Phân tích quan hệ thương mại giữa Nga và Trung Quốc

05:30' - 21/01/2019
BNEWS Giám đốc Sở phân tích Trung tâm Tài chính quốc tế Roman Blinov cho rằng, đối với Trung Quốc, Nga vẫn chỉ là đối tác hàng hóa-nguyên liệu hơn là đối tác toàn cầu.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Xinhua/TTXVN

Trang Expert.ru cho biết Nga đứng đầu trong top 10 đối tác then chốt của Trung Quốc. Số liệu của Cơ quan phân tích thống kê thuộc Hải quan Trung Quốc cho thấy, kim ngạch hàng hóa giữa Nga và Trung Quốc năm 2018 tăng 27,1% lên 107 tỷ USD.
Trong danh mục xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga năm 2018 đứng đầu là hàng điện máy, còn trong nhập khẩu dầu, than và gỗ chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Cũng theo thông tin trên, xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga trong  năm 2018 tăng 12% lên hơn 47,97 tỷ USD và nhập khẩu từ Nga tăng 42,7% lên 59,08 tỷ USD.
Như vậy là kim ngạch thương mại Nga-Trung đã vượt kim ngạch thương mại Nga - Đức (đạt khoảng 68 tỷ USD năm 2018). Tuy nhiên, Giám đốc Sở phân tích Trung tâm Tài chính quốc tế Roman Blinov, cho rằng đối với Trung Quốc Nga vẫn chỉ là đối tác hàng hóa-nguyên liệu hơn là đối tác toàn cầu.
Theo thông tin của tờ Bild và Spiegel, hơn 2/3 doanh nghiệp Đức hoạt động tại thị trường Nga cho rằng xuất khẩu của Đức và kim ngạch chung giữa Nga và Đức sẽ tiếp tục trì trệ và thậm chí giảm. Trong bối cảnh đó thương mại với Trung Quốc tăng là một “điểm sáng”. 
Bước sang năm 2019, theo ông Blinov, tình hình sẽ phụ thuộc vào độ bền vững của đồng nội tệ Nga và xu thế đối đầu thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, cũng như cuộc “chiến tranh lạnh” giữa Nga và Mỹ. 
Tuy nhiên, giới chuyên gia chỉ ra mặt trái của con số trên 100 tỷ USD kim ngạch Nga - Trung. Đó là Nga đang ngày càng trở thành  kho cung cấp nguyên liệu cho Trung Quốc. Nhìn vào cơ cấu xuất khẩu, 77% là hàng khoáng sản, trong khoáng sản thì 97% là dầu mỏ và sản phẩm dầu, 3% là than đá. 
Đứng thứ hai trong xuất khẩu là gỗ ván, với 6,6% theo con số chính thức của hải quan, song nếu tính đến thị trường xuất khẩu bất hợp pháp và bán hợp pháp gỗ và gỗ quý thì tỷ lệ này phải lên đến 12-13%. Nga còn xuất khẩu sang Trung Quốc giấy, nhựa, kim loại, hóa chất (chủ yếu là phân bón).
Đáng chú ý, sản phẩm có giá trị gia tăng cao, như ô tô và phụ tùng chỉ chiếm 2,6% xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi tỷ lệ này là 20% trong xuất khẩu sang Ấn Độ. Ấn Độ nhập từ Nga thiết bị chính xác cao, sử dụng trong ngành điện, còn Trung Quốc chỉ cần nhập tài nguyên. Nhà cung cấp chính máy móc và công nghệ cho Trung Quốc là Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ. Để so sánh có thể dẫn ra kim ngạch Mỹ - Trung năm 2018 dù trong điều kiện “cuộc chiến thương mại” vẫn tăng 8,5%, đạt 633,52 tỷ USD.
Kim ngạch thương mại Nga - Trung tăng chủ yếu nhờ giá điện tăng trong năm ngoái, trong khi đó cơ cấu kim ngạch không thay đổi về chất. Nga vẫn bán sang Trung Quốc nguồn tài nguyên của mình và nhập lại hàng hóa tiêu dùng. 
Cho dù vào thời điểm quan hệ với EU và Mỹ căng thẳng, Nga đẩy mạnh đường lối xoay trục sang phía Đông, xây dựng những kế hoạch quy mô để tăng đầu tư Trung Quốc vào nền kinh tế Nga, song trong thực tế đỉnh cao đầu tư Trung Quốc vào Nga (năm 2016) chỉ đạt 350 triệu USD, trong khi hàng năm Trung Quốc đầu tư ra toàn thế giới vào khoảng 150-200 tỷ USD.
Giới chuyên gia Nga cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế của Trung Quốc tiếp tục hạ nhiệt rất nhanh, và hiện cũng đang gặp quá nhiều vấn đề nên không thể đủ khả năng giúp đỡ khôi phục một nền kinh tế nước khác. Với thực tại hiện nay, Nga vẫn chỉ là thị trường tiêu thụ hàng hóa và cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho Trung Quốc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục