Nông sản vượt bão dịch

09:01' - 01/04/2021
BNEWS Đến nay, sau gần 2 tháng chống dịch, với những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, dịch COVID-19 tại Hải Dương đã từng bước được khống chế.

Để vượt qua những khó khăn chưa từng có tiền lệ, dù chưa phải đã kịp thời nhưng đã ghi nhận những thành công từ sự chung tay của người dân cả nước và sự vào cuộc của các bộ, ngành hỗ trợ Hải Dương trong phòng chống dịch và tiêu thụ nông sản nhằm hạn chế tổn thất cho người nông dân.

Từ đây cũng đặt ra yêu cầu sản xuất, tiêu thụ nông sản nói riêng cũng như hàng hóa nói chung có sự kết nối vùng để đạt yếu tố bền vững.

*Tăng cường kết nối, lưu thông

Dịch COVID-19 bùng phát đợt 3 tại Hải Dương vào thời điểm cận Tết, đúng lúc vụ Đông đang thu hoạch và nhiều nông sản đã sẵn sàng cho thị trường Tết.

Thời điểm áp dụng lệnh phong tỏa toàn thành phố Chí Linh từ trưa ngày 28/1, thương lái không về thu mua khiến nông dân Chí Linh như ngồi trên lửa.

Gia đình Vũ Thị Mai, khu dân cư Tân Tiến, phường Hoàng Tiến có trên 4.000 con gà đồi đến kỳ xuất chuồng nhưng không thể bán.

Tương tự, khi huyện Cẩm Giàng thực hiện phong tỏa, nông dân huyện này, đặc biệt là những nông dân trồng cà rốt cũng đứng ngồi không yên.

Đặc biệt, khi Hải Dương quyết định áp dụng cách ly xã hội toàn tỉnh từ ngày 16/2, cả tỉnh còn khoảng 4.000 ha rau vụ Đông đến kỳ thu hoạch với sản lượng trên 90.000 tấn, riêng cà rốt gần 27.000 tấn; trong đó 90% xuất khẩu và 10% tiêu thụ nội địa.

Lượng rau bắp cải và su hào, súp lơ, rau ăn lá các loại trên 8.000 tấn; trong đó 70% tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, nhiều tỉnh, thành phố thời điểm này ban hành quy định không cho xe hàng của Hải Dương đi qua, kể cả việc sang tải tại các chốt.

Để tiêu thụ hàng hóa nông sản, cùng với việc đề nghị các địa phương lân cận và các bộ, ngành có giải pháp hỗ trợ, tỉnh Hải Dương, đặc biệt ngành nông nghiệp Hải Dương đã huy động và tăng cường nhân lực hỗ trợ các doanh nghiệp, thương lái có phương tiện ra vào các chốt kiểm dịch thuận lợi và bảo đảm các điều kiện phòng chống dịch.

Trong điều kiện tiêu thụ nông sản gặp khó do dịch bệnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương tích cực kết nối với các tỉnh, thành phố và liên kết với các địa phương trong tỉnh để thực hiện hai nhiệm vụ cùng lúc: vừa tiêu thụ hàng nông sản, vừa hỗ trợ cho các hộ dân bị cách ly y tế.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, từ kinh phí quyên góp được của chương trình “Kết nối trái tim”, đơn vị này đã thống kê nhu cầu của các khu phong tỏa, sau đó thu mua các sản phẩm nông nghiệp của các vùng đang gặp áp lực tiêu thụ rồi chuyển đến hỗ trợ người dân đang cách ly.

Đến nay, ước tính, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn Hải Dương đã thu mua 200 tấn rau củ các loại, 115 tấn gạo, 80.000 quả trứng gà, vịt… và hỗ trợ khoảng 14.000 suất quà gồm thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác tặng người dân có hoàn cảnh khó khăn, công nhân các nơi phong tỏa, cách ly y tế tại 12 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.

Cùng với sự nỗ lực của cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh Hải Dương cũng nhiều lần có văn bản đề nghị các địa phương tạo điều kiện trong vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cho nông dân và doanh nghiệp Hải Dương.

Đặc biệt, thời điểm thực hiện cách ly xã hội đối với toàn tỉnh, Hải Dương đã gửi văn bản tới Bộ Công Thương, UBND thành phố Hải Phòng, UBND tỉnh Quảng Ninh và một số tỉnh, thành phố có cửa khẩu quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan tạo điều kiện cho phép các phương tiện, lái xe và người giao nhận hàng hóa của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng dịch theo quy định được ra, vào các địa phương, kịp thời tiêu thụ và thông quan xuất khẩu.

Nhiều tỉnh, thành phố yêu cầu lái xe chở hàng hóa đi từ Hải Dương qua các chốt kiểm soát dịch của tỉnh, thành khác phải xuất trình giấy xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2 do Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương cấp.

Từ thực tế này, để hỗ trợ các lái xe thuận lợi trong vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ, Hải Dương đã tăng cường nhân lực để xét nghiệm cho các trường hợp là lái xe vận tải hàng hóa. Nhờ vậy, trong giai đoạn cách ly xã hội toàn tỉnh, nông sản Hải Dương vẫn được tiêu thụ sang một số tỉnh, thành khác; trong đó có nhiều chuyến hàng được các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp ủng hộ nông dân vùng dịch.

*Cần sự chung tay ngay từ địa phương

Một trong những thành công của tỉnh Hải Dương trong giai đoạn khó khăn nhất chính là sự chung tay của nhiều ban, ngành, đoàn thể triển khai hàng loạt các biện pháp nhằm hỗ trợ thu hoạch và tiêu thụ được tối đa các mặt hàng nông sản.

Chị Lê Thị Chinh, Chủ tịch Hội Phụ nữ thị xã Kinh Môn cho biết, trong đợt cao điểm, các cấp hội phụ nữ đã hỗ trợ 350 hộ ở phường Hiến Thành thu hoạch khoảng 16 mẫu rau màu.

Theo thống kê sơ bộ, chỉ trong 3 ngày từ 21 - 23/2, Tỉnh đoàn Hải Dương đã kết nối, thu hoạch, tiêu thụ 300 tấn nông sản gồm rau, củ, quả, trứng gia cầm, gà thịt giúp bà con nông dân, gửi lên cho các điểm cầu tại Hà Nội triển khai hàng chục điểm bán nông sản Hải Dương sẻ chia cùng người dân vùng dịch.

Cùng với đó, hàng loạt chuyến rau củ đã được ủng hộ giúp người dân khó khăn trong mùa dịch.

Anh Nghiêm Xuân Tuấn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh đoàn Hải Dương cho biết: “Tính riêng từ ngày 18 - 20/2, Tỉnh đoàn Hải Dương đã huy động đoàn viên thanh niên thu hoạch và chuyển khoảng 30 tấn rau củ quả ở các vùng chuyên canh rau màu trong tỉnh như Tứ Kỳ, Gia Lộc, Kim Thành để chuyển đến hỗ trợ người dân vùng dịch. Đồng hành với chúng tôi, nhiều cá nhân, doanh nghiệp đã ủng hộ kinh phí để Tỉnh đoàn thu mua nông sản của nông dân và ủng hộ người dân đang thiếu thốn thực phẩm ở những nơi phong tỏa”.

Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích người dân tiêu thụ nông sản nội tỉnh cũng là biện pháp được các địa phương triển khai. Tại thành phố Chí Linh, chỉ trong 1 ngày, khoảng 10.000 con gà đồi đã được tiêu thụ, giúp người nông dân bớt khó khăn.

Tương tự, tại huyện Nam Sách, nhờ sự chung tay của công chức, viên chức các cơ quan chính quyền và khối đảng, một số trang trại gia cầm lớn đã bước qua giai đoạn khó khăn.

Huyện ủy, UBND huyện Kim Thành cũng đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể chung tay thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân địa phương.

Với nhiều nỗ lực tháo gỡ của chính quyền địa phương, sự chung sức của nhiều đơn vị, tổ chức trong và ngoài tỉnh, lượng nông sản của Hải Dương đã được tiêu thụ, giảm thiệt hại cho nông dân.

Hiện nay, gia đình chị Vũ Thị Mai, phường Hoàng Tiến, thành phố Chí Linh đã bắt đầu vào chuồng lứa gà mới, khôi phục lại chăn nuôi sau “biến cố” dịch.

“Nhờ có các cấp chính quyền giúp nên sau Tết, các cơ sở giết mổ ở Hà Nội, các thương lái liên tục về thu mua gà. Bây giờ, nhà tôi và các nhà khác xung quanh đều không còn gà tồn đọng nữa. Giá bán cũng nhích lên được 2 giá so với thời điểm mới bị dịch COVID-19”, chị Mai vui vẻ kể.

Những khó khăn trong tiêu thụ nông sản ở Hải Dương đã tạm lắng xuống. Tuy nhiên, việc chủ động các phương án tiêu thụ để tránh lặp lại chuyện giải cứu nông sản như mùa COVID-19 thời gian qua cũng là điều nhiều nông dân mong muốn hiện nay.

Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh việc sản xuất an toàn, đảm bảo phòng chống dịch, cần có cách tuyên truyền để người dân thay đổi thói quen tiêu dùng, tăng tỷ lệ sử dụng các nông sản, thực phẩm sản xuất trên địa bàn.

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh cũng có cơ chế để đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm bền vững đến các tỉnh bạn./.

>>> Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp - Bài cuối: Điểm tựa cho tiêu thụ nông sản bền vững

>>> Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp - Bài 1: Kích hoạt cơ chế hỗ trợ

>>> Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp - Bài 2: Hệ quả từ đối lập tư duy

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục