Nóng cuộc chiến pháp lý giữa Epic Games và Apple

12:42' - 04/05/2021
BNEWS Epic Games và tập đoàn công nghệ Apple (đều của Mỹ) đã bước vào phiên tòa xét xử vụ kiện do nhà sản xuất trò chơi điện tử và phần mềm khơi mào.

Ngày 3/5, Epic Games và tập đoàn công nghệ Apple (đều của Mỹ) đã bước vào phiên tòa xét xử vụ kiện do nhà sản xuất trò chơi điện tử và phần mềm khơi mào, trong đó cáo buộc "Trái táo cắn dở" có hành vi độc quyền.

Tại phiên tòa diễn ra ở tòa án liên bang California này, hai bên tranh luận liệu các mức hoa hồng 15-30% mà Apple thu của các nhà phát triển ứng dụng khi họ sử dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của hãng này và hành vi Apple kiểm soát việc người dùng có thể cài đặt ứng dụng nào có cấu thành hành vi chống cạnh tranh hay không.

Phát biểu mở màn tranh luận, luật sư của Epic Games, bà Katherine Forres cáo buộc Apple đã biến nền tảng thị trường trực tuyến của mình - cửa hàng ứng dụng App Store - trở thành một "khu vườn biệt lập" độc quyền, thu hút các nhà phát triển ứng dụng và người dùng tham gia để rồi sau đó "bòn rút" tiền của họ.

Theo luật sư Forres, "gã khổng lồ" công nghệ nhận được các khoản lợi nhuận lên tới 78% từ các ứng dụng, cho thấy rõ ràng Apple có hành vi độc quyền.

Với tư cách là người làm chứng thứ nhất, Giám đốc điều hành của Epic Games Tim Sweeney cho biết các hành vi của Apple đã buộc Epic Games phải chấp nhận các điều khoản bất lợi, nếu không muốn đánh mất lượng người dùng iPhone khổng lồ.

Ông nhấn mạnh trong bối cảnh trò chơi điện tử Fortnite đang mở rộng quy mô hoạt động, hơn 1 tỷ người dùng iPhone đóng vai trò rất quan trọng với nhà phát hành trò chơi điện tử này.

Về phần mình, luật sư của Apple Karen Dunn phản bác rằng vụ kiện của Epic Games là một phần của cuộc chiến chống lại phí nền tảng di động bất chấp luật pháp và sự thật. Apple không tạo ra mô hình kinh doanh "độc quyền" mà chỉ cung cấp "một thị trường tạp hóa bán nhiều loại mặt hàng, cạnh tranh với các cửa hàng khác".

Theo luật sư Dunn, mọi người có thể chơi các trò chơi điện tử của Epic Games trên các nền tảng, trong đó có các thiết bị điện tử nhỏ gọn, các máy tính cá nhân và điện thoại thông minh của các đối thủ của Apple.

Hãng này không tạo ra "một hệ sinh thái tích hợp và bảo mật" để mọi người tránh xa, mà có thể mời chào các nhà phát triển ứng dụng tham gia mà không ảnh hưởng đến quyền riêng tư, độ tin cậy và chất lượng mà người tiêu dùng mong muốn.

Luật sư Dunn nhấn mạnh rằng nếu Epic Games thắng kiện, người tiêu dùng và các nhà phát triển ứng dụng sẽ phải hứng chịu hậu quả là việc bảo mật kém hơn, quyền riêng tư giảm đi và có ít sự lựa chọn hơn - những điều mà luật chống độc quyền nỗ lực bảo vệ.

Cuộc chiến pháp lý giữa Epic Games và Apple bắt đầu vào năm ngoái sau khi Epic cố gắng áp dụng hệ thống thanh toán trong ứng dụng của riêng mình trong trò chơi "Fortnite". Apple ngay sau đó đã gỡ bỏ trò chơi này khỏi cửa hàng ứng dụng App Store của mình.

Trong những lý lẽ mà Epic Games đưa ra, nhà phát hành trò chơi điện tử nổi tiếng Fortnite cho rằng iPhone, với hơn 1 tỷ người dùng, đã tạo ra một thị trường riêng biệt cho các nhà phát triển phần mềm mà ở đó, Apple nắm giữ thế độc quyền.

"Trái táo cắn dở" có quyền quyết định cách thức mà người dùng có thể cài đặt phần mềm trên thiết bị của mình. Epic  Games cho rằng Apple đang lạm dụng quyền lực này của mình khi buộc các nhà phát triển phải phân phối phần mềm của mình thông qua cửa hàng ứng dụng App Store, nơi các nhà phát triển phải chịu các khoản phí cho nhiều giao dịch.

Kể từ năm 2008, Apple đã tạo ra một mối liên kết không thể tách rời giữa mẫu điện thoại di động iPhone và App Store. Chiến dịch quảng cáo "lúc nào cũng có một ứng dụng cho bạn" của công ty đã thu hút hàng triệu người, thuyết phục người tiêu dùng bỏ tiền ra mua hơn một tỷ chiếc iPhone trong suốt 12 năm qua.

Do App Store là nơi duy nhất để tìm chương trình cho iPhone, hàng triệu nhà phát triển đã tìm đến Apple. Tuy nhiên, hãng yêu cầu các nhà phát triển ứng dụng sử dụng hệ thống xử lý thanh toán của chính hãng này mỗi khi bán sản phẩm.

Nhà sản xuất iPhone nói rằng sử dụng hệ thống xử lý thanh toán của mình sẽ giúp đảm bảo tính an toàn và công bằng và đổi lại, Apple sẽ thu 15-30% "phí hoa hồng" trên mỗi đơn hàng nhằm góp phần duy trì sự ổn định của App Store.

Chính điều này đã khiến "gã khổng lồ" công nghệ đối mặt với những câu hỏi về việc liệu hãng có đang xây dựng một mô hình kinh doanh độc quyền hay lạm dụng quyền lực thị trường hay không./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục