OPEC quyết định không thay đổi chính sách sản lượng

08:07' - 03/06/2016
BNEWS Cuộc họp của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) diễn ra ngày 2/6 tại thủ đô Vienna của Áo đã khép lại, với việc các nước thành viên quyết định không thay đổi chính sách sản lượng.
OPEC quyết định không thay đổi chính sách sản lượng. Ảnh: reuters

Đây là dấu hiệu cho thấy sự chia rẽ ngày càng sâu sắc trong OPEC, tổ chức chiếm tới 1/3 tổng sản lượng dầu thô toàn cầu.

Tại cuộc họp ngày 2/6, các nước thành viên OPEC đã thảo luận đề xuất của Saudi Arabia về việc thi chính sách hạn ngạch chung của tổ chức này nhằm vực dậy giá dầu, vốn đã giảm mạnh trong thời gian qua.

Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất thành viên, nhất là Iran, đã không nhất trí với sáng kiến của Riyadh.

Theo đề xuất do tân Bộ trưởng Dầu mỏ Saudi Arabia Khalid al-Falih đưa ra, hạn ngạch sản lượng chung của OPEC sẽ được duy trì ở mức trần từ 31,8 - 32,5 triệu thùng/ngày, giảm so với mức sản lượng 32,77 triệu thùng/ngày hiện nay.

Mặc dù OPEC không đạt được sự đồng thuận về "đóng băng" sản lượng, song Saudi Arabia vẫn cam kết không bơm thêm dầu ra thị trường.

Còn Iran quả quyết rằng nước này có quyền tăng mạnh sản lượng, với mục tiêu giành lại thị phần đã mất do bị cấm vận.

Mối quan hệ căng thẳng giữa Saudi Arabia và Iran luôn là tâm điểm trong các cuộc họp gần đây của OPEC, đặc biệt là cuộc họp về "đóng băng" sản lượng hồi tháng 12/2015.

Các nhà sản xuất trong OPEC lần đầu tiên trong mấy năm qua đã không đạt được sự nhất trí về mục tiêu hạn ngạch tại cuộc họp cuối năm ngoái.

Hậu quả là giá dầu đã giảm thê thảm xuống 27 USD/thùng trong tháng 1/2016, mức thấp nhất trong hơn một thập kỷ qua.

Tuy vậy, các nước thành viên tham dự cuộc họp của OPEC tại Vienna đã nhất trí được hai vấn đề.

Thứ nhất, tổ chức gồm 13 nước thành viên này quyết định bổ nhiệm ông Mohammed Barkindo, người Nigeria, làm Tổng thư ký mới của OPEC.

Ông Barkindo, người từng giữ chức Chủ tịch Tập đoàn Dầu mỏ quốc gia Nigeria, sẽ thay ông Abdalla El-Badri, người Libya, giữ cương vị này từ năm 2007.

Thứ hai, các nhà sản xuất thành viên cũng nhất trí cho phép Gabon (Ga-bông) gia nhập OPEC. Quốc gia Tây Phi này sẽ là thành viên nhỏ nhất OPEC.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục