Pakistan khẳng định có thể trang trải các nhu cầu tài chính bên ngoài

08:02' - 25/07/2022
BNEWS Quyền Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Pakistan, ông Murtaza Syed, cho biết nước này có thể trang trải đầy đủ nhu cầu tài chính bên ngoài vào khoảng 33,5 tỷ USD trong năm tài khóa 2022-2023.

Ông Syed nhấn mạnh rằng những lo ngại "không chính đáng" của thị trường về vị thế tài chính của nước này sẽ “tan biến” trong vài tuần.

Lo ngại về nền kinh tế trì trệ của Pakistan đã gia tăng khi đồng nội tệ (Pakistan rupee) của nước này giảm gần 8% so với USD trong tuần vừa qua, trong khi dự trữ ngoại hối ở mức dưới 10 tỷ USD với lạm phát cao nhất trong hơn một thập kỷ.

 

Theo ông Syed, nhu cầu tài chính bên ngoài của Pakistan trong 12 tháng tới sẽ được đáp ứng đầy đủ nhờ chương trình viện trợ mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đang triển khai.

Tuần trước, Pakistan đã đạt được thỏa thuận về việc giải ngân khoản viện trợ 1,17 tỷ USD nằm trong khuôn khổ Công cụ tài chính nhanh (RFI) của IMF. Ông Murtaza Syed cho biết thỏa thuận này là “một mỏ neo” rất quan trọng khiến Pakistan khác với các quốc gia dễ bị tổn thương - mà hầu hết trong số họ không có bất kỳ sự hỗ trợ nào của IMF.

Tuy nhiên, Ban giám đốc của IMF sẽ cần thông qua thỏa thuận trước khi giải ngân số tiền viện trợ, với quyết định dự kiến được đưa ra trong tháng Tám.

Mặc dù có thể nhận được viện trợ của IMF, một số nhà quan sát đặt câu hỏi về khả năng Pakistan có thể trang trải các nhu cầu tài chính bên ngoài, bao gồm cả các khoản nợ của nước này. Ông Syed đã bác bỏ những lo ngại đó và nói rằng hồ sơ nợ công của Pakistan tốt hơn rất nhiều so với các nước dễ bị tổn thương với nợ công cao.

Hiện nợ công của Pakistan là 71% GDP. Ông Syed cho biết: “Nợ nước ngoài của Pakistan ở mức thấp, có thời hạn thanh toán tương đối dài và với các điều khoản dễ dàng hơn vì chúng chủ yếu là các khoản tài trợ ưu đãi song phương và đa phương hơn là các khoản vay thương mại đắt đỏ”.

Trong một buổi thuyết trình gần đây trước các nhà đầu tư quốc tế, ông Syed cho biết tổng nhu cầu tài chính bên ngoài là 33,5 tỷ USD sẽ được đáp ứng nhờ 35,9 tỷ USD nguồn tài chính hiện có. Hầu hết các khoản tài trợ là từ các tổ chức đa phương, các khoản thanh toán dầu mỏ, và chuyển nhượng tài chính song phương.

Ông Syed cũng so sánh tình hình ở Pakistan với Sri Lanka (Xri Lan-ca), quốc gia bị vỡ nợ gần đây, và cho biết: "Pakistan thắt chặt chính sách tiền tệ và cho phép giảm giá đồng nội tệ ngay khi áp lực bên ngoài bắt đầu xuất hiện." Ông nói thêm rằng vị thế tài chính của Sri Lanka kém hơn nhiều so với Pakistan, với thâm hụt chính lớn hơn ba đến bốn lần kể từ đại dịch bùng phát.

Ông Syed cho rằng Pakistan đang bị xếp vào nhóm các quốc gia dễ bị tổn thương một cách không công bằng, trong bối cảnh thị trường toàn cầu hoảng loạn do siêu chu kỳ hàng hóa, chính sách thắt chặt tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và căng thẳng địa chính trị.

Ông nói: “Các thị trường đang phản ứng với những cú sốc này một cách không công bằng trên diện rộng mà không chú ý đến sức mạnh tương đối của Pakistan. Chúng tôi hy vọng thực tế này sẽ trở nên rõ ràng trong những tuần tới và những lo ngại không chính đáng xung quanh Pakistan sẽ tan biến"./.

>>>IMF sẽ hạ triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục