Nuôi bò thịt vỗ béo gắn với bảo vệ môi trường

16:05' - 21/11/2021
BNEWS Tại các địa phương vùng bãi ở Hưng Yên mô hình chăn nuôi bò thịt vỗ béo gắn với bảo vệ môi trường đang hấp dẫn nông dân.

Với giá đầu ra sản phẩm cao và ổn định, đàn bò không bị dịch bệnh, môi trường vệ sinh đảm bảo, phương pháp chăn nuôi này đã mở ra kỹ thuật mới mang lại lợi ích thiết thực cho nhà nông.

Kỹ thuật giản đơn

Tại xã Tân Hưng, thành phố Hưng Yên đang triển khai mô hình chăn nuôi bò vỗ béo với 26 hộ tham gia nuôi 130 con bò.

Đây là xã vùng bãi ven sông Hồng có nhiều hộ nuôi bò thịt vỗ béo thương phẩm với nhiều thuận lợi như: kinh nghiệm chăn nuôi từ lâu đời, có mối quan hệ trong việc mua bán bò, điều kiện tự nhiên thuận lợi về diện tích đất trồng cỏ, sẵn nguyên liệu để cung cấp nguồn thức ăn cho đàn bò.

Tham gia mô hình, nông dân được Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên hỗ trợ 50% thức ăn hỗn hợp chuyên sử dụng vỗ béo bò thịt (135 kg/con), thuốc thú y, chế phẩm sinh học và nguyên liệu làm đệm lót.

Các hộ còn được tập huấn về kỹ thuật chọn bò đưa vào vỗ béo; thiết kế chuồng trại; sử dụng chế phẩm vi sinh để xử lý chất thải của bò giảm thiểu mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh môi trường; kỹ thuật trồng một số loại cỏ làm thức ăn cho trâu bò; sản xuất và chế biến một số loại thực ăn thô xanh và thức ăn tinh bột cho trâu bò...

Trong quá trình nuôi chỉ cần tiêm đầy đủ vaccine phòng các bệnh như: tụ huyết trùng và lở mồm long móng theo đúng lịch khuyến cáo từ ngành thú y. Về phòng và trị một số bệnh thường gặp ở trâu bò như trướng bụng, tiêu chảy thì bà con đã được cán bộ khuyến nông hướng dẫn từ ban đầu nên đàn bò luôn khỏe mạnh và không bị nhiễm bệnh.

Theo các hộ chăn nuôi, bò giống của các hộ tham gia mô hình chủ yếu là bò thịt lai BBB có tốc độ tăng trọng cao so với các giống bò thịt lai khác. Nguồn thức ăn tận dụng được các phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp để làm thức ăn tự chế, giúp giảm chi phí đầu vào. Hơn nữa, quy trình kỹ thuật vỗ béo bò thịt không quá phức tạp, quản lý đơn giản, dễ làm, phù hợp với đa số các hộ chăn nuôi.

Đáng chú ý, do chất thải của bò được xử lý bằng chế phẩm sinh học vi sinh Emnia nên không còn mùi hôi thối, đảm bảo vệ sinh. Chuồng trại luôn trong trạng thái thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông, thường xuyên sạch sẽ; theo đó đàn bò không bị mắc bệnh và tránh được nhiều rủi ro.

Thu lãi lớn

Theo bà con xã Tân Hưng, do thực hiện đúng các bước theo quy trình, đàn bò phát triển tốt, tăng trọng nhanh trong thời gian ngắn, chất lượng thịt cao, tỷ lệ xẻ thịt cao hơn. Các chỉ tiêu về kỹ thuật như khối lượng tăng trọng bình quân đều đạt và vượt so với yêu cầu của mô hình. Sau 3 tháng nuôi, khối lượng cơ thể bình quân đàn bò đạt 108 kg/con, một con bò vỗ béo cho lãi khoảng 5 triệu đồng.

Bà Trần Thị Oánh, thôn Quyết Thắng cho hay, gia đình bà tham gia nuôi 6 con bò thị vỗ béo, chỉ sau 3 tháng, trừ chi phí đã có lãi hơn 30 triệu đồng. Với nhà nông thì đây là một nguồn thu nhập khá lớn so với nguồn thu các cây trồng vật nuôi khác.

Còn với ông Trần Văn Quân tham gia nuôi 10 con cho biết, chỉ trong vòng 3 tháng gia đình thu lãi hơn 50 triệu đồng, nếu có điều kiện chăn nuôi quanh năm thì đàn bò thịt vỗ béo sẽ là nghề giúp nông dân làm giàu ổn định và bền vững.

Ông Trần Văn Hạnh và các hộ tham gia mô hình ở thôn Tiền Phong cho hay, trong khi việc chăn nuôi lợn, gia cầm gặp khó khăn do giá cả bấp bênh thì nuôi bò vẫn không bị ảnh hưởng, giá thịt bò luôn  mức cao và ổn định từ 85 - 95 nghìn đồng/kg thịt hơi.

Cũng theo ông Hạnh, nuôi bò thịt vỗ béo đang thu hút nhiều người chăn nuôi trên địa bàn xã xã Tân Hưng tăng đàn để nâng cao thu nhập.

Bởi đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, ổn định và ít rủi ro hơn so với các ngành chăn nuôi khác, nhất là tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn, đặc biệt là lao động những ngày nông nhàn, lao động phụ làm tăng thêm thu nhập cho các hộ chăn nuôi vươn lên làm giàu.

Hơn nữa, góp phần thúc đấy phong trào chăn nuôi bò hướng thịt trong nhận thức của người dân ở thời điểm kinh tế thị trường cần đầu tư con gì có hiệu quả kinh tế cao nhất.

Ông Đỗ Trọng Thạo, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hưng Yên chia sẻ, thành công của mô hình là tạo ra đàn bò thịt cho năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, từng bước đáp ứng nhu cầu của thị trường, tăng thu nhập cho hộ chăn nuôi.

Với các vùng bãi thuận lợi như xã Tân Hưng cần quy hoạch vùng chăn nuôi bò tập trung, ưu tiên hỗ trợ chăn nuôi bò thịt quy mô lớn. Đồng thời, khuyến khích các hộ chăn nuôi thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác; phối hợp với ngành nông nghiệp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật, chỉ đạo, hướng dẫn nông dân thực hiện tốt chăn nuôi bò thịt an toàn sinh học theo hướng bền vững./.

>>>Đảm bảo chăn nuôi an toàn, đáp ứng nhu cầu cho thị trường cuối năm

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục