Nước Nga siết chặt kiểm soát thông tin mạng

06:00' - 30/03/2019
BNEWS Ngày 18/3 Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký ban hành luật về tin giả và thông tin xúc phạm chính quyền trên Internet. Ngay từ quá trình thông qua, luật này đã gây ra rất nhiều tranh luận tại Nga.

* Mạnh tay với tin không đúng sự thật

Luật về tin giả được đề cập đến sau vụ cháy tại trung tâm thương mại “Anh đào mùa Đông” ở tỉnh Kemerovo vào tháng 3/2018 làm 60 người, trong đó có 41 trẻ em, thiệt mạng. Khi đó xuất hiện rất nhiều thông tin không đúng về con số nạn nhân, lớn hơn nhiều so với con số thực, “tin thất thiệt” đã được phát tán trên báo chí rất nhanh chóng và gây ra làn sóng hoảng loạn trong người dân.

Giờ đây luật về tin giả ra đời để chống lại những “kẻ khủng bố mạng”, chuyên phao những tin đồn thất thiệt xung quanh các vụ việc lớn, đe dọa xã hội. Chủ tịch Ủy ban về xây dựng nhà nước và pháp luật của Đuma quốc gia Nga Pavel Krasheninikov cho biết, tin giả có khả năng làm bất ổn tình hình không chỉ trong nước mà cả trên trường quốc tế, vì vậy cần hết sức có trách nhiệm với việc kiểm chứng thông tin.

Theo luật mới, thông tin mang tính xúc phạm là thông tin đăng trên mạng ở hình thức không đứng đắn, xúc phạm phẩm giá con người, đạo đức xã hội và thể hiện thái độ không tôn trọng rõ ràng đối với xã hội, nhà nước, các biểu tượng quốc gia, Hiến pháp Nga và các cơ quan chính quyền.

Đối tượng phát tán thông tin giả đe dọa gây thiệt hại cho đời sống và sức khỏe công dân, tài sản cũng như đe dọa gây mất trật tự công cộng sẽ bị phạt từ 30-100.000 ruble; thông tin gây cản trở hoạt động của các cơ sở bảo đảm cuộc sống chịu mức phạt từ 100- 300.000 ruble và có thể bị phạt hành chính đến 15 ngày tạm giữ; phát tán thông tin gây hại cho công dân và tài sản, trật tự công cộng có thể bị phạt 300- 400.000 ruble. Đặc biệt là mức phạt dành cho quan chức và các pháp nhân sẽ nghiêm khắc hơn cho công dân, có thể lên đến 1,5 triệu ruble.

Luật mới áp dụng cho cá nhân, chủ các phương tiện thông tin đại chúng và ấn phẩm điện tử (có thể bị phong tỏa ngay lập tức). Tuy nhiên, có ngoại lệ dành cho các phương tiện thông tin truyền thống đăng ký hợp lệ. Cũng có quy định cho người sử dụng mạng tình cờ phát tán thông tin giả hoặc đánh giá không đúng tính chất thông tin. 

Theo một trong các tác giả của dự luật, Chủ tịch Ủy ban về luật hiến pháp và xây dựng nhà nước Andrey Klishak, một điều quan trọng của luật mới là phải xác định được vi phạm. Vi phạm ở đây là “phát tán trên phương tiện thông tin đại chúng thông tin rõ ràng không xác thực”. Điều đó có nghĩa là nếu cá nhân hành động vi phạm pháp luật và biết điều đó, thì hành động sẽ bị quy trách nhiệm hành chính.

Theo luật mới, khi phát hiện thông tin không xác thực được đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng có giấy phép, Tổng công tố hoặc phó Tổng công tố sẽ trình lên Cơ quan giám sát viễn thông Roskomnadzor yêu cầu thi hành biện pháp hạn chế truy cập nguồn tin đó. Cơ quan quản lý thông báo với tòa soạn về việc phải rút lại thông tin trên. Tòa soạn có nghĩa vụ phải xóa thông tin ngay lập tức.

Luật mới cũng “dọn sạch” các trang tin giả khỏi không gian mạng, từ đó tránh các làn sóng lo ngại, loại trừ khiêu khích và bảo vệ được an ninh xã hội. Ông Sergey Veremeev từ Atrium Consult Group lấy ví dụ tin về mưa hóa chất ở vùng Krasnodar hồi tháng 3/2018. Lúc đó người dân đã hoảng sợ khi nước mưa có màu nâu, trên Internet nhanh chóng gọi đây là mưa hóa chất và gắn với một vụ tai nạn mới xảy ra tại nhà máy ép dầu địa phương. 

Trên thực tế, nước mưa chỉ bị lẫn bụi do lốc xoáy từ biển Địa Trung Hải mang vào mà thôi. Ông Veremeev cho rằng những ai tuân thủ luật cũng vẫn có nguy cơ: “Vấn đề không nằm ở nội dung đăng tải, mà ở các tiêu đề. Thông thường để gia tăng sự quan tâm của độc giả các nhan đề bài viết hay sử dụng cách nói “giật gân” cho dù nội dung không phù hợp với thực tế”.

Luật sư Viktoria Sokolova đánh giá cần có ít nhất một năm mới có thể phân tích được thực tế thi hành luật, đặc biệt là làm rõ tiêu chí phân biệt khái niệm “tự do ngôn luận” với “không tôn trọng chính quyền”.

*Siết chặt kiểm soát thông tin mạng

Đáp lại chỉ trích đối với luật lệ mới này, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov hồi tuần trước nói: “Vấn đề tin tức giả mạo, xúc phạm hiện đang nằm trong sự kiểm soát chặt chẽ ở nhiều nước trên thế giới, kể cả ở các nước châu Âu. Vấn đề này chắc chắc sẽ phải được triển khai ở nước ta”.

Tuy nhiên, trước tuyên bố của ông Peskov, giới chuyên gia cho rằng luật mới đã đánh dấu một sự thay đổi căn bản. Thứ nhất, quyền lực của công tố không bị hạn chế trong việc quyết định xem liệu bất kỳ phát ngôn nào có bị coi là vi phạm luật pháp Nga hay không. 

Thứ hai, trước kia, giới chức Nga tốn nhiều thời gian hơn và phải qua các thủ tục lòng vòng để có thể trừng phạt những người mà họ cho là đăng tải những thông tin chỉ trích họ. Giờ đây, quá trình xử phạt mang tính trực tiếp hơn. 

Bên cạnh đó, cũng có quan ngại về việc Nga kết nối đầy đủ với không gian thông tin toàn cầu hiện nay, một không gian mà Nga coi là một công cụ của Mỹ, Rojansky nói. Theo Moscow Times, trong vòng 5 năm qua, Nga đã ban hành các quy định và luật lệ sử dụng Internet cứng rắn hơn, trong đó yêu cầu tất cả các công cụ tìm kiếm phải xóa một số kết quả tìm kiếm, các dịch vụ tin nhắn phải chia sẻ khóa mật mã với cơ quan an ninh, và các mạng xã hội phải lưu trữ dữ liệu cá nhân của người sử dụng trên hệ thống máy chủ ở trong nước.

Các nghị sĩ Nga cho biết cơ chế mới trên là cần thiết để đấu tranh chống tình trạng đưa tin thức giả mạo và lạm dụng các bình luận online. Các luật mới cho phép các cơ quan chức năng chặn các trang mạng nếu không tuân thủ các yêu cầu dỡ bỏ thông tin mà nhà nước đã khẳng định là không đúng sự thật.

Các luật trên được ban hành ở Nga trong bối cảnh trên thế giới cũng xuất hiện làn sóng tin giả mạo gây ảnh hưởng không nhỏ. Đơn cử tại Pháp, một nghiên cứu công bố ngày 13/3 cho thấy các tin tức không đúng sự thật lưu truyền trong phong trào biểu tình "Áo vàng" đã nhận được hơn 100 triệu lượt xem và 4 triệu lượt chia sẻ trên Facebook. 

Thực tế này gióng lên một hồi chuông cảnh báo người dùng Internet về tính xác thực của thông tin mà họ nhận được hàng ngày. Hãng thông tấn AFP của Pháp đã ký một thỏa thuận kiểm chứng sự thật với Facebook để xác minh và vạch trần tin tức giả mạo được lan truyền trên mạng, theo đó các bài viết phải được đăng phát trên trang blog Fact Check của AFP trước khi được đăng lên Facebook cho người dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục