Phản hồi thông tin của TTXVN: Huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) xử lý tình trạng khai thác đất đá

11:24' - 03/12/2021
BNEWS Ngày 3/12, UBND huyện Đơn Dương đã có Báo cáo số 421/BC- UBND về kết quả kiểm tra, xác minh các nội dung phản ánh của báo chí đối với vụ việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá tại địa bàn.

Theo Báo cáo của UBND huyện Đơn Dương, việc khai thác đất đá trái phép tại hai xã Đạ Ròn và Tu Tra có diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ lẻ. Ngoài ra, một số cán bộ lãnh đạo ở địa phương này cho rằng việc buông lỏng quản lý khai thác đất đá gây thất thoát nguồn thu của Nhà nước là do… COVID-19.

Chính quyền vì tập trung chống dịch nên một số cá nhân đã lợi dụng sơ hở để khai thác vận chuyển đất trái phép. Cách lý giải này gây búc xúc dư luận vì việc khai thác trái phép kéo dài đã nhiều năm và quy mô khá lớn, tác động rất lớn đến đời sống, giao thông, an ninh của địa phương.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng có báo cáo gửi UBND tỉnh về kết quả kiểm tra, xác minh thông tin do phóng viên TTXVN phản ánh về tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất, đá tại huyện Đơn Dương; đề xuất với tỉnh giao cho UBND huyện Đơn Dương tiếp tục làm rõ nhiều vấn đề.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng, ngay sau khi phóng viên TTXVN có một số bài viết phản ánh về hoạt động khai thác khoáng sản lậu ở Đơn Dương thì cơ quan này đã có văn bản đề nghị UBND huyện kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền.

Ngày 26/11, UBND huyện Đơn Dương có báo cáo, theo đó, tại xã Đạ Ròn có một trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác vận chuyển khoáng sản trái phép. Vị trí san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép theo phóng viên TTXVN phản ánh là thuộc một phần thửa đất số 9, tờ bản đồ số 30, chủ sử dụng đất là ông Nguyễn Anh Dũng (Công ty TNHH Quốc Khánh, trú ở thôn Phú Thạnh, xã Hiệp Thạnh, huyện Đức Trọng).

Tại thửa đất trên, ông Dũng tự ý san gạt, cải tạo mặt bằng trái phép với diện tích khoảng 490m2, bờ taluy cao 4-5m; hiện ông Dũng đã ngưng mọi hoạt động san gạt, cải tạo mặt bằng. Vào ngày 18/11, khi làm việc với UBND xã, ông Dũng cho rằng "chỉ thực hiện vận chuyển đất san lấp tại chỗ, lấy phần đất cao đổ qua phần đất trũng đế sản xuất nông nghiệp".

UBND huyện Đơn Dương thì cho rằng có 1 trường hợp được san gạt, cải tạo mặt bằng (đã và đang thực hiện, có dấu hiệu lợi dụng khai thác, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản); 2 trường hợp san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác, vận chuyển khoáng sản trái phép.

Đặc biệt, theo huyện báo cáo, tại thôn Kambuotte (xã Tu Tra) trên một phần thửa đất số 492 ở tờ bản đồ số 26, tại thời điểm kiểm tra “không có phương tiện khai thác khoáng sản tại hiện trường, không có tác động mới. Việc san gạt, cải tạo mặt bằng; khai thác khoáng sản trái phép có xảy ra và đã được UBND xã lập thủ tục xử phạt hành chính".

Tại vị trí khai thác khoáng sản trái phép thứ hai thuộc một phần Tiểu khu 339, việc kiểm tra cho thấy có sự san gạt, cải tạo mặt bằng chiếm đất trái phép; UBND xã đã lập thủ tục xử lý hành chính. Qua phản ánh của người dân và phóng viên TTXVN, hoạt động khai thác lậu khoáng sản diễn ra với quy mô rầm rộ, nhiều xe ra vào khai thác.

Tuy nhiên, trong văn bản báo cáo lên tỉnh, huyện Đơn Dương cho rằng "việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá trái phép là có diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, phần đất dôi dư trong lúc cải tạo mặt bằng tại một số khu vực Thôn 3, xã Đạ Ròn và thôn Bokabang, Đahoa, xã Tu Tra".

Về thực trạng đường giao thông từ Quốc lộ 20, đoạn qua huyện Đức Trọng nối qua xã Tu Tra  và Đạ Ròn, huyện Đơn Dương) bị hư hỏng, theo UBND huyện Đơn Dương, nguyên nhân là "do dịch COVID-19, tại địa bàn thị trấn Thạnh Mỹ phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 (2 đợt) và một đợt của xã Hiệp Thạnh (huyện Đức Trọng), xe không được lưu thông qua Thạnh Mỹ mà phải phân luồng đi theo hướng xã Tu Tra, xã Đạ Ròn dẫn đến quá tải làm đường hư hỏng nặng".

UBND huyện Đơn Dương cũng báo cáo, thời gian qua, huyện đã thường xuyên chỉ đạo tăng cường công tác quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản; nghiêm túc thực hiện chế tài với các vi phạm trong lĩnh vực đất đai, khoáng sản, san gạt, cải tạo mặt bằng.

"Tuy nhiên, do đại dịch COVID-19 xảy ra trên địa bàn nên các lực lượng tập trung vào phòng chống dịch, một số cá nhân đã lợi dụng để khai thác vận chuyển đất trái phép. Việc UBND xã Tu Tra, xã Đạ Ròn để việc san gạt, cải tạo mặt bằng chở đất đi là không đúng quy định, UBND huyện sẽ xem xét xử lý theo quy định".

Về xử lý vi phạm trong san gạt, cải tạo mặt bằng và khai thác khoáng sản trái phép. UBND xã Tu Tra và UBND huyện Đơn Dương đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với nhiều trường hợp với tổng số tiền lên đến hàng chục triệu đồng. 

Đơn cử như ngày 21/9/2021, UBND xã Tu Tra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Lê Hồng Thanh Bình với số tiền 2 triệu đồng về hành vi làm biến dạng địa hình. Ngày 9/10/2021, UBND huyện Đơn Dương đã ban hành quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với ông Vũ Quang Trí với số tiền 6 triệu đồng về hành vi chiếm đất rừng sản xuất…

Theo thực tế hiện trường còn để lại và thông qua hình ảnh, video phóng viên TTXVN ghi được hoặc do người dân cung cấp có thể thấy rằng việc san gạt đã kéo dài, có quy mô lớn. Tuy nhiên tại Báo cáo số 421/BC- UBND huyện Đơn Dương chỉ cho rằng việc san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá trái phép là có diễn ra nhưng ở quy mô nhỏ lẻ, phần đất dôi dư trong lúc cải tạo mặt bằng tại một số khu vực ở Thôn 3 (xã Đạ Ròn) và các thôn Bokabang, Đa hoa (xã Tu Tra, huyện Đơn Dương).

Báo cáo của UBND huyện Đơn Dương chưa thực sự khách quan, thuyết phục dư luận khi lấy lý do chống dịch COVID-19 mà buông lỏng quản lý khai thác khoáng sản. Ngoài ra, người dân địa phương phản ánh, các địa điểm san gạt, khai thác khoáng sản diễn ra trong thời gian dài, hằng năm chứ không phải lén lút, diễn ra chớp nhoáng.

Theo UBND huyện Đơn Dương, huyện sẽ nghiêm túc tiếp thu và tăng cường công tác chỉ đạo kiểm tra trong thời gian tới. Để tăng cường công tác quản lý tại địa phương, UBND huyện sẽ tiếp tục chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm đối với địa phương và cơ quan liên quan để xảy ra tình trạng san gạt, cải tạo mặt bằng, khai thác đất đá trái phép mà không xử lý triệt để; 

Yêu cầu UBND các xã, thị trấn và các phòng, ban liên quan thực hiện nghiêm Chỉ thị của UBND tỉnh Lâm Đồng về tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, ngăn chặn, xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động khai thác khoáng sản, tài nguyên nước, sử dụng đất đai và bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

Cùng với đó, giao Công an huyện có trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành, xã liên quan xác minh rõ việc bao che các hành vi (nếu có) để xử lý nghiêm theo quy định; trường hợp đảm bảo các điều kiện thì khởi tố hình sự nhằm đảm bảo tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục