Nỗi niềm doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu

15:11' - 01/03/2023
BNEWS Các doanh nghiệp này mong muốn gửi các ý kiến tới các cơ quan quản lý liên quan để sửa Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới.

Theo chia sẻ của nhiều doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu, còn nhiều vấn đề về cơ chế điều hành cũng như các quy định về chi phí trong hoạt động kinh doanh xăng dầu. Do vậy, các doanh nghiệp này mong muốn gửi các ý kiến tới các cơ quan quản lý liên quan để sửa Nghị định 95 và 83 về kinh doanh xăng dầu trong thời gian tới. 

Chia sẻ với phóng viên, ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc (Trà Vinh) cho hay, thời gian qua, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu liên tục gặp thua lỗ, do chiết khấu dưới điểm hòa vốn hoặc 0 đồng và hy vọng có sự thay đổi.

Theo quy định, cơ cấu giá xăng dầu đã cố định ngưỡng chi phí định mức kinh doanh (1.050 đồng/lít với xăng RON 95 và 1.250 đồng/lít với xăng E5) và lợi nhuận định mức (300 đồng). Các doanh nghiệp đầu mối sẽ tính toán trong khoản này để thoả thuận mức chiết khấu cho các mắt xích trong hệ thống của mình. Điều này được hiểu, đã bao gồm chiết khấu cho doanh nghiệp bán lẻ.

Thực tế, từ năm 2021, khi thị trường nhiều biến động, các doanh nghiệp bán lẻ cho biết, họ chỉ nhận mức chiết khấu bằng "đồng con", chưa bao gồm chi phí vận chuyển, thậm chí bằng 0 đồng. Mỗi lít xăng dầu bán ra tuỳ thời điểm, doanh nghiệp bán lẻ phải chịu lỗ từ 250 đồng đến hơn 1.000 đồng.

Giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu tại Hà Giang cho biết, doanh nghiệp bán lẻ nhận chiết khấu 0 đồng, chiết khấu âm vẫn phải duy trì kinh doanh, vẫn phải trả lương cho người lao động, nộp thuế, nộp bảo hiểm… nếu nợ các khoản trên là vi phạm vào các bộ luật. Vậy có giải pháp gì để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xăng dầu?

 
Nguyên nhân lỗ được nhiều doanh nghiệp nêu ra là do cơ chế điều hành và chưa quy định chi phí ở 3 khâu, doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ, nên đã tạo kẻ hở.

"Riêng khâu bán lẻ phải đạt giá trị từ 5-6%/giá bán lẻ chúng tôi mới đủ trang trải chi phí hoạt động để trả lương cho nhân viên, điện nước, hao hụt, sửa chữa máy móc thiết bị, trả lãi ngân hàng, chi phí mặt bằng, chi phí quản lý kinh doanh, và các chi phí cơ hội khác. Phần chi phí cơ bản này thuộc sở hữu của doanh nghiệp bán lẻ, và được ghi trong giá cơ sở. Đây là công cụ quản lý hữu hiệu của nhà nước, để doanh nghiệp bán lẻ hoạt động ổn định trong mọi tình huống của giá xăng dầu Thế giới", ông Giang Chấn Tây nói.

Hiện với hơn 9.000 cửa hàng của các doanh nghiệp bán lẻ, với quy mô tồn kho để kinh doanh khoảng 50 m3/cửa hàng, tổng lượng dự trữ của các doanh nghiệp lên tới xấp xỉ nửa triệu tấn xăng dầu. Quy đổi theo giá hiện nay, giá trị hàng hóa tồn trữ đảm bảo ổn định từ 7 - 10 ngày lên tới hơn 10.500 tỷ đồng. Đây là nguồn dự trữ ổn định do chính doanh nghiệp bán lẻ tạo ra, nhà nước không phải bỏ vốn đầu tư, chi phí quản lý, vận hành lại được bố trí dàn trải trên khắp cả nước, góp phần ổn định an ninh năng lượng tại chỗ, kịp thời.

Dù đóng góp rất lớn cho đảm bảo an ninh năng lượng nhưng các doanh nghiệp bán lẻ đang chịu nhiều thiệt thòi đơn thiệt kép khi không được tính đủ chi phí để vận hành, bị doanh nghiệp đầu mối cắt chiết khấu về 0 đồng, có thời điểm doanh nghiệp phải bỏ thêm tiền để mua xăng dầu về bán dưới giá thành. Ước tính giai đoạn cao điểm từ tháng 3/2022 đến nay, số tiền thua lỗ của các doanh nghiệp bán lẻ lên tới gần 4.000 tỷ đồng. Nếu tình trạng thua lỗ tiếp tục kéo dài, sức chịu đựng của doanh nghiệp có hạn và sẽ dẫn đến tình trạng buộc phải xin rút giấy phép và ngừng kinh doanh.

“Kiến nghị Ban soạn thảo sửa Nghị định về xăng dầu ghi nhận chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức, ở khâu bán lẻ một cách hợp lý để đảm bảo không có sự phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp. Chi phí kinh doanh định mức phân chia cụ thể làm 3 khâu để mỗi khâu đều có chi phí kinh doanh và chi phí định mức cho cửa hàng bán lẻ xăng dầu tối thiểu là 3 - 3,5% tính trên giá bán lẻ trước thuế tại thời thời điểm bán ra”, đại diện nhóm doanh nghiệp bán lẻ cho hay.

Không chỉ liên quan đến việc chiết khấu, các doanh nghiệp cũng chỉ ra nhiều vấn đề cần được sớm tháo gỡ để ổn định thị trường xăng dầu. Bà Trần Thuỵ Thuỳ Trâm, Công ty TNHH TM Đoan Việt (Tp. Hồ Chí Minh)) đặt vấn đề, có những thời điểm, bản thân doanh nghiệp bán lẻ cũng không mua được hàng để bán cho người dân, mặc dù càng bán càng lỗ. Theo quy luật thị trường, kinh doanh thì phải có lời. Tại sao doanh nghiệp buộc phải bán, dù lỗ, nếu không bán thì bị phạt hàng chục triệu và rút giấy phép. Như vậy, có được coi là hài hòa lợi ích và chia sẻ rủi ro?

Theo chia sẻ của doanh nghiệp này, cùng là 1 loại xăng RON 95 (đều theo tiêu chuẩn Việt Nam), tại sao không được đổ chung vào 1 bồn? Trên thực tế, doanh nghiệp bán lẻ lấy hàng qua thương nhân phân phối, thương nhân này lại lấy hàng từ nhiều nguồn và được phép đổ chung bồn. Vậy, việc chỉ ký mua hàng từ một đầu mối, hoặc thương nhân phân phối có phải làm triệt tiêu sự cạnh tranh và làm khó khâu bán lẻ hay không.

Vị này cũng cho hay, quy định doanh nghiệp bán lẻ chỉ được lấy hàng từ 1 đầu mối đã không còn phù hợp. Do vậy, cần cho phép doanh nghiệp bán lẻ được lấy từ nhiều nguồn hàng để đảm bảo nguồn cung bán ra. 

Liên quan vấn đề này, theo chia sẻ của ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong chuỗi đầu mối - phân phối - bán lẻ xăng dầu thì hầu như doanh nghiệp bán lẻ chịu thiệt. Do đó, nhu cầu sửa Nghị định lần này làm sao định giá phần chi phí bằng nhau chứ ở đây chúng ta đang thả nổi cho các doanh nghiệp tự định đoạt, tạo ra sự không công bằng về mức chiết khấu.

Về đầu mối mua xăng dầu, hiện doanh nghiệp bán lẻ chỉ mua 1 đầu mối nên vị thế đàm phán của doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ rất kém. Cần cân nhắc sửa đổi trong Nghị định để tạo sự cạnh tranh minh bạch, lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp, đặc biệt để thị trường xăng dầu đi vào ổn định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục