Kích hoạt cơ chế hỗ trợ

08:10' - 01/04/2021
BNEWS Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương gặp khó trong tiêu thụ nông sản và gần đây câu chuyện giải cứu nông sản của tỉnh Hải Dương và Mê Linh (Hà Nội) là chủ đề "nóng" trên các diễn đàn.

Thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra đã làm cho sản xuất và tiêu thụ nông sản của người dân gặp khó. Việc “giải cứu nông sản” là cụm từ được sử dụng nhiều trong thời gian gần đây khi hàng hóa ùn ứ. Hết giải cứu thịt lợn, dưa hấu, thanh long, tôm hùm và vừa qua lại giải cứu nông sản ở Hải Dương, Hà Nội.

Trước tình hình này, tại phiên họp Chính phủ mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu tập trung triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2021, thúc đẩy 3 không gian kinh tế gồm: kinh tế trong nước với thị trường gần 100 triệu dân, kinh tế quốc tế với hội nhập được đẩy mạnh và kinh tế số.

Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh cần đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống. Vậy, việc phải có cơ chế phòng vệ nào cho mặt hàng nông sản trong tình huống khẩn cấp như thiên tai, dịch bệnh... rất cần được các cơ quan chức năng tính đến để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp.

Thông tấn xã Việt Nam thực hiện chùm bài Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp nhằm chỉ ra những điểm nghẽn còn tồn tại trong tiêu thụ nông sản hiện nay cũng như đề xuất các giải pháp từ xây dựng cơ chế hỗ trợ đến việc phải thay đổi tư duy trong sản xuất nông nghiệp để xử lý tận gốc thực trạng này.

Bài 1: Kích hoạt cơ chế hỗ trợ

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều địa phương gặp khó trong tiêu thụ nông sản và gần đây câu chuyện giải cứu nông sản của tỉnh Hải Dương và Mê Linh (Hà Nội) là chủ đề "nóng" trên các diễn đàn. Có ý kiến cho rằng, giải cứu nông sản là điều cần thiết trong tình huống cấp bách. Nhưng cùng với giải cứu thì cần phải có các giải pháp xử lý tồn tại trong tiêu thụ nông sản và theo đó, cần có cơ chế kích hoạt tiêu thụ trong tình huống khẩn cấp, tránh tình trạng mỗi khi ùn ứ lại phải giải cứu.

Không thể mãi giải cứu

Nhớ lại thời điểm tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trên các trang mạng xã hội cũng như các đơn vị kinh doanh online rộ lên giải cứu tôm hùm. Hàng loạt vùng nuôi tôm hùm ở hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa với không dưới 150.000 lồng nuôi rơi vào cảnh lao đao.

Ông Võ Khắc Én, Chi cục phó Chi cục Thủy sản Khánh Hòa cho biết, lâu nay, 80% sản lượng tôm hùm với khoảng 2.000 tấn/năm được xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc nên tôm hùm bị ứ đọng là chuyện khó tránh khỏi. Theo ước tính, ở hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên, lượng tôm chưa xuất bán thời điểm đó không dưới 700 tấn.

Gần đây, điệp khúc giải cứu nông sản cho Hà Nội, Hải Dương và một số tỉnh lại nổi lên. Dịch COVID-19 trở lại đúng lúc nhiều diện tích rau màu, trái cây của nông dân tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh bước vào cao điểm thu hoạch phục vụ thị trường Tết. Thương lái bỏ cọc, doanh nghiệp e ngại khiến việc tiêu thụ nông sản gặp khó khăn.

Trên các trang mạng xã hội, nhiều tổ chức, cá nhân đã nhiệt tình kêu gọi hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân vùng dịch với sự tham gia của nhiều người dân cả nước. Nhiều điểm bán nông sản từ vùng dịch hình thành được người dân chung tay ủng hộ. Phong trào này dù đã giúp tiêu thụ một lượng nông sản không hề nhỏ nhưng chưa bù đắp được thiệt hại cho người nông dân .

Nhiều người dân băn khoăn, nông nghiệp hết giải cứu sản phẩm này lại đến giải cứu sản phẩm khác thì không biết tương lai sẽ ra sao? Chị Nguyễn Thị Hương, Hội phụ nữ Tổ dân phố 15, phường Việt Hưng, quận Long Biên (Hà Nội) bày tỏ, đành rằng khi nông sản trong nước không tiêu thụ được, việc giải cứu, giúp những người sản xuất vượt qua khó khăn là việc nên làm với tinh thần cộng đồng.

Nhưng về lâu dài không thể mãi giải cứu mà cần các cơ quan chức năng có giải pháp, chính sách dài hơi, bền vững giúp nông dân khi gặp thiên tai, dịch bệnh xảy ra để không còn tình trạng mỗi khi ùn ứ nông sản lại phải giải cứu.

Theo phân tích của các chuyên gia nông nghiệp, việc giải cứu nông sản trong năm 2021 khác hẳn những năm trước. Trước đây, việc này là do dư thừa, cung lớn hơn cầu và chỉ ở một vài sản phẩm của nông nghiệp, độc lập, trong phạm vi nhỏ như: chuối, hành, tiêu, ớt, tỏi, dưa hấu.…

Nhưng năm 2021 là do khâu lưu thông hàng hóa đình trệ không phải do mâu thuẫn lớn giữa cung và cầu. Chẳng hạn, Hải Dương có tới 60-75% sản phẩm nông nghiệp chủ lực ùn ứ là do khâu vận chuyển chứ không phải do cung cầu. Sau đó là nông sản tại Hà Nội và nay là bưởi ở Bến Tre.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc tháo gỡ khó khăn cho lưu thông hàng hóa và thúc đẩy tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của dịch. Theo đó, các Bộ Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông Vận tải và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan trên cơ sở báo cáo và kiến nghị của Bộ Công Thương, chủ động triển khai các nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Đồng thời, khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, có các giải pháp khả thi, kịp thời để tạo thuận lợi cho lưu thông, xuất nhập khẩu, tiêu thụ hàng hóa, nhất là đối với nguyên vật liệu phục vụ sản xuất và nông sản tại các địa phương có dịch. Các cơ quan trên không để tình trạng ách tắc trong khâu giao nhận, vận tải làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và người dân, đồng thời bảo đảm yêu cầu phòng chống dịch bệnh theo quy định.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã chủ động bám sát chỉ đạo của Chính phủ, đưa ra những khuyến nghị, giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa, nông sản cho người dân. Bộ Công Thương đã làm việc trực tiếp với các hệ thống phân phối lớn trong nước, các doanh nghiệp lớn, để hỗ trợ tiêu thụ nông sản, bảo đảm an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh.

Điển hình như hệ thống phân phối Central Group, BRG Retail, chuỗi siêu thị Coop Mart… đã hỗ trợ tiêu thụ một lượng lớn các sản phẩm, nhất là nông sản. Bộ cũng đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  và các đơn vị, địa phương để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, loại bỏ tâm lý e dè của người tiêu dùng đối với hàng hóa, nông sản, thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ từ vùng đang có dịch.

Tuy nhiên, đây chỉ là vấn đề xử lý "phần ngọn" cho một tình huống xảy ra còn về lâu dài thì cần sự phối hợp và có cơ chế chung cho tiêu thụ nông sản khi xảy ra thiên tai dịch bệnh. Theo Bộ Công Thương, cơ chế hỗ trợ tiêu thụ nông sản khi có thiên tai, dịch bệnh là vấn đề lớn phải có chủ trương từ Chính phủ và từ đó giao xuống các ngành để mỗi khi tình huống xảy ra thì cơ chế này sẽ tự kích hoạt. Lúc đó mỗi ngành một việc, cùng phối hợp thì lúc đó sẽ không còn cảnh các tổ chức, hay cá nhân kêu gọi giải cứu.

Cần định chế cụ thể về lưu thông hàng hóa

Mặc dù khi có tình trạng ùn ứ hàng nông sản do các tình huống khẩn cấp là thiên tai, dịch bệnh, các bộ, ngành địa phương đều tích cực triển khai các giải pháp hỗ trợ nông dân tiêu thụ, nhưng chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đánh giá, trong đợt giải cứu nông sản vừa qua, vai trò của các hiệp hội ngành hàng và hệ thống liên minh hợp tác xã là chưa thực sự rõ ràng. Các đơn vị này cần có mối liên kết tốt hơn với các kênh phân phối để có thể phát huy vai trò ở những thời điểm nông sản gặp khó trong tiêu thụ.

Các bộ ngành, địa phương cũng cần cùng nhau rà soát và bổ sung những cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân. Điều gì đã cũ, không còn phù hợp thì loại bỏ; thậm chí phải tham mưu cho Chính phủ có định chế mới, phù hợp với hoàn cảnh mới thiên tai, dịch bệnh…để bảo đảm vận hành thống nhất giữa các tổ chức kinh tế, các bộ ngành và địa phương, hỗ trợ việc lưu thông, tiêu thụ nông sản thông suốt và kịp thời trong mọi tình huống.

Theo chuyên gia Hoàng Trọng Thủy, có 3 yếu tố quan trọng đó là, dự tính, dự báo về thiên tai, địch họa phải kịp thời, sát với thực tế. Cùng đó là tăng năng lực của ngành công nghiệp bảo quản, chế biến. Bên cạnh đó, cần có chương trình Quốc gia về sản xuất, tiêu dùng “xanh”, đảm bảo tiêu chí an toàn thực phẩm là số 1.

Từ câu chuyện giải cứu nông sản ở Hải Dương, chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy đề xuất, cần có định chế cụ thể về lưu thông hàng hóa. Định chế này chú trọng đến liên kết ngang và liên kết dọc, gắn với trách nhiệm của 4 bộ trực tiếp. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về chất lượng nông sản; Bộ Công Thương về logistics như kho tàng, bến bãi, công nghệ bảo quản, thu hoạch, chế biến…; Bộ Giao thông Vận tải về lưu thông; Bộ Y tế về sức khỏe của người tham gia trung chuyển hàng hóa.

Ngoài ra, nâng cao vai trò của Tham tán Thương mại trong việc thông tin thị trường về nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa hai chiều của Việt Nam với các quốc gia. Đây chính là căn cứ để xây dựng kế hoạch và tổ chức sản xuất của ngành nông nghiệp, của doanh nghiệp xuất khẩu và các địa phương. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với mục tiêu xuất khẩu nông sản năm 2021. Cùng với đó, “bảo hiểm rủi ro nông nghiệp” cũng là một vấn đề cần được tính đến. Bởi, để đối phó với một tương lai đầy biến động, rủi ro và đối với một ngành hết sức quan trọng của đất nước là nông nghiệp thì “bảo hiểm rủi ro” là loại hình bảo hiểm phải làm trong tương lai.

Còn theo PGS.TS Đào Thế Anh, Phó giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam (VAAS), muốn xây dựng kế hoạch thị trường, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản thì trước tiên người nông dân phải tham gia các hợp tác xã để có quy mô sản xuất đủ lớn. Các vùng trồng nông sản thúc đẩy việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới để giải quyết vấn đề thị trường. Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đang nghiên cứu về kết nối chuỗi giá trị nông nghiệp để hỗ trợ nông dân.

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030. Mục tiêu cụ thể của đề án là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn, đúng quy hoạch và yêu cầu của thị trường, trên cơ sở ứng dụng khoa học công nghệ, truy xuất nguồn gốc nông sản; gắn với đó là tổ chức thương mại trong nước, ngoài nước theo hướng hiện đại.

Đồng thời, củng cố và phát triển mô hình hợp tác xã thương mại và dịch vụ như là một trung gian cần thiết giữa người nuôi, trồng với các doanh nghiệp sản xuất, chế biến, phân phối và ngân hàng để tổ chức cung ứng đầu vào và tiêu thụ đầu ra cho nông dân. Bên cạnh đó, xây dựng cơ chế ràng buộc, gắn kết giữa các chủ thể chính trong kênh tiêu thụ nông sản; thiết kế các chính sách hỗ trợ nhằm khuyến khích các chủ thể liên kết hữu cơ với nhau từ khâu cung ứng vật tư, sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm nông sản.

“Đây sẽ là lực đẩy không những giúp cho việc tiêu thụ hàng nông sản trong nước được thuận lợi mà còn giúp tạo liên kết để tiếp tục mở rộng thị trường, xuất khẩu các sản phẩm nông sản chủ lực", PGS.TS Đào Thế Anh nhấn mạnh.

PGS.TS Đào Thế Anh cho rằng, kinh nghiệm của các hợp tác xã nông sản làm tốt hiện nay là đa dạng hóa kênh tiêu thụ, không phụ thuộc vào một kênh để tránh bị ngắt quãng. Ví dụ, các hợp tác xã xuất khẩu nông sản nên có thêm kênh tiêu thụ trong nước tại hệ thống siêu thị để giảm thiểu rủi ro thị trường. Tại Nhật Bản, các hợp tác xã sản xuất nông sản không bao giờ bán cho một mối khách hàng mà bán cho siêu thị, bán tại chỗ, bán cho quán ăn, nhà hàng để bảo đảm tiêu thụ nông sản.

Ông Đào Thế Anh đề xuất, cần đầu tư các kho bảo quản nông sản, đa dạng công nghệ chế biến nông sản vì đa số các vùng rau hiện nay bán sản phẩm tươi nên rất rủi ro. Chẳng hạn, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam đã giúp Hợp tác xã Đức Chính (Hải Dương) có thể bảo quản nông sản đủ tiêu chuẩn xuất khẩu trong 6 tháng, dù chưa đáp ứng hết nhu cầu bảo quản nông sản cả vùng nhưng bước đầu giúp nông dân giảm thiệt hại.

Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết năm 2021, trong khuôn khổ xây dựng nông thôn mới, bộ này đã lồng ghép nội dung đào tạo nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh cho hợp tác xã, giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực. Mới đây, tại Đà Lạt (Lâm Đồng), Bộ đã hỗ trợ đào tạo một số hợp tác xã đầu tàu, thành lập hiệp hội doanh nghiệp bao gồm các hợp tác xã và các doanh nghiệp nhỏ, giúp họ liên kết với nhau để vượt qua khó khăn và đây cũng là kinh nghiệm nhiều nước đã làm./.

>>> Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp - Bài 2: Hệ quả từ đối lập tư duy

>>> Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp - Bài 3: Nông sản vượt bão dịch

>>> Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp - Bài cuối: Điểm tựa cho tiêu thụ nông sản bền vững

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục