Ô nhiễm ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân

16:23' - 23/11/2018
BNEWS Kể từ khi Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh Yên Bái được xây dựng, ruộng vườn của người dân trong khu vực bị bồi lấp, nguồn nước bị ô nhiễm.

Kể từ khi Khu Công nghiệp phía Nam của tỉnh Yên Bái được xây dựng, ruộng vườn của người dân trong khu vực bị bồi lấp, nguồn nước bị ô nhiễm, đường sá bị tàn phá, quy hoạch treo... khiến nhiều hộ gia đình nông dân ở các xã Văn Lãng huyện Yên Bình và xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái của tỉnh Yên Bái rơi vào cảnh khốn khó.

Có ruộng phải bỏ hoang, trong khi đó tiền hỗ trợ từ Nhà nước thì cứ chờ mà chẳng thấy đâu.
Ông Lê Hồng Quân, Chủ tịch xã Văn Lãng cho biết, thôn 5 có 80 hộ thì có tới 38 hộ bị ảnh hưởng, với diện tích 15ha ruộng cấy lúa nước. Nguyên nhân do xây dựng đường trục của Khu công nghiệp (KCN) cao hơn mặt ruộng trên 20m, nước từ KCN xả thẳng xuống đồng ruộng, khiến hơn 4ha không cày cấy được.
Công trình thủy lợi Đầm Mụa tê liệt hoàn toàn, hồ bị bồi lấp, nước thải của KCN đổ thẳng xuống hồ, khiến cuộc sống của 52 hộ dân các thôn 2, 3, 5 bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Chính vì vậy, năm 2017 xã nhận được trên 40 đơn, thư khiếu kiện của người dân về vấn đề này.
Bà Trần Thị Tiến, thôn 5, xã Văn Lãng cho biết, gia đình bà có hơn một sào ruộng ngay sau công trình thủy lợi Đầm Mụa của thôn 5 này, kể từ năm 1979 khi tôi về đây chưa bao giờ thiếu nước và mất mùa. Từ năm 2017, đến nay đã 3 vụ, KCN xả nước bột đá xuống không thể cấy hái được. Gia đình làm đơn gửi đi khắp nơi, nhưng kêu mãi mỏi miệng, chẳng ăn thua gì.
Không chỉ riêng người dân ở xã Văn Lãng, đã 6 năm trôi qua, 49 hộ dân các thôn Nhà Giáp, Lưỡng Sơn và Bình Lục thuộc xã Văn Tiến, thành phố Yên Bái đã bị ảnh hưởng nặng nề khi xây dựng Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái.
Theo báo cáo số 41/BC-UBND ngày 10/7/2018 của UBND xã Văn Tiến, kể từ năm 2011, Khu Công nghiệp phía Nam tiến hành mở rộng đã khiến đất đá theo nước mưa tràn vào ruộng của người dân, bồi lấp 16.979m2. Đây là đất ruộng lúa cấy hai vụ và một vụ nuôi sống 49 hộ dân đã bao nhiêu năm nay.
Bà Trần Thị Hồng Yến, cán bộ địa chính phụ trách nông nghiệp và ông Nguyễn Đức Liên, trưởng thôn Nhà Giát dẫn chúng tôi ra khu ruộng của người dân bị bồi lấp.

Bà Yến chỉ khu ruộng cỏ lác cao ngập đầu người nói: "Đây là đất ruộng lúa cấy hai vụ của 5 hộ dân Nguyễn Văn Chính, Trịnh Bá Tường, Nguyễn Văn Lục, Nguyễn Văn Mão, Hoàng Tiến Chung. Tất cả số ruộng này đều có sổ đỏ, người dân canh tác nhiều đời nay nhưng đã 6 năm nay không cày cấy gì được do bị đất bồi lấp."
UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo UBND huyện Yên Bình, UBND thành phố Yên Bái và các ngành liên quan khẩn trương giải quyết kiến nghị của các hộ dân xã Văn Lãng và xã Văn Tiến.
Tại Biên bản làm việc ngày 23/8/2018 giữa UBND xã Văn Tiến với Văn phòng Đăng ký đất đai và Phát triển quỹ đất, Phòng Kinh tế, Ban Quản lý dự án các khu công nghiệp tỉnh Yên Bái đã xác nhận nguyên nhân ruộng lúa của người dân bị bồi lấp do đất từ Khu Công nghiệp phía Nam tràn vào sau mỗi trận mưa lớn và một số cống thoát nước cao hơn mặt ruộng, đất bồi lắng không thể canh tác được.
Riêng tại huyện Yên Bình, ông Nguyễn Đức Điển, Phó chủ tịch UBND huyện cho biết, huyện Yên Bình đã phối hợp với Ban Quản lý Khu Công nghiệp tỉnh Yên Bái xuống hiện trường thống kê, đánh giá thiệt hại để báo cáo với UBND tỉnh trong tuần tới.

Khu Công nghiệp phía Nam tỉnh Yên Bái được khởi công xây dựng từ năm 2003, với tổng diện tích quy hoạch 400 ha, nằm trên địa phận hai xã Văn Tiến, Văn Lãng. Đây là KCN quốc gia của tỉnh Yên Bái.
Hiện nay, KCN này đã thu hút được hơn chục doanh nghiệp đầu tư xây dựng: nhà máy nghiền Pensfat của Công ty cổ phần Khoáng sản Yên Bái; Nhà máy nghiền bột đá Cacbonatcanci CaCO3 - Công ty cổ phần khai thác đá Mông Sơn; Nhà máy Sơn dẻo nhiệt phản quang - Công ty TNHH sơn dẻo nhiệt SYNTHETIC.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục