Phân bón cho nông nghiệp xanh: Đâu là hướng đi đúng?

08:00' - 16/04/2023
BNEWS Xung quanh việc sử dụng phân bón đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp sạch, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Phùng Hà, Tổng Thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam về vấn đề này.

Việc lạm dụng phân bón, nhất là phân hóa học đang tạo ra nhiều hệ lụy. Vì vậy, song hành với việc sử dụng phân bón hợp lý, việc nghiên cứu, phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, vừa đáp ứng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp sạch, vừa giúp tăng năng suất và chất lượng nông sản cũng như giúp bảo vệ môi trường, giảm phát thải chính là một hướng tiếp cận được nhiều nước phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc đang áp dụng.

Vậy đây có phải là hướng đi đúng cho Việt Nam? Xung quanh vấn đề này, phóng viên BNEWS/TTXVN đã phỏng vấn ông Phùng Hà, Tổng Thư ký, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam.

Ông Phùng Hà, Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam (VFA). Ảnh: VFA cung cấp

BNEWS: Thưa ông có ý kiến cho rằng nhu cầu phân bón cho sản xuất nông nghiệp hiện ở mức gần 11 triệu tấn một năm, tức là gấp gần 7 lần so với 20 năm về trước, trong khi hiệu quả sử dụng phân bón chỉ ở mức khoảng 50%. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Tổng thư ký Phùng Hà: Những năm gần đây, nông nghiệp Việt Nam cần khoảng gần 11 triệu tấn phân bón mỗi năm. Nhu cầu phân bón tăng lên là do nhu cầu về nông sản tăng. Tuy nhiên, lượng phân bón bị thất thoát ra môi trường cũng khá lớn. Theo thống kê của Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), Việt Nam nằm trong top các nước dùng nhiều phân bón nhất thế giới nên lượng phân bón thất thoát cũng ở mức cao, trong đó phân đạm thất thoát từ 40-60%, phân lân từ 30-40%.

BNEWS: Vậy việc sử dụng phân bón không hiệu quả, nhất là lạm dụng phân hóa học đang tạo ra những hệ lụy gì thưa ông?

Tổng thư ký Phùng Hà: Theo tính toán của FAO, hiện lượng phân bón trung bình sử dụng trong nông nghiệp trên thế giới vào khoảng 145 kg/ha  trong khi tại Việt Nam con số này là trên 400 kg/ha.

Điều này có nghĩa là Việt Nam sử dụng quá nhiều phân bón cho một đơn vị diện tích và khi lạm dụng phân bón như vậy sẽ tạo ra nhiều hệ lụy. Thứ nhất, khi bón quá nhiều phân mà cây trồng không hấp thụ hết thì ảnh hưởng tới hiệu quả sản xuất của nông dân bởi theo tính toán của FAO, phân bón chiếm từ 40-70% giá thành sản xuất nông sản tùy theo loại cây trồng và mùa vụ.

Hệ lụy thứ hai là chất lượng nông sản cũng bị ảnh hưởng so với việc dùng tỷ lệ phân bón hóa học kết hợp với phân bón hữu cơ hợp lý. Hệ lụy thứ ba chính là gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và khí hậu. Theo đánh giá, sản xuất nông nghiệp là hoạt động tạo ra khoảng 14 % lượng khí phát thải nhà kính; trong đó phân bón chiếm khoảng 15% gồm phát thải từ quá trình sản xuất phân bón và từ quá trình sử dụng.

Vì vậy, khi lạm dụng phân bón, lượng thất thoát sẽ tồn trữ trong đất, gây chai đất hoặc tan ra và ngấm xuống ao, hồ, sông, suối gây ô nhiễm môi trường cũng như làm tăng phát thải khí nhà kính. Trong khi đó, Chính phủ Việt Nam đã cam kết đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
 

BNEWS: Thưa ông nhiều chuyên gia cho rằng mặc dù xu thế hiện nay là sản xuất nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ nhưng để đảm bảo an ninh lương thực, an ninh nông nghiệp, Việt Nam vẫn cần cân đối sử dụng hợp lý giữa phân hóa học và phân hữu cơ. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tổng thư ký Phùng Hà: Đây là quan điểm hoàn toàn đúng vì nền nông nghiệp nước ta phải thực hiện hai nhiệm vụ vừa phải đảm bảo an ninh lương thực nhưng vừa phải phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp bền vững. Một ví dụ rõ nhất, nền kinh tế Sri Lanka bị rơi vào khủng hoảng khi chính phủ nước này quá vội vã trong hữu cơ hóa nông nghiệp.

Vì vậy, ngày 28/3 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 300/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030; trong đó đặt mục tiêu đưa diện tích sản xuất đất nông nghiệp hữu cơ đạt tối thiểu 2,5% so với tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, lượng phân bón hữu cơ chiếm trên 30% lượng sản xuất cung ứng trên thị trường, gấp hơn hai lần so với năm 2020. Theo chúng tôi, đây cũng là tỷ lệ khá cao đòi hỏi phải có nhiều biện pháp để hiện thực hóa mục tiêu bởi trên thế giới, tỷ lệ đất nông nghiệp hữu cơ mới chỉ ở mức 1,4%.

BNEWS: Nhiều doanh nghiệp phân bón tại Việt Nam đang thực hiện chiến lược phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới, phân bón đa chức năng theo hướng hữu cơ để đáp ứng nhu cầu phân bón cho nông nghiệp xanh. Theo ông, đây có phải là hướng đi phù hợp với Việt Nam và đâu là giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp?

Tổng thư ký Phùng Hà: Hiện nay, nhiều doanh nghiệp sản xuất phân bón tại Việt Nam đang phát triển các dòng phân bón tan có kiểm soát, phân bón tan chậm, phân vô cơ kết hợp vi sinh và đặc biệt là phân hữu cơ nhằm giảm lượng phát thải khí NOx và CO2 vào khí quyển, cũng như khiến đất rỗng hơn, giữ được khí phát thải.

Đây chính là một hướng đi phù hợp với Việt Nam góp phần phát triển nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ nên Chính phủ cũng cần có các chính sách hỗ trợ phù hợp do đầu tư sản xuất phân hữu cơ hay phân bón thế hệ mới thì lợi nhuận sẽ không cao.

Vì vậy, giải pháp hỗ trợ đầu tiên là sửa đổi Luật 71/2014/QH13 ngày 26/11/2014 sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế; trong đó đưa phân bón từ mặt hàng không chịu thuế giá trị gia tăng thành đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, qua đó giúp khấu trừ khoản thuế giá trị gia tăng đầu vào đối với các khoản đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, vật tư cho các dự án sản xuất phân bón của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc phát triển các quỹ khoa học công nghệ hoặc có các chính sách tín dụng ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư, nghiên cứu phát triển các sản phẩm phân bón thế hệ mới phù hợp với nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ.

BNEWS: Cùng với việc phát triển các dòng sản phẩm phân bón thế hệ mới, việc sử dụng phân bón cần có sự thay đổi như thế nào để có thể đạt được hiệu quả kinh tế, nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như góp phần bảo vệ môi trường, thưa ông?

Tổng thư ký Phùng Hà: Theo tính toán của FAO, lượng khí phát thải từ quá trình sản xuất phân bón chỉ chiếm 25%, trong khi lượng khí phát do quá trình sử dụng phân bón chiếm tới 75%. Vì vậy, hiện các quốc gia Châu Âu khuyến cáo sử dụng phân bón theo nguyên tắc “4 đúng” gồm: đúng loại, đúng liều lượng, đúng thời vụ và đúng cách, từ đó sẽ bón phân hiệu quả cho cây trồng./.

BNEWS: Xin cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục