Phải làm tốt hơn đối thủ cạnh tranh
Tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển Việt Nam năm 2021 vẫn giữ được nhịp tăng trưởng bất chấp các ngành kinh tế bị ảnh hưởng sâu sắc của dịch COVID- 19 là cơ sở thuận lợi để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đạt được kế hoạch năm 2022.
Sự tăng trưởng này có đóng góp không nhỏ từ 16 cảng biển lớn và các đơn vị thành viên khác trực thuộc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC - mã chứng khoán: MVN).
Ghi nhận và đánh giá cao về đóng góp trên của VIMC, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang đề nghị trong năm 2022 và các năm tiếp theo, VIMC cần tiếp tục giữ vững vai trò đầu tàu của ngành hàng hải với thế chân vạc “cảng biển - vận tải - dịch vụ hàng hải”; trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ xây dựng bến 3, 4 cảng Lạch Huyện, nâng cấp bến số 1 cảng Quy Nhơn, hoàn thiện các dự án đầu tư đang triển khai. Nhìn nhận về sự “lột xác” của vận tải biển, Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho hay, thời gian qua, dịch COVID-19 mang đến khó khăn nhưng cũng giúp vận tải biển hưởng lợi khi giá cước vận tải biển tăng cao. Song, vấn đề đặt ra đối với vận tải biển không phải dựa vào việc “té nước theo mưa” mà phải tìm cách phát triển bền vững. Thu được lợi nhuận cao nhưng VIMC cũng phải nhìn trực diện đội tàu đã thực sự mạnh chưa để có những giải pháp tháo gỡ. Về kết quả kinh doanh năm 2021, theo báo cáo của VIMC, từ thua lỗ 145 tỷ đồng trong năm 2020, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam đã bứt phá lãi hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2021, tăng gấp 5,5 lần kế hoạch; trong đó, khối vận tải biển từ lỗ sâu 874 tỷ đồng tưởng chừng khó gắng gượng được trong năm trước, năm 2021 cũng lãi hơn 1.000 tỷ đồng. Vốn hóa trên thị trường chứng khoán tính đến 31/12/2021 là hơn 36.600 tỷ đồng. Cụ thể, sản lượng vận tải biển toàn VIMC năm 2021 đạt 22,85 triệu tấn, bằng 102,2% năm 2020 và đạt 121,2% kế hoạch năm 2021. Đặc biệt, sản lượng hàng thông qua các cảng trực thuộc VIMC ước đạt 125,9 triệu tấn, bằng 113,7% năm 2020 và 105,4% kế hoạch 2021, sản lượng container ước đạt 5,4 triệu TEU, bằng 105% năm 2020 và 105,2% kế hoạch năm 2021. Kết quả này theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế đang giúp VIMC lấy lại hình ảnh là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải. Chia sẻ về những giải pháp giúp VIMC đạt được những kết quả khả quan, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Tổng giám đốc VIMC cho biết, VIMC và các doanh nghiệp thành viên triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt từ cuối quý II với đợt bùng phát dịch lần thứ 4 tại 19 tỉnh, thành phố phía Nam và đến nay vẫn tiếp tục lan rộng ra các tỉnh phía Bắc. Việc phải thực hiện nghiêm ngặt giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng chính phủ dẫn tới các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp thành viên gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn. Đặc biệt, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay, đại dịch đã đẩy thuyền viên vào những hoàn cảnh hết sức khó khăn. Vốn đã phải chịu đựng nhiều áp lực khi phải lênh đênh trên biển làm việc trong một thời gian dài, phải sống xa gia đình và chỉ đợi đến ngày hết hạn hợp đồng để được đoàn tụ, nhưng lại không thể về nhà nên đã ảnh hưởng lớn đến tâm sinh lý thuyền viên. Một số tàu của VIMC thậm chí đã có F0 và phải tự cách ly, chữa trị ngay trên tàu. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, các lĩnh vực của VIMC đều hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2021 về chỉ tiêu sản lượng và doanh thu. Có được thành quả trên trước hết là nhờ sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, các bộ ngành. Cùng sự chủ động đưa ra các giải pháp thích ứng với tình hình mới của Công ty mẹ và các đơn vị thành viên trong triển khai nhiệm vụ. “Cụ thể, VIMC đã chủ động đưa ra các giải pháp; trong đó có việc tái cơ cấu quản trị, triệt để tiết giảm chi phí; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; xây dựng phương án bố trí, sắp xếp lao động hợp lý trong bối cảnh dịch bệnh; phát huy vai trò kết nối, điều phối của Công ty mẹ. Qua đó, VIMC đã hoàn thành mục tiêu kép vừa phòng chống dịch bệnh an toàn, vừa ổn định và phát triển sản xuất kinh doanh”, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh cho hay. Tổng giám đốc VIMC nhận định, năm 2022 và các năm tiếp theo, 3 lĩnh vực kinh doanh chính của VIMC là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải vẫn tiếp tục đối mặt với thách thức. Nhưng dấu mốc chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần (tháng 9/2020) là điểm tựa, bước chuyển quan trọng, tiếp tục giúp VIMC tăng thêm nguồn lực. Từ đó, Tổng công ty tiến hành đổi mới hệ thống quản trị, quyết liệt thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong kinh doanh, bảo đảm sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Cũng theo chia sẻ của ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, năm 2022 là năm thứ 2 thực hiện chiến lược phát triển 5 năm của VIMC sau khi được chuyển đổi mô hình thành công ty cổ phần. Đại hội cổ đông của VIMC đã thông qua kế hoạch hoạt động kinh doanh trong 5 năm tới với nhiều dự án đầu tư phát triển như dự án Bến số 4, 5 cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện tại Hải Phòng; nâng cấp và mở rộng cảng Quy Nhơn tại Bình Định; các dự án đầu tư cảng Tiên Sa giai đoạn 2 và nghiên cứu đầu tư cảng Liên Chiểu cùng tại thành phố Đà Nẵng…nhằm đưa VIMC bước vào giai đoạn phát triển mới. Cùng với đó, VIMC cũng tiếp tục tái cơ cấu đội tàu theo hướng phát triển đội tàu vận tải container tải trọng lớn, hiện đại cùng các container đồng bộ; thanh lý các tàu biển thế hệ cũ…. Đặc biệt, với việc VIMC sở hữu cổ phần chi phối tại 16 doanh nghiệp cảng biển lớn từ Bắc đến Nam như cảng Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng, Quy Nhơn và cụm cảng container hiện đại tại khu vực Cái Mép - Thị Vải, đây được xem là những nguồn lực quan trọng giúp VIMC phát triển trong thời gian tới.
Chia sẻ về những thời cơ, thách thức trong thời gian tới, ông Lê Anh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị VIMC cho biết: “Chúng tôi đã thay đổi mạnh mẽ trong thời gian qua và sự thay đổi ấy giúp Tổng công ty vượt qua con sóng lớn nhất trong một phần tư thế kỷ hình thành và phát triển. Dù đã làm tốt nhưng các đối thủ cạnh tranh trên thị trường còn làm tốt hơn. Thay đổi mô hình quản trị là cần thiết nhưng điều quan trọng nhất vẫn là thay đổi tư duy và cách làm hướng tới khách hàng”.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang nhấn mạnh, vai trò dẫn dắt sự phát triển kinh tế hàng hải của cả nước vẫn đang ở trên vai của VIMC. Do đó, VIMC cần tiếp tục mở đường trong mở rộng thị trường vận tải biển quốc tế, nhất là thị trường vận tải container. Trước mắt, VIMC cần nghiên cứu phát triển tuyến vận tải biển, ven biển Việt Nam - Trung Quốc, chung tay tháo gỡ tình trạng ùn tắc đường bộ ở cửa khẩu cho hàng nông sản Việt Nam. Bên cạnh đó, VIMC cần tập trung nghiên cứu quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam giai đoạn mới để đầu tư, phát triển thêm cảng biển trong 10 - 30 năm tới; đồng thời VIMC cần phát triển hơn nữa mạng lưới vận tảu thủy và cảng cạn (ICD) để làm “cánh tay nối dài” của cảng biển, tiếp tục phát huy hiệu quả, tiềm năng của các cảng đã đầu tư…/.Tin liên quan
-
Kinh tế Thế giới
Tổng thư ký IMO: Việt Nam có tiềm năng phát triển kinh tế hàng hải hàng đầu thế giới
07:54' - 24/11/2021
Việt Nam được đánh giá là nước có tiềm năng phát triển kinh tế hàng đầu thế giới, trong đó có tiềm năng lớn để phát triển ngành hàng hải.
-
Kinh tế Việt Nam
Cục Hàng hải Việt Nam đề nghị cân nhắc đầu tư 3 cầu cảng mới tại cảng Chân Mây
12:25' - 21/11/2021
Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải tham gia góp ý về chủ trương xây dựng mới 3 cầu cảng tại khu bến Chân Mây (tỉnh Thừa Thiên Huế).
Tin cùng chuyên mục
-
Doanh nghiệp
Vietravel Airlines có tân Chủ tịch HĐQT
13:26'
Tại phiên họp đầu tiên, HĐQT nhiệm kỳ mới của Vietravel Airlines đã thống nhất bầu ông Đỗ Vinh Quang giữ chức danh Chủ tịch HĐQT.
-
Doanh nghiệp
Repsol duy trì "đối thoại mở" với Mỹ để tiếp tục hoạt động ở Venezuela
12:56'
Tập đoàn dầu khí Repsol đang duy trì “đối thoại mở” với Chính phủ Mỹ nhằm tìm cơ chế duy trì hoạt động tại Venezuela sau khi Washington thu hồi giấy phép xuất khẩu dầu của Repsol từ quốc gia này.
-
Doanh nghiệp
Vietnam Airlines nối lại đường bay Hà Nội - Kuala Lumpur, thúc đẩy giao thương
11:00'
Việc nối lại đường bay là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng của Vietnam Airlines tại Malaysia, đồng thời hiện thực hóa chiến lược mở rộng mạng bay, nâng cao hiệu quả khai thác của hãng.
-
Doanh nghiệp
OpenAI sẽ có mô hình AI mở cạnh tranh với DeepSeek và Meta
08:26'
OpenAI, nhà sáng lập ChatGPT sẽ phát triển mô hình AI tạo sinh mở hơn, đánh dấu sự thay đổi chiến lược quan trọng trong bối cảnh ngày càng chịu áp lực cạnh tranh từ đối thủ DeepSeek và Meta.
-
Doanh nghiệp
PTC3 sẵn sàng các phương án vận hành an toàn, ổn định trong cao điểm mùa khô
15:38' - 01/04/2025
PTC3 đã và đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp kỹ thuật, quản lý và vận hành, thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của EVNNPT để đáp ứng nhu cầu điện gia tăng, nhất là trong giai đoạn cao điểm.
-
Doanh nghiệp
Hoàn thành dự án hiệu chỉnh mạch sa thải đặc biệt trên đường dây 500kV Bắc - Trung
15:21' - 01/04/2025
Dự án có sự tham gia của nhiều đơn vị như: Nhà thầu thi công: Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Công nghệ (ITS). Tư vấn giám sát: Công ty CP Tổng hợp Phú Tài Phát.
-
Doanh nghiệp
Làn sóng thuế mới của Mỹ đe dọa xuất khẩu Hàn Quốc
14:54' - 01/04/2025
Trong ngành công nghiệp nặng, các sản phẩm thép và nhôm của Hàn Quốc, hiện đang chịu mức thuế 25% từ ngày 12/3, dự kiến sẽ đối mặt với áp lực chi phí lớn hơn do thuế đối ứng từ các quốc gia khác.
-
Doanh nghiệp
Johnson & Johnson thất bại trong nỗ lực dàn xếp vụ kiện phấn rôm 10 tỷ USD
14:38' - 01/04/2025
J&J phải đối mặt với các vụ kiện từ hơn 60.000 người khiếu nại cáo buộc rằng phấn rôm trẻ em và các sản phẩm chứa bột Talc khác của công ty có chứa amiăng và gây ra ung thư buồng trứng.
-
Doanh nghiệp
Intel kết nối nhà cung ứng linh kiện chiến lược tại Việt Nam
12:41' - 01/04/2025
Nhà máy Intel tại Việt Nam sẽ chạm mốc 4 tỷ sản phẩm xuất xưởng vào tháng tư, một dấu ấn khẳng định vai trò của nhà máy lắp ráp và kiểm định của Intel tại Việt Nam trong chuỗi vận hành toàn cầu.