OANA 44: Các hãng thông tấn chia sẻ hệ lụy của vấn nạn “tin giả”

16:43' - 19/04/2019
BNEWS Nhân dịp hội nghị OANA, đại diện các Hãng Thông tấn thành viên đã có những chia sẻ xung quanh vấn nạn “tin giả”đang rất được quan tâm.

Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 diễn ra tại Hà Nội từ ngày 18-20/4/2019 do Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) đăng cai với chủ đề “Vì một nền báo chí chuyên nghiệp và sáng tạo”, nhấn mạnh tầm quan trọng và cần thiết hơn bao giờ hết của báo chí chuyên nghiệp trong bối cảnh sự xuất hiện của truyền thông xã hội và những thách thức mà nó đặt ra.

Một trong những thách thức lớn là vấn nạn “tin giả”, thể hiện qua những tác động tiêu cực tới chất lượng thông tin báo chí cũng như sự giảm sút niềm tin của độc giả đối với báo chí chính thống. Nhân dịp này, đại diện các Hãng Thông tấn thành viên đã có những chia sẻ xung quanh vấn đề đang rất được quan tâm này.

*Thách thức “tin giả” trong truyền thông ngày nay

Với xu hướng phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội, các nhà báo không còn là người phát hiện thông tin, vì thế họ cần trở thành những người kiểm chứng, thẩm định, phân tích và giải thích thông tin, đồng thời giúp công chúng tìm được những thông tin công chúng cần biết.

Trong ảnh: Phó Tổng giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh trình bày tham luận: "Giành lại niềm tin cho các dòng thông tin chủ lưu, báo chí chính thống". Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN ; Chiều 19/4/2019, tại Hà Nội, Hội nghị Ban Chấp hành OANA lần thứ 44 tiếp tục với phiên thảo luận về thách thức và giải pháp nâng cao hiệu quả đối với các hãng thông tấn trong kỷ nguyên số. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh, các nhà báo không thể kiểm soát hay quyết định công chúng nên biết thông tin gì. Đây là sự tái cấu trúc cơ bản mối quan hệ giữa công chúng và truyền thông.

Ông Lê Quốc Minh nhấn mạnh, trong khi truyền thông xã hội đang tạo ra cuộc cách mạng trong lĩnh vực truyền thông, nó cũng mang đến nhiều hậu quả tiêu cực. Sự lan truyền nhanh chóng của “tin giả” - một phần do xu hướng ưu tiên những thông tin mang tính “câu view” của các nền tảng mạng xã hội – đang trở thành một vấn nạn với những tác động ghê gớm, tạo ra những cuộc tranh luận trong công chúng.

Lòng tin của công chúng đối với các cơ quan báo chí và truyền thông nói chung đang suy giảm ở hầu hết các khu vực trên thế giới. Báo cáo chỉ số lòng tin Edelman năm 2018 và 2019 cho biết 73% số người được hỏi trên toàn cầu lo ngại về việc tin giả hoặc những thông tin sai sự thật bị lợi dụng như một thứ vũ khí; 59% số người được hỏi nói rằng ngày càng khó xác định liệu thông tin có phải do một cơ quan báo chí có uy tín đưa ra hay không.

Tin giả tiếp tục là mối quan ngại lớn đối với các nhà báo trên khắp thế giới. Việc phát tán tin giả, mà đôi khi chính những cơ quan báo chí chính thống cũng góp phần, khiến công chúng không thể phân định được sự thật, góp phần làm suy giảm lòng tin vào báo chí nói chung.

Với 61 triệu người dùng Facebook, chiếm 63,5% trong tổng dân số 96 triệu người, đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ dân số dùng mạng xã hội này, Việt Nam không nằm ngoài cơn bão tin giả. “Điều đáng quan ngại là các newsfeed trên Facebook, các kênh YouTube hay công cụ tìm kiếm Google chứa đựng đầy tin giả, trong khi người dùng “ngây thơ” đến mức thích (like) và chia sẻ (share) chúng và thậm chí báo chí chính thống cũng đăng tải những tin giả này”, ông Lê Quốc Minh chia sẻ.

Khi truyền thông xã hội ngày càng phổ biến, tin giả cũng lan nhanh như cháy rừng. Tin giả có thể là những thông tin tưởng chừng "vô thưởng vô phạt" như các bài học về tình mẫu tử, các bí quyết sống khỏe cho tới những quảng cáo xuyên tạc, sử dụng những ảnh hoặc video giả mạo người nổi tiếng để quảng cáo sản phẩm, các tài liệu giả nhằm bôi nhọ cá nhân hoặc tổ chức, đặc biệt là những doanh nghiệp hoặc chính quyền.

Mỗi ngày, có hàng nghìn trang mạng đang mọc lên “như nấm sau mưa” để cung cấp các tin giả và giật gân cho các độc giả đang khát thông tin.

Điều nguy hiểm hơn là tin giả xuất hiện trên báo chí chính thống, vốn được nhiều người tin tưởng. Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh dẫn chứng về vụ tin giả “ầm ĩ” nhất trên truyền thông chính thống: Vụ bê bối nước mắm nhiễm chất độc arsen đã khiến 50 cơ quan báo chí Việt Nam bị phạt.

Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinatas) đã đứng sau một nghiên cứu cáo buộc rằng 67% sản phẩm nước mắm được sản xuất theo cách thức truyền thống chứa hàm lượng arsen vượt mức quy định. Tin này được đăng trên nhiều tờ báo in, báo điện tử và cả trên các kênh truyền hình, đã khiến người tiêu dùng lo sợ và tẩy chay sản phẩm đã được sử dụng qua nhiều thế hệ.

Cho rằng sự phát triển nhanh chóng của truyền thông xã hội mang lại nhiều thay đổi tích cực, song cũng có một số tác động tiêu cực, bà Nurini Kassim, Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn BERNAMA của Malaysia (thành viên Ban Chấp hành OANA) khẳng định, xu hướng “báo chí công dân” (citizen journalism) đang ngày càng phát triển, mang lại cho công chúng nhiều thông tin thiếu tính xác thực và gây tranh cãi.

Các thông tin sai lệch có thể lan truyền trên mạng, tràn ngập trên các phương tiện truyền thông xã hội. Sự thiếu chuyên nghiệp, thiếu trách nhiệm này đe dọa việc đưa tin theo chuẩn mực đạo đức của báo chí chính thống và truyền thông truyền thống.

Theo bà Nurini Kassim, không giống như các nhà báo công dân, các nhà báo chuyên nghiệp nhìn vào mọi khía cạnh để đưa ra những thông tin đa dạng và khách quan. Nói cách khác, báo chí chuyên nghiệp có nền móng là chất lượng chuyên nghiệp. Công việc của các nhà báo chuyên nghiệp đòi hỏi độ tin cậy, đưa tin có đạo đức, trách nhiệm, chất lượng, kiểm chứng sự thật và xác minh - một sự kết hợp cần thiết để đảm bảo xây dựng quốc gia, hòa bình, hòa hợp dân tộc cũng như ổn định chính trị và kinh tế. Uy tín của một cơ quan báo chí phải dựa trên sự chuyên nghiệp của các nhà báo thuộc cơ quan đó.

* Cần áp dụng các công cụ và cách thức đổi mới cho báo chí hiện đại

Theo Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh, truyền thông xã hội đang tạo ra cách thức giao tiếp và đối thoại đa chiều giữa tòa soạn, nhà báo và độc giả. Trong nhiều trường hợp, những bình luận tương tác của người sử dụng đã giúp các nhà báo tìm ra những khía cạnh mới cho bài báo của mình.

Bà Nurini Kassim, Giám đốc điều hành Hãng thông tấn Bernama của Malaysia, thành viên Ban Chấp hành OANA trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN. Ảnh: Minh Quyết - TTXVN

Truyền thông xã hội đang cung cấp manh mối cho các nhà báo viết bài phóng sự và các bài điều tra. Nhưng các tòa soạn có thể bị chôn vùi trong đống tin giả hỗn loạn nếu các quy định về "kiểm chứng, cân bằng và công bằng" của nghề báo không được tôn trọng trong cuộc đua tốc độ giữa báo chí và mạng xã hội.

Cách đây vài năm, gần như chưa ai nghe nói đến thuật ngữ “tin giả”, nhưng ngày nay, đó là một trong những mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ và sự tranh luận tự do. Khi vội vã đăng thông tin lên các mạng xã hội, các “nhà báo công dân” thường mắc lỗi phát tán tin tức chưa được kiểm chứng. Tin giả chỉ có thể được kiểm soát bằng cách công bố thông tin sau khi đã được xác minh.

Đối mặt với những thông tin bịa đặt và xuyên tạc, nhiều cơ quan báo chí đang tranh thủ chính cơ hội này để chứng tỏ giá trị gia tăng độc nhất của họ là nguồn thông tin và bình luận đáng tin cậy. Nhiều cơ quan báo chí trên thế giới đang vật lộn trong cuộc cạnh tranh với các nền tảng, trong khi nhiều cơ quan báo chí khác đang sản xuất các sản phẩm báo chí chất lượng cao, từ các bài long -form đến các bài phân tích chuyên sâu, từ các sản phẩm thực tế ảo tới những ứng dụng tin nhắn có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI) để tương tác với độc giả.

Hiện nay, nhiều tòa soạn và cá nhân nhà báo tại Việt Nam đang muốn áp dụng nhiều công cụ hoặc cách thức đổi mới trong quy trình tác nghiệp của họ để cải thiện chất lượng tin bài và giúp độc giả tránh tin giả. Trong khi tiếp tục sản xuất các tin, bài được kiểm chứng bằng nhiều ngôn ngữ, TTXVN đang chú trọng hơn đến các bài phân tích và chuyên sâu, đến thể loại báo chí giải pháp và báo chí xây dựng mà chỉ những nhà báo và cây viết chuyên nghiệp mới có thể làm được.

Phó Tổng Giám đốc TTXVN Lê Quốc Minh cho rằng, việc giành lại lòng tin của công chúng là không dễ dàng, nhất là khi con người đang sống trong một thế giới truyền thông xã hội. Tuy nhiên, nghề báo chỉ có thể hoàn thành trách nhiệm với xã hội bằng cách chứng minh rằng báo chí là đáng giá và đáng tin cậy. Các cơ quan báo chí, đặc biệt là các Hãng Thông tấn, phải duy trì được sự tin tưởng bền cậy vững từ khách hàng và độc giả, khiến họ quay lại với báo chí chính thống và thậm chí là trả tiền cho những nội dung chất lượng cao.

Các nhà báo thực thụ là những người có thể cho thấy sự tương đồng giữa ý tưởng và cách thể hiện, hay nói cách khác họ đảm bảo sự toàn vẹn của nghề báo. Để xây dựng và giành lại lòng tin của công chúng, mỗi cơ quan báo chí và mỗi nhà báo cần phải nỗ lực hết mình để mang lại dịch vụ tốt nhất cho người dân, chứ không chỉ để bán một bài báo hay một tờ báo.

Về giải pháp cho vấn nạn tin giả, bà Nurini Kassim, Giám đốc điều hành Hãng Thông tấn BERNAMA nhấn mạnh, điều quan trọng là các hãng thông tấn phải có người kiểm chứng sự thật để kiểm tra và xác minh thông tin trước khi công bố. Cách làm làm này đã được nhiều cơ quan báo chí lớn tại Mỹ sử dụng. Chẳng hạn, trong các cuộc tranh luận bầu cử tổng thống Mỹ, các cơ quan báo chí nước này đã kiểm tra và xác minh sự thật trong các bài phát biểu của các ứng viên.

Đặc biệt, bà Nurini Kassim lưu ý, “chúng ta không nên đánh đổi sự thật, tính chính xác và trách nhiệm lấy tốc độ”. Trong trường hợp đăng tải các thông tin quảng cáo, nhiều công ty chỉ cung cấp cho cơ quan báo chí thông tin họ muốn đăng tải. Tuy nhiên, theo bà Nurini Kassim, các cơ quan báo chí phải luôn ưu tiên lợi ích của người tiêu dùng và đảm bảo rằng các công ty không tìm cách quảng cáo những nội dung không đúng với những gì họ công bố.

Cho rằng các nhà báo bắt buộc phải được trang bị để thích ứng với những sự thay đổi không ngừng của nền truyền thông hiện đại, bà Nurini Kassim khẳng định, bên cạnh cuộc chiến với tin giả, đổi mới và sáng tạo trong cách thức, nội dung thể hiện báo chí chính là yếu tố góp phần nâng tầm giá trị báo chí truyền thống, đồng thời thu hút sự quan tâm cũng như niềm tin từ công chúng. Trong đó, cách thức phổ biến của hoạt động đổi mới là sử dụng các nền tảng khác nhau để đưa tin.

Bà Nurini Kassim cho biết, BERNAMA đã thành lập một đơn vị có tên Phòng Đa phương tiện (Multimedia Desk) chuyên phổ biến tin tức và thông tin trên các nền tảng; đồng thời sử dụng một hình thức phổ biến tin tức khác là thông tin đồ họa. “Phản hồi từ khách hàng rất tích cực và đáng khích lệ, một dấu hiệu cho thấy việc chúng tôi tăng cường tập trung vào hành vi tiếp nhận thông tin này là kịp thời”, bà Nurini Kassim cho hay.

Ngoài ra, BERNAMA cũng cung cấp dịch vụ tin tức kỹ thuật số có tên gọi “Front Desk” tập trung vào các mối quan tâm của con người và những thông tin nhẹ nhàng, tin giải trí, tin tức bằng video và ảnh để phục vụ số khách hàng ngày càng tăng trong phân khúc này./.

Xem thêm:

>>OANA 44: Ngăn chặn tin giả, một trong những nhiệm vụ của các Hãng Thông tấn

>>Khai mạc Hội nghị lần thứ 44 BCH Tổ chức các hãng thông tấn châu Á-Thái Bình Dương

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục