn thu đáng kể mà khoản thuế này tạo ra có thể được sử dụng để tài trợ cho các SDG và hành động về khí hậu.

Cuối cùng, cơ cấu thuế quốc tế phải được tăng cường để hỗ trợ sự phát triển công bằng, toàn diện và bền vững. Tính minh bạch thuế cao hơn và các cơ chế được cải thiện để chia sẻ thông tin tài chính ngân hàng xuyên biên giới có thể cho phép các quốc gia tạo ra nhiều nguồn thu thuế nội địa hơn. Ngoài ra, Công ước khung của Liên hợp quốc về thuế mang tính ràng buộc, kết hợp với các biện pháp chống lại các dòng tài chính bất hợp pháp, có thể tạo ra các nguồn tài chính phát triển mới và giảm sự phụ thuộc đối với hỗ trợ phát triển chính thức.

Hội nghị Bretton Woods năm 1944 là thời điểm hành động tập thể chưa từng có. Một thời điểm khác như vậy, trong đó các nhà lãnh đạo thế giới thúc đẩy tầm nhìn mới, hướng tới tương lai cho cấu trúc tài chính toàn cầu, đã quá hạn từ lâu.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục