OPEC: Thiếu đầu tư cho ngành dầu khí là tác nhân khiến lạm phát gia tăng

07:30' - 18/08/2022
BNEWS Theo tân Tổng Thư ký OPEC, thiếu đầu tư là thực tế mà các nhà hoạch định chính sách phải nhìn nhận và giải pháp rất rõ ràng là tăng cường đầu tư.

Trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC, tân Tổng Thư ký của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), Haitham Al Ghais ngày 17/8 cho rằng tổ chức này không phải là tác nhân gây ra tình trạng lạm phát tăng vọt, thay vào đó nhấn mạnh về tình trạng thiếu đầu tư kinh niên vào ngành dầu khí.

Đầu năm nay, ông Al Ghais đến từ Kuwait đã được bổ nhiệm làm Tổng Thư ký OPEC với nhiệm kỳ 3 năm. Theo ông Al Ghais, thiếu đầu tư là thực tế mà các nhà hoạch định chính sách phải nhìn nhận và giải pháp rất rõ ràng là tăng cường đầu tư.

 

Bình luận của Al Ghais được đưa ra ngay sau khi OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã gây ngạc nhiên cho thị trường tại cuộc họp ngày 3/8 khi công bố kế hoạch chỉ bổ sung 100.000 thùng mỗi ngày từ tháng tới.

Khi được hỏi liệu OPEC, tổ chức sản xuất khoảng 40% sản lượng dầu của thế giới, có nên gánh chịu trách nhiệm về việc giá năng lượng tăng cao dẫn đến lạm phát hay không, ông Al Ghais đã phủ nhận lập luận này.

Theo ông, OPEC đang làm phần việc của mình và tăng sản lượng theo một cơ chế minh bạc. Ông Al Ghais nhấn mạnh OPEC đang làm mọi cách để đưa thị trường trở lại trạng thái cân bằng, nhưng có những yếu tố kinh tế thực sự nằm ngoài tầm kiểm soát của OPEC.

Giá dầu đã giảm trong những tuần gần đây trong giữa những lo ngại mới về suy thoái kinh tế toàn cầu và triển vọng nhu cầu giảm. Trong phiên giao dịch chiều 17/8, giá dầu tại thị trường châu Á xuống mức thấp nhất trong sáu tháng.

Cụ thể, giá dầu Brent giảm 44 xu (0,5%) xuống 91,90 USD/thùng sau khi có lúc giảm còn 91,64 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng Hai; còn giá dầu chuẩn Tây Texas (WTI) giảm 9 xu (0,1%) xuống 86,44 USD/thùng.

Hồi tháng Sáu, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) ước tính đầu tư năng lượng toàn cầu đang trên đà tăng 8% trong năm nay để đạt 2.400 tỷ USD, với hầu hết mức tăng dự kiến chủ yếu đến vào năng lượng sạch. Con số này là "đáng khích lệ" song vẫn chưa đủ để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng.

Đối với dầu mỏ và khí đốt, IEA cho biết đầu tư đã tăng 10% so với năm ngoái nhưng vẫn ở mức “thấp hơn rất nhiều” mức của năm 2019. Theo IEA, giá nhiên liệu hóa thạch cao hiện nay tạo cơ hội cho các nền kinh tế phụ thuộc vào dầu và khí đốt trải qua một sự chuyển đổi rất cần thiết.

IEA trước đây từng nhận định rằng các nhà đầu tư không nên tài trợ cho các dự án cung cấp dầu, khí đốt và than mới nếu thế giới muốn đạt được mục tiêu đưa mức phát thải ròng xuống 0 vào giữa thế kỷ này.

Chắc chắn, việc đốt các nhiên liệu hóa thạch, chẳng hạn như dầu, khí đốt và than, vẫn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng khẩn cấp về khí hậu.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo vào tháng Tư rằng việc tài trợ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch mới là “sự điên rồ” về đạo đức và kinh tế./. 

>>>OPEC lần thứ ba hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2022

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục