Giải cứu nông sản, có nên thành lập bộ khẩn cấp?

08:36' - 01/04/2021
BNEWS Việt Nam đang hội nhập rất sâu trong kinh tế nông nghiệp và bản chất ngành nông nghiệp không đơn thuần là một ngành sản xuất mà nó phải là một ngành kinh tế.

Với đặc điểm thu hoạch theo thời vụ và sản lượng lớn, điều kiện bảo quản, chế biến sau thu hoạch khá khắt khe, việc sản xuất nông sản tại nhiều địa phương vẫn đối mặt với tình trạng “chờ giải cứu”, nhất là khi thị trường có biến động hoặc thiên tai, dịch bệnh bất ngờ xảy ra.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TTXVN đã trao đổi với ông Nguyễn Quốc Toản, Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng tình trạng ùn ứ nông sản tại Hải Dương và Mê Linh (Hà Nội) vừa qua không chỉ là do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 mà còn bởi những tồn tại cố hữu trong sản xuất và tiêu thụ nông sản của Việt Nam. Vậy ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Chúng ta đã có nhiều năm để xác lập những mục tiêu của thị trường; trong đó có thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Chúng ta cũng đã có những bài học kinh nghiệm trong tái cơ cấu sản xuất để thích ứng với thị trường. Thực tế là nhiều địa phương đã tổ chức sản xuất tốt, xây dựng được chuỗi liên kết chặt chẽ, từ sản xuất đến tiêu thụ; trong đó nông dân liên kết với doanh nghiệp, lấy doanh nghiệp làm hạt nhân và sản xuất theo tín hiệu thị trường.

Đặc biệt năm 2020 khó khăn như vậy, ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như vậy nhưng về mặt xuất khẩu thì Việt Nam vẫn đảm bảo được chuỗi cung ứng toàn cầu không bị đứt gãy. Việt Nam cũng đã tổ chức tiêu thụ nội địa thông qua việc phân phối các sản phẩm nông sản qua các hệ thống siêu thị, phân phối bán lẻ và sức mua ở khu vực tiêu thụ nội địa cũng rất phong phú và đa dạng.

Có thể nói tình trạng ùn ứ nông sản thời gian qua như ở Hải Dương hay Mê Linh (Hà Nội) chỉ mang tính cục bộ nhưng cũng có những nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau.

Nguyên nhân khách quan là tính chất mùa vụ của sản phẩm rau vụ Đông rất ngắn, thường chỉ từ 1-2 tháng và sản phẩm lại đặc thù. Nguyên nhân chủ quan là sự phối hợp của các ngành chức năng ở địa phương vẫn còn những hạn chế, nhất là trong bối cảnh Hải Dương thực hiện cách ly xã hội để chống dịch.

Vì vậy, qua bài học kinh nghiệm ở Hải Dương và Mê Linh vừa qua, chúng ta cần phải nâng cao tính chủ động của các chủ thể từ quản lý nhà nước ở địa phương, khả năng thích ứng của doanh nghiệp và thông tin thị trường, thông tin của người dân và khả năng thích ứng với mùa vụ.

Phóng viên: Thưa ông, trên thực tế những nguyên nhân khiến nông sản bị ùn ứ trong các năm qua đều đã được các cơ quan quản lý nhà nước và các chuyên gia nhìn nhận. Nhưng đâu là lý do chính khiến vấn đề này vẫn chưa thể được xử lý tận gốc?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Theo tôi có ba vấn đề. Vấn đề thứ nhất, Việt Nam đã bước vào nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; trong đó cơ chế thị trường vận hành theo giá cả thị trường và cung cầu thị trường là yếu tố có tính chất chi phối.

Thứ hai là nhu cầu thị trường có tính chất tín hiệu và quyết định, quay trở lại để chi phối vấn đề sản xuất. Ví dụ, ở Hải Dương, các đơn hàng xuất khẩu cà rốt vẫn được duy trì cho dù có dịch COVID-19. Tuy nhiên, khâu lưu thông hàng hóa xuất khẩu cà rốt từ Hải Dương ra cảng Hải Phòng lại bị ùn tắc.

Ngoài những sản phẩm chủ yếu tiêu thụ trong nước như su hào, bắp cải của Hải Dương thì nhu cầu tiêu dùng hàng ngày còn có thêm các nhóm rau củ quả khác, vì thế, việc xác định các vùng trồng và khối lượng trồng như thế nào để phù hợp với các kênh phân phối là vấn đề phải tính toán lâu dài. Rõ ràng đối tượng ở đây là đặc thù. Chính vì thế mà cái việc mà quản trị sản xuất gắn với cái đầu ra của sản phẩm là vấn đề đặt ra.

Phóng viên: Thưa ông rõ ràng giải cứu không phải là giải pháp căn cơ, thậm chí giải cứu còn tạo ra sức ì trong tư duy sản xuất và tiêu thụ nông sản của người nông dân cũng như của các địa phương. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Việt Nam đang hội nhập rất sâu trong kinh tế nông nghiệp và bản chất ngành nông nghiệp không đơn thuần là một ngành sản xuất mà nó phải là một ngành kinh tế. Bởi mọi sản phẩm làm ra đều phải được lưu thông, được thương mại hóa và quan trọng là cái giá trị mang lại cho người sản xuất, cho nông dân và các chủ thể liên quan, kể cả giá trị kinh tế, giá trị văn hóa và kể cả giá trị tinh thần.

Chính vì thế mà chúng ta cũng không nên khoác cái cụm từ là giải cứu nông sản. Bởi vì thực ra nông sản không có lỗi, mà vấn đề là chúng ta phải biết kết hợp với nhau để làm sao tiêu thụ tốt hơn. Tôi nghĩ rằng chúng ta cần đổi mới tư duy, đặc biệt là tư duy kinh tế trong phát triển nông nghiệp để từ đó có ứng xử phù hợp trong sản xuất nông nghiệp.

Chúng ta là một cái trục cung ứng rất nhiều nông sản phẩm hàng đầu thế giới và chúng ta có quyền điều chỉnh sản lượng để tạo một thị trường hấp dẫn hơn, để tạo một cái dư địa giá trị tốt hơn và từ góc độ thị trường, khi mà cầu nhiều cung ít thì đương nhiên là giá trị rất tốt.

Ngành nông nghiệp đang bám sát các chỉ đạo của Chính phủ trong tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào giá trị gia tăng và lấy giá trị làm thước đo để quay trở lại tái cơ cấu từng khu vực, bám sát và đi sâu vào sự phát triển bền vững của ngành.

Phóng viên: Từ kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới, một số ý kiến cho rằng là chúng ta cần phải thành lập một bộ khẩn cấp có thẩm quyền đủ mạnh để có thể xử lý mọi tình huống huống cấp bách xảy ra ngoài ý muốn. Vậy thì ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Trong suốt thời gian vừa qua, cộng đồng quốc tế đánh giá cao về chỉ đạo, điều hành của Chính phủ Việt Nam đối với công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Đặc biệt, Việt Nam đã thực hiện nhiệm vụ kép, vừa phòng, chống đại dịch nhưng vẫn tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam là một trong những đất nước hiếm hoi trong đại dịch mà có cái sự tăng trưởng kinh tế tốt; trong đó ngành nông nghiệp vẫn thể hiện là trụ đỡ rất tốt, kể cả trong những tình huống khó khăn của thị trường thì chúng ta vẫn tìm cách để vượt qua.

Do vậy mà nói câu chuyện về bộ ứng phó khẩn cấp là cụm từ có thể xử lý trong phạm vi không gian, chức năng quản lý nhà nước. Đặc biệt, trong hội nhập, thách thức đến từ cả những vấn đề về thiên tai, địch họa, từ những thách thức phi truyền thống như dịch COVID-19 và thách thức từ chính thị trường. Điều đó có nghĩa là chúng ta phải chủ động xử lý những vấn đề do yếu tố khách quan và của hội nhập mang lại.

Chúng ta nhìn nhận điều đó để có tư duy tích cực và có những hành động phù hợp, kể cả từ Trung ương đến địa phương, từ các cấp bộ, ngành liên quan và mỗi người nông dân cũng cần chuyển đổi nhận thức về kinh tế nông nghiệp.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng việc xây dựng những chuỗi logistics nông sản đặc thù tại Việt Nam là giải pháp rất quan trọng cho cho sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

Ông Nguyễn Quốc Toản: Logistics đóng vai trò rất quan trọng bởi vì Việt Nam là một nền sản xuất hàng hóa đặc biệt cho khu vực xuất khẩu. Vậy nên, cải thiện được vấn đề logistics; trong đó hạ tầng giao thông, hạ tầng cảng biển, hạ tầng thương mại phải được gắn kết với nhau, phải giảm chi phí giá thành của sản phẩm nông sản của chúng ta đi xuất khẩu, đặc biệt là các nhóm về rau, củ quả, về gạo, về thủy sản để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Chính phủ cũng đang chỉ đạo Bộ Công Thương là cơ quan đầu mối để xây dựng đề án phát triển logistics; trong đó ưu tiên vào vấn đề nông nghiệp.

Bên cạnh logistics cũng còn một nội hàm rất lớn là vấn đề áp dụng kinh tế số trong nông nghiệp. Nông nghiệp cũng là một ngành ưu tiên trong chỉ đạo của Chính phủ về chuyển đổi kinh tế số.

Tôi nghĩ rằng với nội hàm đó, chúng ta có thể tin tưởng đang tái cơ cấu nông nghiệp theo đúng trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào tổ chức sản xuất, tập trung vào chế biến, lưu thông và đổi mới trong công tác thị trường nhưng phải có sự gắn kết của tất cả các chủ thể liên quan./.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

>>Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp - Bài 1: Kích hoạt cơ chế hỗ trợ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục