Pháp dự kiến đầu tư 1,8 tỷ euro cho công nghệ lượng tử

06:58' - 22/01/2021
BNEWS Số tiền mà Tổng thống Emmanuel Macron ngày 21/1 hứa hẹn sẽ đầu tư vào công nghệ lượng tử vượt quá kỳ vọng của ngành.

Theo các chuyên gia, Pháp có nhiều điểm mạnh - song cũng có những điểm yếu - để xây dựng một hệ sinh thái lượng tử đẳng cấp thế giới.

Để thực hiện "một kế hoạch lớn" trong lĩnh vực đầy hứa hẹn này, các trung tâm nghiên cứu, công ty khởi nghiệp và các tập đoàn sản xuất công nghiệp sẽ được cấp ngân sách 1,8 tỷ euro trong vòng 5 năm.

Con số này ít hơn ở Mỹ, nơi chính quyền liên bang đầu tư 1,2 tỷ USD trong giai đoạn 2018-2023, chưa kể các tập đoàn công nghệ Google, IBM, Microsoft và Amazon cũng đang tham gia vào các nỗ lực nghiên cứu.

Tuy nhiên, số tiền này nhiều hơn Canada, Thụy Sĩ và Anh. Ở châu Âu, chỉ có Đức là cam kết hơn Pháp với khoản đầu tư dự kiến 2 tỷ euro trong giai đoạn 2020-2021, theo hiệp hội France Digitale.

Văn phòng Tổng thống Pháp nhấn mạnh rằng lượng tử là một lĩnh vực sẽ khởi nguồn cho những biến đổi rất mạnh, bao gồm cả những biến đổi kinh tế.

Vì vậy, nếu Pháp không xác định được chỗ đứng trong vòng 5 đến 10 năm tới, tất yếu sẽ bị "mất chủ quyền" khi các quốc gia khác đầu tư rất nhiều vào lĩnh vực này.

Kế hoạch của Pháp tập trung vào các nghiên cứu nhằm mục đích làm cho các máy tính lượng tử nổi tiếng có thể sử dụng được - mà sức mạnh tính toán của nó có thể vượt trội so với các siêu máy tính truyền thống, nhưng cũng để phát triển các cảm biến lượng tử có độ chính xác vô song và mạng lưới liên lạc lượng tử bất khả xâm nhập.

Một năm trước, một báo cáo quốc hội do nghị sĩ Paula Forteza trình bày đã khuyến khích chính phủ đẩy mạnh một bước trong cuộc cách mạng này.

Mong ước của ngành công nghệ này hiện đã trở thành hiện thực, thậm chí vượt quá dự tính 1,4 tỷ euro ban đầu.

Cho đến nay, chính phủ Pháp đã đầu tư khoảng 60 triệu euro/năm vào những công nghệ tiên tiến. Kế hoạch mới cho phép tăng gấp ba khoản hỗ trợ : Nhà nước và các tổ chức nghiên cứu sẽ cung cấp 1 tỷ euro, tương đương 200 triệu/năm.

Số tiền 800 triệu euro còn lại sẽ đến chủ yếu từ các nhà công nghiệp trong lĩnh vực này, trong khi chính phủ dự kiến 200 triệu từ quỹ trợ cấp châu Âu.

Với các nhà vật lý nổi tiếng thế giới như Alain Aspect và Serge Haroche, các tập đoàn Atos và Thales chuyên về thiết kế các công nghệ lượng tử, các công ty EDF, Total và Orano chuyên về ứng dụng, chưa kể đội ngũ các công ty khởi nghiệp, Pháp có lợi thế lớn trong việc xây dựng một hệ sinh thái lượng tử đẳng cấp thế giới.

Nhưng Pháp cũng có những điểm yếu, đặc biệt là nguồn tài chính không đủ cho các công trình nghiên cứu.

Do đó, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế mạnh mẽ, phần lớn nội dung của kế hoạch lượng tử mới sẽ hướng đến công việc nghiên cứu.

Chính phủ dựa vào các công cụ được thực hiện từ hai năm qua của kế hoạch Trí tuệ nhân tạo. Cụ thể, mỗi năm chính phủ sẽ tài trợ đào tạo hơn 150 nhà nghiên cứu trẻ.

"Kế hoạch này là một tín hiệu mạnh mẽ cho phép chúng ta tập hợp các nguồn năng lượng", theo ông Charles Beigbeder, nhà sáng lập quỹ đầu tư Quantonation.

Việc Nhà nước hỗ trợ đào tạo các nhà nghiên cứu trẻ trấn an ban lãnh đạo quỹ đầu tư trên, vốn lo ngại rằng số lượng các nhà nghiên cứu sẵn sàng triển khai các công ty khởi nghiệp sẽ cạn kiệt.

Được coi là lĩnh vực hứa hẹn nhất, điện toán lượng tử chiếm phần quan trọng trong kế hoạch của chính phủ. Trên tổng số 1,8 tỷ euro, 350 triệu sẽ dành cho sự phát triển các mô phỏng lượng tử và 430 triệu dành cho máy tính lượng tử.

Số còn lại sẽ tài trợ các hoạt động liên quan đến cảm biến, mạng lưới liên lạc và an ninh mạng trong thời đại công nghệ này.

Trong khi chờ đợi một chiến lược mang tầm châu Âu, sự lựa chọn của Pháp bổ sung cho kế hoạch của Đức vốn rất ủng hộ lĩnh vực truyền thông lượng tử. Tất cả chưa dừng lại ở đó. Số tiền đầu tư có thể thay đổi trong trường hợp một khám phá khoa học lớn được công bố./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục