Pháp phản ứng về hoạt động đánh bắt cá hậu Brexit

19:14' - 10/12/2021
BNEWS Bộ trưởng phụ trách các vấn đề châu Âu của Pháp Clement Beaune cho rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tìm cách cô lập Pháp trong tranh cãi về giấy phép đánh cá hậu Brexit cho ngư dân Pháp.

Ông Clement Beaune ngày 10/12 cho biết nước này sẽ đề nghị Liên minh châu Âu (EU) triển khai hành động pháp lý đối với Vương quốc Anh nếu quốc gia này không cấp thêm giấy phép đánh bắt cá trước hạn chót cùng ngày mà Ủy ban châu Âu (EC) đặt ra.

Phát biểu trên đài phát thanh France Info, Bộ trưởng Beaune cho rằng Thủ tướng Anh Boris Johnson đã tìm cách cô lập Pháp trong tranh cãi về giấy phép đánh cá hậu Brexit (chỉ việc Anh rời EU) cho ngư dân Pháp. Pháp vẫn đang đợi Anh phê duyệt gần 100 giấy phép cho ngư dân nước này hoạt động tại vùng biển Anh.

Ông Beaune cảnh báo nếu hạn chót bị kéo dài, Pháp sẽ đề nghị EC bắt đầu các hành động pháp lý nhằm vào Anh vào cuối tuần này.

Trước đó một ngày, Bộ trưởng Hàng hải Pháp Annick Girardin cho hay Pháp sẽ hối thúc EC đưa vấn đề ra một ủy ban chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi thỏa thuận thương mại Brexit (gồm các đại diện Anh và EU) để phân xử. Nếu phía Anh không hợp tác, Pháp sẽ đề nghị EC triển khai các thủ tục pháp lý đối với Anh, một động thái sẽ mất nhiều thời gian.

Về phần mình, người phát ngôn của Thủ tướng Johnson khẳng định Anh chưa bao giờ đặt ra hạn chót trong việc giải quyết vấn đề cấp phép này.

Tranh chấp về cấp phép đánh bắt cá thời kỳ hậu Brexit là một phần trong quan hệ kém thuận lợi gần đây giữa Anh và Pháp. Tình trạng đã kéo dài trong nhiều tháng sau khi Chính phủ Anh không cấp phép cho một số tàu thuyền nhỏ của Pháp đánh cá trong vùng biển của Anh như đã cam kết trong thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU.

Pháp cho hay Anh chỉ cấp một nửa số giấy phép đánh bắt mà nước này được hưởng theo thỏa thuận. Trong khi Anh cho biết đã cấp giấy phép cho gần 1.700 tàu của EU đánh bắt cá trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này từ ngày 31/12/2020, tương đương giải quyết tới 98% các đơn xin cấp phép của EU, Pháp khẳng định số còn lại không được cấp chủ yếu là tàu thuyền của Pháp.

Phía Anh cho biết chỉ từ chối cấp phép cho các tàu thuyền không chứng minh được lịch sử đánh cá trong vùng biển của Anh trước Brexit, trong khi Pháp cho rằng Anh cố tình kéo dài quy trình cấp phép và nhằm chủ yếu vào các tàu đánh cá của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục