Nông sản nâng chất lượng tìm đường thương mại hóa

16:44' - 11/07/2022
BNEWS Bên cạnh đồng hành của các Bộ, ngành và địa phương, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản cũng đang chủ động cải tiến chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bảo quản, lưu thông ra thị trường.

Trong thời gian gần đây, trên cơ sở nâng chất lượng nông sản, ngày càng nhiều nông dân, hợp tác xã tại nhiều địa phương đã tăng cường giải pháp tìm đường thương mại hóa sản phẩm, nhằm vừa xây dựng thương hiệu, vừa gia tăng giá thành.

Bên cạnh đồng hành của các Bộ, ngành và chính quyền địa phương, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh mặt hàng nông sản cũng đã và đang chủ động cải tiến chuỗi cung ứng từ sản xuất đến bảo quản, lưu thông ra thị trường.

*Đầu tư chế biến sâu

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Chương trình kết nối giao thương đưa các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh tỉnh Đắk Nông và Hậu Giang vào tiêu thụ tại các siêu thị Tp. Hồ Chí Minh vừa diễn ra, bà Nguyễn Thị Mỹ Linh, Giám đốc Công ty Trách hiện hữu hạn Một thành viên sản xuất, thương mại, dịch vụ Linh Anh, tỉnh Đắk Nông cho biết, hiện tại doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền sản xuất hạt điều rang muối tại xã Tâm Thắng, huyện Cư Jut.

Bắt nguồn từ năm 2014, doanh nghiệp nhận thấy nguồn nguyên liệu hạt điều dồi dào nhưng chỉ bán theo hình thức hạt điều thô với giá thành thấp và không ổn định.

Cùng với việc chủ động thu mua hạt điều của người dân địa phương và bắt tay vào sản xuất theo dây chuyền chế biến sâu, từ sơ sơ - hấp - sấy - bóc lụa - phân loại đã cho ra thành phẩm hạt điều rang muối chất lượng thơm ngon nên giá thành sản phẩm tăng cao trên thị trường.

 

Cùng với đó, sở, ngành địa phương hỗ trợ trong xúc tiến thương mại, hoàn thiện bao bì, mẫu mã... sau gần 3 năm, sản phẩm của Linh Anh đã mang lại thu nhập ổn định cho người dân và giải quyết một phần đầu ra cho hạt điều địa phương.

Tương tự, đại diện Công ty cổ phần Thương mại Sachi Tây Nguyên cho hay, với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực cung cấp các sản phẩm nguyên liệu đến chế biến chuyên sâu, sản phẩm của doanh nghiệp đã có mặt trong nước và xuất khẩu đi một số nước.

Để đạt được kết quả này, Sachi Tây Nguyên luôn đặt mục tiêu chất lượng và uy tín lên hàng đầu ngay cả trước, trong và sau khi bán hàng.

Ngoài ra, Sachi Tây Nguyên đã nỗ lực không ngừng xây dựng mối quan hệ mật thiết với các nhà đại lý thu mua, cũng như vùng nguyên liệu hiện có của doanh nghiệp. Đồng thời, doanh nghiệp còn có vùng nguyên liệu bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã, hướng đến mục tiêu xây dựng thương hiệu trong ngành và xuất khẩu.

Ở góc độ người nông dân, ông Võ Đình Nguyên, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp - Dịch vụ Đồng Lợi cho rằng, Việt Nam có điều kiện tự nhiên ưu đãi, khí hậu hậu ôn hòa, phù hợp với nhiều loại cây trồng; trong đó có cây bơ. Tuy nhiên, người trồng bơ còn gặp nhiều khó khăn trong tìm đầu ra và thị trường tiêu thụ.

Dẫn chứng cụ thể, ông Võ Đình Nguyên chia sẻ, do đặc tính trái bơ có thời hạn bảo quản và chế độ bảo quản đặc thù nên kênh xuất khẩu rất hạn chế, trong khi có ít doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư công nghệ chế biến sâu. Trên thực tế, thị trường tiêu thụ chính của trái bơ vẫn là nội địa, thông qua thương lái, nhà phân phối, bán lẻ...

Các sản phẩm nông sản của Việt Nam như hồ tiêu, cà phê, hạt điều... đã có đầu ra ổn định nhờ ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia chế biến sâu, đầu tư công nghệ, xây dựng thương hiệu. Do đó, những sản phẩm như trái bơ, nếu được hình thành chuỗi cung ứng và ứng dụng công nghệ sản xuất chế biến sâu sẽ không chỉ nâng chất lượng và giá trị gia tăng cho sản phẩm, mà còn dễ dàng tìm đầu ra cho loại nông sản này và giúp người nông dân tăng thêm thu nhập.

*... vào kênh bán lẻ hiện đại

Theo một số đơn vị sản xuất kinh doanh, muốn tìm đầu ra cho nông sản địa phương hay mở đường xuất khẩu nông sản thì trước tiên sản phẩm phải vào được kênh bán lẻ hiện đại trong nước. Bởi kênh bán lẻ hiện đại tại Việt Nam có sự tham gia của không ít thương hiệu bán lẻ toàn cầu và nhà bán lẻ ngoại, nên đây cũng là một trong những "thước đo" tin cậy chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa cho đơn vị sản xuất kinh doanh.

Trong đó, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương có hệ thống doanh nghiệp, nhà bán lẻ, kênh thương mại điện tử... quy mô lớn và là thị trường tiêu thụ đầy tiềm năng cho nông sản các địa phương. Chính vì vậy, hầu hết địa phương nói chung, đơn vị sản xuất kinh doanh nói riêng đều rất mong muốn thúc đẩy những hợp tác cụ thể và ký kết hợp tác giữa đại diện các địa phương và giữa các doanh nghiệp để làm cơ sở cho việc tiến đến kết nối tiêu thụ nông sản.

Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Tp. Hồ Chí Minh có thế mạnh là đa dạng hệ thống bán lẻ từ kênh phân phối hiện đại đến chuỗi cửa hàng tiện lợi và mạng lưới chợ truyền thống. Khi tiếp cận được những hệ thống bán lẻ này, đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản sẽ có cơ hội và được tạo điều kiện thuận lợi xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm đến với nhiều phân khúc khách hành từ cao cấp đến bình dân.

"Trong đó, mỗi hệ thống bán lẻ phổ biến có tiêu chuẩn riêng và luôn phải lựa chọn hàng hóa đảm bảo chất lượng để đưa lên quầy, kệ phục vụ phân khúc khách hàng của họ. Vì vậy, ngoài đòi hỏi sản phẩm đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe thì thương hiệu, giá cả, cách thức giao hàng... cũng là vấn đề mà đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản phải tính toán, cân nhắc để lựa chọn kênh bán lẻ phù hợp với sản phẩm của doanh nghiệp hay địa phương", ông Nguyễn Nguyên Phương cho biết thêm.

Hơn thế nữa, khi đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản kết nối được với kênh bán lẻ hiện đại thì không chỉ tìm được đầu ra cho sản phẩm, mà còn được hỗ trợ về thông tin thị trường, nắm bắt thị hiếu tiêu dùng và hoàn thiện tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Qua đó, đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản, mà cụ thể là người nông dân cũng có thể cắt bớt khâu trung gian, cũng như trực tiếp bán sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước.

Liên quan đến giải quyết thách thức trong vận chuyển hàng hóa khi bán hàng trực tuyến, ông Phan Bình, Giám đốc thương hiệu J&T Express chỉ ra rằng, đối với những bài toán vận chuyển đặc thù như nông sản, đơn vị chuyển phát nhanh, vận chuyển, giao nhận đã có bộ giải pháp dịch vụ đa dạng. Điển hình, đối với thách thức tăng cường việc bán hàng hóa nông sản trong nước tới tay người dùng cuối không qua thương lái có hai cách là tận dụng livestream để quảng bá sản phẩm tới đông đảo người mua hơn và thông qua bên vận chuyển chuyên nghiệp để đảm bảo hàng hóa đến với người tiêu dùng một cách an toàn nhất.

Ghi nhận từ đầu năm 2022 đến nay, đã có nhiều tỉnh, thành trên cả nước như Đắk Nông, Hậu Giang, Lâm Đồng... thúc đẩy xúc tiến giao thương với Tp. Hồ Chí Minh, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đơn vị sản xuất kinh doanh nông sản đưa các sản phẩm nông nghiệp thế mạnh, đặc trưng địa phương vào tiêu thụ ở kênh bán lẻ hiện đại, thương mại điện tử... Song song đó, những địa phương này cũng đã đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng vùng sản xuất có sản lượng ổn định, đảm bảo chất lượng sản phẩm cung ứng theo đơn hàng của thị trường tiêu thụ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục