Vì sao Anh và EU vẫn mắc kẹt trong thoả thuận “Brexit bất tận”?

05:30' - 28/11/2021
BNEWS Hơn 5 năm trôi qua kể từ khi người Anh lựa chọn rời khỏi EU, Vương quốc Anh và EU tiếp tục đàm phán nhiều điều khoản về cuộc “ly hôn”, như thể sự tan vỡ này chẳng bao giờ được kết thúc.
Quốc kỳ Anh (phía trước) và cờ Liên minh châu Âu (EU) bên ngoài tòa nhà Quốc hội Anh ở London ngày 19/10/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Báo Le Monde ngày 23/11 có bài viết “Liên minh châu Âu đối mặt với Brexit bất tận” của Thủ tướng Boris Johnson, trong đó nhận định hai năm sau Brexit (chỉ việc Anh rời EU), Liên minh châu Âu (EU) vẫn phải đối mặt với thách thức từ phía Anh trong vấn đề Bắc Ireland. 


Vương quốc Anh đang tìm cách chia rẽ EU, trong khi cho đến nay Ủy ban châu Âu (EC) vẫn lựa chọn con đường hòa giải. 
Bài viết cho rằng các rắc rối hậu Brexit là một câu chuyện không có hồi kết. Hơn 5 năm trôi qua kể từ khi người Anh lựa chọn rời khỏi EU, Vương quốc Anh và EU tiếp tục đàm phán nhiều điều khoản về cuộc “ly hôn”, như thể sự tan vỡ này chẳng bao giờ được kết thúc. 
Sau các cuộc đàm phán dài lê thê và đầy khó khăn, trắc trở, hai thỏa thuận đáng lẽ đã được ký kết vào tháng 10/2019 và sau đó đến tháng 12/2020, Anh và nhóm 27 quốc gia về lý thuyết đã phải nhanh chóng định hình mối quan hệ song phương và cho phép hai bên có một xuất phát điểm mới.
Tất nhiên, sau Brexit, Anh đã rời các tổ chức châu Âu. Nhưng Chính phủ của ông Johnson tiếp tục thách thức các thỏa thuận đã ký kết, cho dù chúng đã được các nghị sĩ ở Westminster thông qua. 
Chẳng hạn, ông Johnson muốn đàm phán lại Nghị định thư cực nhạy cảm về Bắc Ireland, một thỏa thuận phức tạp và khập khiễng, nhưng không ai có thể tìm được một văn bản tốt hơn.

Nghị định thư này giúp xoá bỏ đi ý tưởng về đường biên giới cứng giữa hai miền Ireland và tôn trọng thỏa thuận hòa bình giữa Dublin và Belfast, đồng thời cung cấp quy chế kép cho Bắc Ireland để vừa là một phần của Anh và tiếp tục nằm trong EU để có thể trao đổi hàng hóa, bảo lưu quyền kiểm soát trên biển (mà nhóm 27 nước ủy quyền cho Anh) giữa Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Ngoài vấn đề về các biện pháp kiểm soát, ông Johnson cũng đưa ra nhiều yêu sách mà Brussels cho là không thể chấp nhận được. Ông không chấp nhận việc đất nước ông phải tuân theo các quyết định của Tòa án Công lý của EU (liên quan đến việc Bắc Ireland tiếp tục nằm lại thị trường nội khối). Cuối cùng, Thủ tướng Anh thậm chí còn dọa sẽ kích hoạt Điều 16 của Nghị định thư, cho phép đơn phương đình chỉ hiệu lực nếu Brussels không đồng ý sửa lại văn bản.
Về phần mình, các nước châu Âu đã không sa vào cuộc đấu giá và đang tự nhủ sẵn sàng thực hiện bất kỳ nỗ lực nào để tìm ra một thỏa hiệp. Tuy nhiên, EU cũng nhấn mạnh điều kiện rằng sẽ không có sự thỏa hiệp đối với hòa bình ở Ireland, và không gây nguy hiểm cho thị trường nội khối bất khả xâm phạm, nơi mà Bắc Ireland có thể là một cửa ngõ thiếu công bằng nếu các biện pháp kiểm soát không được tuân thủ. “Những gì đang được cân nhắc ở đây chắc chắn là một phần của EU”, chuyên gia Elvire Fabry thuộc Viện nghiên cứu châu Âu Jacques-Delors khẳng định. 
Do vậy, EC, trong khi vẫn bảo lưu các biện pháp sẵn sàng trả đũa Anh nếu Điều 16 được kích hoạt, đã chấp nhận tiếp tục đàm phán với Chính phủ Anh.
EC hiện đã sẵn sàng nới lỏng đáng kể việc kiểm soát hàng hóa đến từ Vương quốc Anh và dự định tiếp tục áp dụng như vậy đối với Bắc Ireland, đặc biệt với mặt hàng xúc xích Anh nổi tiếng. Tuy nhiên, sự suy giảm lòng tin giữa EU và Anh đã khiến những nỗ lực nhằm đi đến một thoả thuận trở thành một “canh bạc” thực sự.
"Dù điều gì xảy ra thì Anh sẽ vẫn là nước láng giềng của chúng tôi", một nhà ngoại giao châu Âu xác nhận. Do vậy, Brussels như đang phải tiến về phía trước trên một sợi dây mong manh mà vẫn phải đảm bảo thăng bằng. Trước hết, EC muốn chứng tỏ rằng EU đang làm mọi cách trong khả năng có thể để tìm ra giải pháp. "Nếu Anh từ chối cánh tay dang rộng của châu Âu, họ chỉ có thể tự trách mình. Còn chúng tôi buộc phải đi đến tận cùng của lý lẽ để đảm bảo sự thống nhất của 27 thành viên", một nguồn tin châu Âu kết luận.

Trên thực tế, Chính phủ Anh vẫn hy vọng sẽ chia rẽ được các thành viên EU. Quả thực đến nay, đã có không ít thành viên tỏ ra mệt mỏi với thỏa thuận “Brexit bất tận” này. Cộng hoà Ireland đang rất lo ngại những gì có thể xảy ra tiếp theo. Pháp là thành viên ngày càng có nhiều xung đột với Anh, nhất là trong vấn đề đánh bắt cá, nhập cư và đặc biệt sau sự xuất hiện của liên minh AUKUS (gồm Anh, Mỹ, Australia), sẽ đóng vai trò “một cảnh sát” như ví von của chuyên gia Elvire Fabry. 
Nói rộng hơn, Paris muốn biến Brexit trở thành một “tấm gương phản diện” để bất cứ thành viên nào có ý định rời bỏ EU cũng phải chán nản nhìn vào. Hà Lan và Đức tỏ ra ít hiếu chiến với Anh hơn so với Pháp. Và để ngăn họ tự phân ly, EC không còn lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi một chiến lược hòa giải.
Thông điệp từ một châu Âu luôn tìm kiếm giải pháp bằng mọi giá cũng được gửi tới Washington, nơi Anh đang nỗ lực gửi gắm một tương lai khác xa với EU. Trong khi ông Joe Biden thường nhắc đến nguồn gốc Ireland của mình và nhiều lần bày tỏ lo ngại Brexit đe dọa Hiệp định hòa bình Belfast, Brussels vẫn cố gắng thuyết phục ông Biden về thiện chí của mình, hy vọng ông có thể giúp tác động để đi đến những thoả thuận tốt hơn. 
Một mục tiêu khác trong chiến lược của châu Âu đó là việc EC đang muốn thuyết phục người Bắc Ireland rằng EU thực sự muốn tạo điều kiện cho họ trong khi ngược lại, Anh chỉ muốn theo đuổi một chính sách ý thức hệ. "Đề xuất (thỏa hiệp về các biện pháp kiểm soát) là một phần trong nhiều yêu cầu của các doanh nghiệp Bắc Ireland", nghị sĩ châu Âu Nathalie Loiseau xác nhận.
EC hy vọng sẽ thuyết phục Belfast về những thuận lợi mà quy chế kép tạo ra cho Bắc Ireland. "Trao đổi thương mại giữa hai miền Ireland đã phát triển nhờ quy chế thành viên thị trường nội khối. Bắc Ireland đã không phải trải qua tình trạng thiếu hụt từng diễn ra ở Vương quốc Anh", EC khẳng định.
Trong khi đó, nữ nghị sĩ Nathalie Loiseau nêu quan điểm: “Rủi ro là ở chỗ kinh tế Bắc Ireland đang cất cánh, trở thành mảnh đất hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, vì Bắc Ireland nằm trong cả thị trường Anh và thị trường nội khối châu Âu. Trong khi đó, Anh phải gánh chịu những hậu quả tai hại của Brexit từ năm này qua năm khác"./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục