OECD đánh giá tác động thương vụ giải cứu Credit Suisse

09:03' - 15/03/2024
BNEWS Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) ngày 14/3 nhận định rằng thỏa thuận của ngân hàng UBS về việc “giải cứu” ngân hàng Credit Suisse sẽ có những tác động tới nền kinh tế Thụy Sỹ.

Đây được xem là đánh giá mới nhất của một tổ chức quốc tế về thương vụ này. Trong báo cáo đánh giá kinh tế Thụy Sỹ, OECD cho rằng việc mua lại có thể giúp ổn định tài chính nhưng cũng đặt ra câu hỏi về sự thống trị trong nước của UBS và sự cần thiết phải có quy định tài chính mạnh mẽ hơn trong tương lai.

 

Báo cáo của OECD đánh giá: “Việc UBS mua lại Credit Suisse do chính phủ dàn xếp... giúp xử lý ổn định và hiệu quả cuộc khủng hoảng từ Credit Suisse và hạn chế rủi ro lan rộng. Tuy nhiên, thương vụ này cũng làm tăng những rủi ro và thách thức mới. UBS, vốn đã là ngân hàng lớn trên toàn cầu trước khi sáp nhập, nên thương vụ này có thể giúp tổ chức này trở nên lớn hơn và hướng đến khái niệm ‘quá lớn để sụp đổ’”.

Trước đó, Ủy ban Ổn định Tài chính, một nhóm gồm các ngân hàng trung ương, quan chức cấp cao và cơ quan quản lý từ nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới, đã nhấn mạnh ảnh hưởng nếu sụp đổ mà UBS gây ra cho Thụy Sỹ và kêu gọi nước này tăng cường kiểm soát các ngân hàng. Thời gian tới, Chính phủ Thụy Sỹ sẽ đưa ra các đề xuất về cách thắt chặt quy định đối cho các ngân hàng lớn, bao gồm việc tăng quyền hạn của cơ quan giám sát chính.

Năm ngoái, Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ từng cho biết OECD đã đặt ra các câu hỏi xung quanh vấn đề cạnh tranh, với việc ngân hàng kết hợp mới chiếm khoảng 25% thị phần tiền gửi và cho vay trong nước. Đáp lại, Giám đốc điều hành UBS Sergio Ermotti đã bác bỏ các cảnh báo, khẳng định ngân hàng này vẫn đủ mạnh mẽ sau khi mua lại Credit Suisse.

Về nền kinh tế Thụy Sỹ trong tương lai, báo cáo nêu trên của OECD dự báo nền kinh tế sẽ tăng trưởng 0,9% vào năm 2024 và 1,4% vào năm 2025, thấp hơn tốc độ tăng trưởng trung bình dài hạn của đất nước là 1,8% và dự báo hồi tháng 12/2023 của chính phủ lần lượt là 1,1% và 1,7%.

Tuy nhiên, tổ chức có trụ sở tại Paris cho biết, thị trường lao động sôi động của Thụy Sỹ sẽ có thể bù đắp được những tổn thất việc làm “đáng kể” mà việc sáp nhập ngân hàng mang lại. Báo cáo cũng cho biết thị trường nhà ở siêu đắt đỏ ở Thụy Sỹ có dấu hiệu hạ nhiệt, nhưng vẫn còn những điểm yếu, với những tài sản ước tính được định giá quá cao lên tới 40%.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục