OCB giới thiệu cơ hội đầu tư, đặt mục tiêu giữ tăng trưởng 20-25%/năm

11:40' - 23/01/2021
BNEWS Ngày 28/1 tới đây, OCB sẽ chính thức niêm yết hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 10.959 tỷ đồng. Tạm tính theo giá chào sàn, mức vốn hóa thị trường của OCB là 25.096 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD).
Ông Trịnh Văn Tuấn – Chủ tịch HĐQT OCB chia sẻ thông tin tại sự kiện giới thiệu cơ hội đầu tư trước khi thực hiện niêm yết cổ phiếu OCB. Ảnh: BNEWS phát
Chia sẻ về tầm nhìn cho giai đoạn 5 năm tới 2021-2025, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) Trịnh Văn Tuấn kỳ vọng ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trưởng lợi nhuận, tổng tài sản và vốn điều lệ từ 20-25%/năm và đặt mục tiêu đưa OCB vào Top 5 các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân tốt nhất Việt Nam.

Cụ thể, OCB hướng tới mục tiêu chính là tập trung vào phân khúc khách hàng ưu tiên; duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững trong nhóm dẫn đầu; nâng cao chất lượng tài sản thông qua hệ thống quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế; tối ưu hóa công nghệ và nền tảng ngân hàng số để dẫn dắt tăng trưởng và hiệu quả.

Ngày 28/1 tới đây, OCB sẽ chính thức niêm yết hơn 1 tỷ cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ 10.959 tỷ đồng. Tạm tính theo giá chào sàn là 22.900 vnđ/cổ phiếu thì mức vốn hóa thị trường của OCB là 25.096 tỷ đồng (trên 1 tỷ USD), nằm trong Top 30 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Tp. Hồ Chí Minh (HOSE) (tính vào ngày 21/1/2021).

Trước đó vào ngày 29/12/2020, HOSE đã chính thức chấp thuận hồ sơ niêm yết của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với mã chứng khoán OCB. Số lượng cổ phiếu niêm yết của ngân hàng là hơn 1.096 triệu cổ phiếu, tương ứng với vốn điều lệ là 10.959 tỷ đồng.

Nhìn lại quá trình phát triển, OCB luôn giữ được mức tăng trưởng lợi nhuận cao và ổn định, từ mức lợi nhuận dưới 500 tỷ đồng trong giai đoạn 2011–2015, đến nay OCB đã đạt lợi nhuận trước thuế 4.420 tỷ đồng trong năm 2020.

Tổng tài sản của OCB cũng tăng từ 49.447 tỷ đồng lên 152.687 tỷ đồng trong giai đoạn 2015–2020; vốn điều lệ tăng 174% từ 4.000 tỷ đồng lên 10.959 tỷ đồng trong cùng giai đoạn.

Đạt mức tăng trưởng lợi nhuận cao liên tục trong nhiều năm nhưng OCB đồng thời tập trung chú trọng hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Năm 2017, OCB là ngân hàng đầu tiên hoàn tất việc triển khai Basel II (Hiệp ước Basel phiên bản II) tại Việt Nam.

Năm 2020, OCB cũng hoàn tất thương vụ bán vốn cho nhà đầu tư Nhật Bản Aozora Bank. Giao dịch này được vinh danh trong Top 10 thương vụ đầu tư và M&A tiêu biểu 2019–2020 tại Việt Nam.

Một trong những trọng tâm khác của OCB là chuyển đổi số. Năm 2018, OCB trở thành ngân hàng hợp kênh đầu tiên tại Việt Nam với ứng dụng OCB OMNI.

Công ty tư vấn toàn cầu Gartner đánh giá OCB đang dẫn đầu về chuyển đổi số trên thị trường ngân hàng trong 3 tiêu chí định hướng phát triển số, hệ thống nền tảng - hạ tầng mạng, an toàn bảo mật, các phần mềm lõi, các ứng dụng hỗ trợ, số hóa quy trình nội bộ. OCB cũng vừa triển khai thành công nền tảng Open API để phát triển ngân hàng mở.

Chính nhờ việc ứng dụng công nghệ, số hóa nhiều khâu trong quy trình xử lý nghiệp vụ cơ bản như thanh toán, tín dụng, quy mô nhân sự của OCB không tăng nhiều dù ngân hàng vẫn tăng trưởng lợi nhuận liên tục ở mức cao./.

 

    

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục