OPEC gặp khó trong việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng dầu

19:31' - 29/11/2017
BNEWS Sáu bộ trưởng từ các nước sản xuất dầu trong và ngoài Tổ chức OPEC đã nhóm họp tại Vienna, Áo trong ngày 29/11.
Sáu bộ trưởng từ các nước sản xuất dầu trong và ngoài Tổ chức OPEC đã nhóm họp tại Vienna, Áo trong ngày 29/11. Ảnh minh họa: Reuters

Sáu bộ trưởng từ các nước sản xuất dầu trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), trong đó có Saudi Arabia và Nga, nhóm họp tại Vienna, Áo trong ngày 29/11 để xem xét lại các đề xuất gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác dầu đến cuối năm 2018, trước thời điểm diễn ra cuộc họp toàn thể vào ngày 30/11.

Các nguồn tin từ OPEC cho biết một ủy ban gồm các thành viên tới từ các nước trong và ngoài OPEC ngày 28/11 đã đề nghị kéo dài thời gian thực thi thỏa thuận cắt giảm 1,8 triệu thùng dầu/ngày, dự kiến hết hạn vào tháng 3/2018, đến cuối năm 2018, kèm theo việc xem xét lại thỏa thuận này trong cuộc họp OPEC kế tiếp, dự kiến diễn ra vào tháng 6/2018.

Nga hiện đang băn khoăn về tính hợp lý của phương án gia hạn thỏa thuận do cho rằng động thái này có thể thúc đẩy Mỹ gia tăng sản lượng khai thác dầu. Nga cần giá dầu giảm hơn nữa để hiện thực hóa mục tiêu cân bằng ngân sách hơn nước dẫn dắt OPEC là Saudi Arabia.

Về phía mình, Saudi Arabia cần mức giá 60 USD/thùng dầu để lần phát hành cổ phiếu đầu tiên (IPO) của tập đoàn dầu khí Aramco tạo được một thành công trong nửa cuối của năm tới.

Họ lên kế hoạch chỉ bán 5% cổ phần tập đoàn danh tiếng của mình trong đợt IPO lớn nhất trong lịch sử ngành tài chính, song mức giá dầu thấp có thể buộc công ty này phải bán thêm nhiều cổ phiếu hơn, từ đó nguồn thu của chính phủ bị rút bớt vào đúng thời điểm mà ngân sách đang hạn hẹp.

Bộ trưởng Năng lượng Các Tiểu Vương quốc A rập Thống nhất (UAE) Suhail bin Mohammed al-Mazroui ngày 28/11 cho biết gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng đến cuối năm 2018 hiện vẫn là phương án chính, song không phải là phương án duy nhất.

Thỏa thuận hiện tại được thực thi đã mang lại kết quả tích cực, giúp giảm một nửa lượng dư thừa dự trữ dầu toàn cầu, hiện chỉ còn cao hơn mức trung bình trong 5 năm khoảng 140 triệu thùng, theo OPEC.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục