Nông nghiệp tái cơ cấu gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng

07:25' - 03/01/2019
BNEWS Năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung thực hiện cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Nông dân xã Mỹ Đông, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp xuống giống Đài Thơm 8 trong vụ lúa Đông Xuân 2018 - 2019. Ảnh: Chương Đài - TTXVN

Để kịp thời triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2019, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng, ban hành Kế hoạch hành động nhằm cụ thể hóa và tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết.

Năm 2019, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tập trung thực hiện cơ cấu lại gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.

Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, toàn ngành nông nghiệp xác định “Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hội nhập quốc tế, thích ứng với biển đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới phồn vinh và văn minh”.

Các chỉ tiêu chính của ngành là: tốc độ tăng GDP toàn ngành đạt trên 3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt trên 3,11%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt trên 43 tỷ USD.

Tỷ lệ che phủ rừng đạt trên 41,85%; tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới 50%, có ít nhất 70 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Ngành sẽ thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả ba đột phá chiến lược. Thứ nhất là tập trung cải cách, hoàn thiện thể chế để phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong nông nghiệp.

Thứ hai là xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn đồng bộ, hiện đại. Thứ ba là đổi mới và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của ngành, đẩy mạnh đào tạo nghề cho nông dân.

Ngành thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại ngành, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của ngành, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế cả nước.

Tập trung thực hiện Kế hoạch cơ cấu lại ngành giai đoạn 2017 - 2020, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tạo chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng và hiệu quả, sức cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.

Đánh giá lợi thế, tiềm năng để xây dựng, phát triển cơ cấu sản phẩm theo 3 trục sản phẩm phù hợp với nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Ngành nông nghiệp nâng cao hiệu quả trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm cải thiện chất lượng và nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông lâm thủy sản theo chuỗi giá trị.

Đưa khoa học công nghệ vào phục vụ phát triển nông nghiệp, tập trung vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu, sản xuất các loại giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu; công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch.

Triển khai các giải pháp để tận dụng tối đa cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, đặc biệt là các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghệ sinh học...; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành; hài hoà hoá tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.

Ngành đẩy mạnh thực hiện các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản phù hợp với điều kiện từng vùng, miền, sản phẩm, ngành hàng, khuyến khích các mô hình sản xuất công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao và các quy trình sản xuất tốt, liên kết theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến xuất khẩu.

Thực hiện Đề án phát triển 15.000 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả giai đoạn 2017 - 2020…; phát triển mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất kinh doanh nông nghiệp.

Đến hết năm 2019 có 11.250 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục