Phản hồi về vụ lợn nhiễm chất cấm tuồn vào lò mổ ở Bình Dương

16:56' - 17/05/2016
BNEWS Liên quan vụ lợn nhiễm chất cấm tuồn vào hai lò giết mổ, ngành thú y Bình Dương đã truy xuất nguồn gốc đối với lợn của hộ nuôi Đặng Đình Khiêm (Ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng).
Nhiều hộ chăn nuôi chân chính bị vạ lây do chất cấm.Ảnh minh họa: TTXVN

Ngày 17/5, ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương cho biết như vậy. Tại thời điểm kiểm tra, kết quả test nhanh đàn lợn của ông Khiêm âm tính với chất cấm.

Trước đó, ngày 15/5 TTXVN đã đưa tin về vụ lợn nhiễm chất cấm tuồn vào hai lò giết mổ ở thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Cơ sở giết mổ đã khai mua lợn từ cơ sở của  ông Đặng Đình Khiêm (Ấp Cầu Sắt, xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng).

Ông Cường cho rằng, sở dĩ xảy ra hiện tượng này có thể do thương lái các lò mổ mua lợn của hộ nuôi bằng chất cấm và do lời khai chưa đúng đối tượng hoặc đánh tráo lợn trong lúc giết mổ. Việc "khai láo" này đã khiến những hộ dân chăn nuôi chân chính bị vạ lây.

Riêng hai lò mổ bị phát hiện lợn đưa vào giết mổ nhiễm chất cấm, cơ quan chức năng đã ra quyết định xử lý phạt nặng.

Theo ông Đặng Đình Khiêm, chủ trang trại nuôi hàng trăm con lợn thịt tại xã Lai Hưng, huyện Bàu Bàng (Bình Dương), chiều ngày 11/5, lò mổ của Đỗ Văn Thuyên có nhập 20 con lợn của cơ sở. Tuy nhiên, đến tối giết mổ, cơ quan chức năng phát hiện 15 con lợn bị nhiễm chất cấm.

Qua lời khai trong văn bản của cơ quan chức năng, đến chiều ngày 12/5, lực lượng thú y thị xã Bến Cát do ông Nguyễn Văn Hiền – Trưởng trạm Thú y Bến Cát làm trưởng đoàn đã tiến hành kiểm tra đối với cơ sở chăn nuôi của ông Khiêm, nhưng cho kết quả âm tính với chất cấm.

“Do đó, nguồn hàng bị nhiễm chất cấm tại cơ sở lò mổ không liên quan đến đàn lợn của cơ sở chăn nuôi của chúng tôi.” - ông Khiêm giãi bày.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Trần Phú Cường cho biết thêm, thời gian gần đây, trên địa bàn tỉnh vẫn còn xuất hiện những hộ nhỏ lẻ, manh mún sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Do vậy cần ngăn ngừa sử dụng chất cấm, tránh rủi ro cho những hộ chăn nuôi chân chính.

Thời gian qua, ngành thú y đã tăng cường test nhanh tại chuồng. Riêng Trạm thú y trên địa bàn Bến Cát đã triển khai kiểm tra đối với 16 cơ sở giết mổ và hộ chăn nuôi có nghi vấn trong tháng 5/2016.

Đến nay, kết quả kiểm tra đã phát hiện 2 cơ sở vi phạm; còn 14 cơ sở khác âm tính với chất cấm. Đối với các hộ không bị chất cấm sẽ được cấp giấy chứng nhận thú y, cho giải phóng đàn lợn.

Cũng theo ông Cường, để không bị chất cấm làm ảnh hưởng đến hoạt động chăn nuôi, mua bán, những người chăn nuôi cần lưu ý sử dụng các nguồn thức ăn chăn nuôi hay các thuốc thú y nên sử dụng các sản phẩm đã được đăng ký và có cấp phép lưu hành.

Ngoài ra, không được sử dụng các loại thức ăn không có nhãn mác bán trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, các thương lái để tránh mua lợn sử dụng chất cấm, chất tạo nạc thì nên sử dụng test nhanh trước khi mua lô hàng đưa vào giết mổ.

Theo Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương, hiện nay trên địa bàn tỉnh đang có gần 500 trang trại chăn nuôi lợn với tổng đàn hơn 457.000 con; trong đó, có 293 trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn và 147 trang trại tư nhân. Bên cạnh đó, có 3.160 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với gần 100.000 con.

Tuy nhiên, trước thực trạng chất cấm đang “bủa vây” thời gian qua đang gây ảnh hưởng đến toàn ngành chăn nuôi đang phát triển trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhất là các hộ chăn nuôi lành mạnh.

Trước thực trạng này, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Bình Dương đã đề xuất các phương án cho các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung cần chọn con giống lành mạnh. Đặc biệt, chọn nguồn cung cấp thức ăn chân chính, an toàn không chất cấm. Bên cạnh đó, trong thời gian tới cần kiểm soát nghiêm ngặt hơn việc sử dụng kháng sinh trong chăn nuôi./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục