Pháp đảm bảo an toàn các nhà máy điện hạt nhân

05:30' - 23/03/2019
BNEWS Cơ quan An toàn Hạt nhân Pháp (ASN) vừa quyết định gia hạn thêm 2 năm để Tổng Công ty Điện lực (EDF) hoàn thành việc trang bị tổ máy phát điện khẩn cấp chạy dầu diesel cho các lò phản ứng hạt nhân.
Nhà máy điện hạt nhân Fukushima ở tỉnh Fukushima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Ngành công nghiệp hạt nhân phải chăng đã rút ra được bài học từ thảm họa Fukushima tại Nhật Bản ngày 11/3/2011? Tại Pháp, ASN đã ngay lập tức yêu cầu các nhà sản xuất điện hạt nhân phải củng cố các cơ sở của mình. Thế nhưng 8 năm sau đó, các quy định nhằm tăng cường an toàn chỉ mới được thực hiện một phần.

Vì vậy trong một quyết định ngày 19/2 vừa qua, ASN đã cho EDF thêm thời hạn 2 năm để lắp đặt thiết bị khẩn cấp cho tất cả các lò phản ứng hạt nhân. Đây thực chất là những tổ máy phát điện chạy diesel, được thiết kế để đảm bảo cung cấp năng lượng cho nhà máy trong trường hợp tất cả các nguồn điện khác bị cắt.

Thiết bị khẩn cấp này là một phần của "lõi cứng" mà ASN đã yêu cầu phải được lắp đặt vào tháng 6/2012, sau khi đã thực hiện các đánh giá về biện pháp an toàn bổ sung sau thảm họa ở Nhật Bản.

ASN khi đó đã ước tính rằng tất cả các cơ sở hạt nhân của Pháp có thể tiếp tục hoạt động, nhưng cần phải "tăng cường đáng kể biên độ an toàn", nhằm nâng cao sức chịu đựng khi đối mặt với các hiện tượng cực đoan như động đất, lũ lụt hoặc giông bão.

Nguyên lý của “lõi cứng” này nhằm đảm bảo rằng các chức năng an toàn quan trọng, đặc biệt là cung cấp điện và nước, phải luôn hoạt động trong mọi trường hợp, tránh mất khả năng làm lạnh có thể gây ra sự tan chảy của lõi lò phản ứng như ở Fukushima, hoặc sự đốt nóng nhiên liệu trong các bể chứa.

Theo ông Etienne Dutheil, Giám đốc phụ trách điện hạt nhân của EDF, thảm họa Fukushima đã dẫn đến một chương trình cải tổ quan trọng đối với nhiều nhà máy hạt nhân. Chương trình này đang đi đúng hướng. Giai đoạn đầu tiên được hoàn thành và những giai đoạn sau đang được tiến hành. 

Tuy nhiên, còn rất nhiều việc phải làm. Cho đến nay mới chỉ có việc thành lập một "lực lượng phản ứng nhanh" đã hoàn thành. Kể từ cuối năm 2012, đội ngũ gồm 300 thành viên này được huấn luyện trong các tình huống khẩn cấp và được phân công làm việc trong 4 nhà máy tại Civaux (tỉnh Vienne), Dampierre (tỉnh Loiret), Bugey (tỉnh Ain) và Paluel (tỉnh Seine-Maritime).

Họ có khả năng triển khai trong vòng chưa đầy 24 giờ tại bất kỳ khu vực đồi núi nào để mang theo đồ cứu trợ (thiết bị cấp nước và điện) cùng nhân lực tiếp viện. Việc triển khai lực lượng đặc biệt này đòi hỏi một loạt cải tổ trong các nhà máy điện hạt nhân.

Tuy nhiên, các tổ máy phát điện khẩn cấp chạy diesel mà ASN đã yêu cầu phải được lắp đặt trước khi hết năm 2018, mới chỉ hoạt động tại 2 lò phản ứng của nhà máy điện Saint-Laurent-des-Eaux (tỉnh Loir-et-Cher). Để trang bị cho tất cả 54 lò phản ứng khác – trừ 2 lò tại Fessenheim (tỉnh Haut-Rhin) dự kiến sẽ đóng cửa vào năm 2020, EDF đã đề nghị lùi thời hạn đến ngày 31/12/2020.

Đây không đơn thuần là máy phát điện tiêu chuẩn thông thường, mà là cấu trúc nặng với độ cao 24 m có thể trụ vững trong mọi thử thách. Tổng chi phí để mua các thiết bị chạy dầu diesel này lên đến 2 tỷ euro. Trước khi chúng được vận hành, ASN đòi hỏi EDF phải tăng cường hành động để cải thiện độ tin cậy của các nguồn năng lượng hiện có. Tổ máy phát điện khẩn cấp chạy dầu diesel là phương sách cuối cùng.

Ngoài 5 nguồn đã có sẵn tại các nhà máy điện hạt nhân của Pháp, bao gồm một đường dây cao thế chính, một đường dây cao thế phụ, hai máy phát điện chạy dầu diesel và, tùy trường hợp, một máy phát chạy dầu diesel bổ sung hoặc một tuabin chạy khí gaz. Mỗi nguồn phải đủ để đảm bảo vận hành các thiết bị an toàn.

Một yêu cầu khác của ASN, các hệ thống cấp nước làm lạnh khẩn cấp được lấy từ nguồn nước ngầm nông hoặc từ các lưu vực. Hiện tại, mới chỉ có một nguồn dự phòng như vậy tại nhà máy điện Flamanville (tỉnh Manche). Các lò phản ứng khác dự kiến sẽ được cung cấp vào năm 2021.

Bên cạnh đó, EDF phải thúc đẩy việc xây dựng các trung tâm xử lý khủng hoảng được boong-ke hóa, nơi nhân viên nhà máy có thể tiếp tục điều hành các lò phản ứng và các biện pháp cứu trợ trong trường hợp xảy ra tai nạn. Hiện nay chỉ có nhà máy Flamanville có trung tâm này, các nơi khác dự kiến sẽ được xây dựng từ nay đến 2024. 

Các dự án hiện đại hóa và cải tiến an toàn trên nhằm kéo dài tuổi thọ của các lò phản ứng lên 50-60 năm, thay vì 40 năm như mục tiêu ban đầu. Cùng với việc bảo trì các nhà máy, EDF dự kiến tổng chi phí 45 tỷ euro trong giai đoạn 2014-2025, tương đương khoảng 4 tỷ euro mỗi năm./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục