Nửa đêm “Hà bá” nuốt chửng đường giao thông

07:56' - 09/09/2017
BNEWS Đó là thực trạng vụ sạt lở vào cuối tháng 6/2017 xảy ra trên sông Cái Bè, đoạn chảy qua địa phận xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè-tỉnh Tiền Giang
Nửa đêm “Hà bá” nuốt chửng đường giao thông. Ảnh minh họa: TTXVN

Nằm ở hạ lưu sông Tiền, tỉnh Tiền Giang có 5 huyện, thị nằm phía tây: Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành chịu ảnh hưởng trực tiếp của nước lũ sông Cửu Long. Hàng năm, khi lũ về kèm theo mối lo tình hình sạt lở bờ sông và kênh rạch diễn biến ngày càng phức tạp và khó lường, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất và đời sống.
* Nửa đêm “Hà bá” nuốt chửng đường giao thông
Đó là thực trạng vụ sạt lở vào cuối tháng 6/2017 xảy ra trên sông Cái Bè, đoạn chảy qua địa phận xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè – huyện đầu nguồn có mạng lưới sông ngòi, kênh rạch chằng chịt và sạt lở ngày càng phức tạp, khiến người dân bất an. Rất may vụ sạt lở không gây thiệt hại về người.
Ông Phan Văn Chí, 66 tuổi, cư ngụ tại ấp An Thanh, xã Đông Hòa Hiệp, là người trực tiếp chứng kiến vụ sạt lở cho biết, thời điểm đó vào khoảng nửa đêm, trời mưa to, ông choàng tỉnh bởi một tiếng động rất lớn, nhà cửa rung rinh tưởng như sắp sập. Thắp đèn bước ra trước sân thì cả đoạn đường bê tông dài trên 30 m đi ngang qua khu đất của ông đã chìm nghỉm dưới sông Cái Bè không để lại dấu vết gì, chỉ ló đọt cây dừa ven đường với mấy chùm lá dập dềnh trên sóng nước.
Vụ sạt lở làm mất trên 300 m2 đất của hộ ông Nguyễn Văn Phước và Phan Văn Chí. Trước đó, cũng trên đoạn sông này đã xảy ra 2 vụ sạt lở làm gián đoạn giao thông qua ấp An Thái, xã Đông Hòa Hiệp.
Tương tự, ở bờ sông Cổ Cò, xã An Thái Đông cũng xảy ra nhiều vụ sạt lở, nghiêm trọng nhất là điểm sạt lở làm mất đoạn giao thông nông thôn dài khoảng 10 m và đe dọa căn nhà chị Đổng Thị Khánh Loan, cư ngụ tại ấp Thái Hòa, xã An Thái Đông. Chị Loan lo lắng: “Điểm sạt lở này đã có từ mùa khô vừa qua. Tuy nhiên, trong những ngày tới, nước lũ tràn về, chảy xiết, nếu các cấp chính quyền không xử lý kịp thời thì căn nhà của tôi có khi đổ xuống sông”.
Theo ông Lê Văn Định, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cái Bè, trong mùa khô 2017, toàn huyện còn 18 điểm sạt lở chưa kịp khắc phục thì trong những tháng đầu mùa lũ đã phát sinh thêm 8 điểm sạt lở dài từ 15 m đến trên 30 m/điểm, nâng trên địa bàn còn 26 điểm sạt lở lớn, chưa kể các điểm sạt lở nhỏ mà hộ dân và chính quyền cơ sở có thể tự khắc phục được.
* Cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục Trưởng Chi cục Thủy lợi (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tỉnh Tiền Giang cho biết, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh xảy ra 62 điểm sạt lở lớn, phức tạp có tổng chiều dài 3.417 m. Trong đó, huyện Cái Bè 26 điểm sạt lở, chiều dài 1.620 m; huyện Cai Lậy 22 điểm sạt lở, chiều dài 912 m; thị xã Cai Lậy 7 điểm sạt lở, chiều dài 626 m; huyện Châu Thành 7 điểm, chiều dài 259 m.
Theo ông Nguyễn Thiện Pháp, sạt lở bờ sông ngòi, kênh rạch gần đây diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân trong đó không loại trừ ảnh hưởng của các tác nhân con người, thiên nhiên, biến đổi khí hậu...Để khắc phục cần có sự chung sức, chung lòng của mọi tầng lớp nhân dân; các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị. Mặt khác, phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đặc biệt là kết hợp giữa giải pháp công trình và phi công trình.

Sạt lở sông rạch ở Tiền Giang diễn biến khó lường. Ảnh minh họa: TTXVN

Đối với những điểm sạt lở nặng, lớn và phức tạp đòi hỏi phải áp dụng những giải pháp công trình cần thiết: Xây dựng kè bê tông, kè bê tông dự ứng lực, xây dựng kè rọ đá hoặc đóng cừ, đắp đất gia cố bờ…Áp dụng hình thức công trình nào tùy theo tính chất và quy mô điểm sạt lở.

Ngoài ra, còn nuôi thả lục bình hoặc trồng cây chắn sóng, chắn gió gây bồi, phòng chống sạt lở. Khi cần thiết còn phải di dời đê vào phía trong, di dời nhà cửa nhân dân và các công trình công cộng đến nơi an toàn.
Bên cạnh đó cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng về nguy cơ sạt lở và cách đối phó phù hợp đồng thời với xây dựng quy chế bảo vệ đê điều và khai thác tốt hệ thống sông ngòi, kênh rạch. Mặt khác, quy hoạch tuyến luồng cho phương tiện lưu thông thủy và quy định vận tốc tối đa của phương tiện trên một số trục giao thông thủy huyết mạch.

Ngoài ra xây dựng và phổ biến quy định về phạm vi đào kênh và đắp đê gắn với quy hoạch cơ sở hạ tầng nông thôn, xây dựng cơ chế về phân cấp trong xử lý sạt lở và tuyên truyền rộng rãi cho nhân dân cùng biết. Tỉnh tham vấn ý kiến các nhà khoa học cũng như tổ chức nhiều cuộc hội thảo đánh giá, tìm nguyên nhân sạt lở để định hướng xử lý phù hợp.

Đối với các mô hình xử lý sạt lở có kết quả đã được địa phương thực hiện thời gian qua: Mô hình kè giữ lục bình gây bồi, trồng cây chắn sóng chắn gió gây bồi và trồng cây, trồng cỏ mái đê chống sạt lở… được địa phương nhân rộng để cùng áp dụng trong nỗ lực đối phó sạt lở trong mùa lũ 2017, bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống nhân dân.
Ông Nguyễn Thiện Pháp cho biết, trong năm qua, Tiền Giang đã đầu tư trên 37 tỷ đồng xử lý 102 điểm sạt lở với tổng chiều dài gần 4.700 m; trong đó riêng các huyện đầu nguồn vùng lũ là 90 điểm, tổng kinh phí xử lý khoảng 34 tỷ đồng. Nhằm bảo vệ an toàn sản xuất và đời sống nhân dân trong mùa lũ 2017, trước mắt tỉnh phải khẩn cấp đầu tư trên 29 tỷ đồng xử lý 62 điểm sạt lở nặng. Những điểm sạt lở nhỏ và trung bình phân cấp cho huyện và các xã xử lý./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục