Nước Anh có cần gia hạn thời kỳ chuyển tiếp Brexit thêm 1 năm?

19:24' - 17/10/2018
BNEWS Chính phủ Vương quốc Anh sẽ không yêu cầu gia hạn thời kỳ chuyển tiếp hậu Brexit thêm một năm sau khi giới chức EU để ngỏ khả năng kéo dài thời kỳ trên.
Cờ Anh (phía dưới) và cờ EU bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở thủ đô London. Ảnh: AFP/ TTXVN 

Ngày 17/10, các nguồn tin thân cận cho biết Chính phủ Vương quốc Anh sẽ không yêu cầu gia hạn thời kỳ chuyển tiếp hậu Brexit thêm một năm sau khi giới chức Liên minh châu Âu (EU) để ngỏ khả năng kéo dài thời kỳ trên nhằm giúp khối này và nước Anh có thêm thời gian đàm phán một thỏa thuận thương mại.

Trước đó vào cùng ngày, các nguồn tin ngoại giao cho biết Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier đã đã chia sẻ ý tưởng kéo dài quá trình chuyển tiếp Brexit đến cuối năm 2021, thay vì kết thúc vào năm 2020 như kế hoạch trước đó.

Mục đích của việc kéo dài này là để giới chức hai bên có thêm thời gian thương lượng về thỏa thuận thương mại trong tương lai sau khi London rời khỏi mái nhà chung mà không cần phải đàm phán thêm một kế hoạch khác dành riêng cho vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh.

Nhưng theo các nguồn tin, Thủ tướng Theresa May đã không chấp nhận việc gia hạn này mặc dù một số thành viên chính phủ cũng tỏ ý hy vọng thời gian chuyển tiếp có thể kéo dài thêm một năm do quá trình đàm phán chưa đạt được tiến triển như mong muốn.

Trước đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk đã nói rằng nếu Thủ tướng May và Trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU Michel Barnier không đưa ra được những tiến triển cụ thể để đi đến một thỏa thuận, ông sẽ không tổ chức một Hội nghị thượng đỉnh vào tháng 11 dành cho vấn đề này.

Thay vào đó, việc ký kết một thỏa thuận Brexit có thể lùi xuống tháng 12. Hoặc nếu tình hình xấu hơn, các nước thành viên EU có thể tham gia cuộc họp tháng 11 để tìm cách chuẩn bị cho kịch bản Brexit không thỏa thuận

Liên quan đến vấn đề trên, cùng ngày, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cảnh báo việc nước Anh rời khỏi EU một cách hỗn loạn sẽ gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế lớn nhất thế giới này.

Phát biểu tại cuộc họp của Hội đồng Giám sát ổn định tài chính Mỹ (FSOC), Chủ tịch Fed Jerome Powell cho rằng mối quan hệ giữa hệ thống ngân hàng Mỹ với các ngân hàng Vương quốc Anh chỉ dừng ở quy mô nhỏ, nhưng với hệ thống ngân hàng châu Âu lại lớn hơn rất nhiều.

Người đứng đầu Fed cảnh báo xu hướng chững lại của nền kinh tế EU hậu Brexit có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng tại châu lục này, qua đó gián tiếp tác động tới Mỹ.

Ông Powell đồng thời nhấn mạnh việc nước Anh rời khỏi EU là một tiến trình rất phức tạp, và những bất ổn mà sự kiện này mang đến cho hoạt động quản lý tài chính khiến việc các bên đạt được những giải pháp hiệu quả để tránh một cuộc khủng hoảng càng thêm quan trọng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục