Phát hành 1 triệu tín chỉ Các bon ra thị trường quốc tế

11:10' - 26/06/2018
BNEWS Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, đây là dự án có số lượng tín chỉ Các bon theo cơ chế tự nguyện lớn nhất thế giới về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khí sinh học.
Lễ công bố phát hành 1 triệu tín chỉ Các bon ra thị trường quốc tế. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Ngày 26/6, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Lễ công bố Phát hành trên thị trường quốc tế hơn 1 triệu tín chỉ Các bon theo cơ chế tự nguyện từ các công trình khí sinh học quy mô nông hộ Dự án Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam 2016 – 2020.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vũ Văn Tám cho biết, đây là dự án có số lượng tín chỉ Các bon theo cơ chế tự nguyện lớn nhất thế giới về giảm phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực khí sinh học.

Đây là dự án rất đặc biệt bởi ngoài việc đạt được các mục tiêu tổng thể, dự án đã đóng góp hơn 50% tổng kinh phí thực hiện dự án trong bối cảnh nguồn vốn viện trợ ODA giảm dần và nguồn đối ứng của Việt Nam ngừng phân bổ.
Việt Nam cùng với các quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp quốc về biến đổi khí hậu đã đệ trình “Báo cáo đóng góp dự kiến cho quốc gia tự quyết định” tại COP 21 tại Paris, Pháp năm 2015.
"Theo đó, Việt Nam cam kết giảm phát thải khí nhà kính 8% vào năm 2030 so với kịch bản phát triển thông thường. Mục tiêu có thể đạt trên 25% nếu có hỗ trợ quốc tế về tài chính và công nghệ, năng lực. Hướng đến phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững, tăng trưởng xanh, ứng phó với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính là một trong những nhiệm vụ ưu tiên của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn” - Thứ trưởng Vũ Văn Tám khẳng định.
Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, mục tiêu tổng thể của dự án là nhằm phát triển ngành khí sinh học định hướng thị trường và giảm phát thải khí nhà kính từ việc sản xuất chăn nuôi thông qua việc hỗ trợ xây dựng các công trình khí sinh học tại nông hộ.

Tổng số công trình khí sinh học được xây dựng và lắp đặt từ năm 2003 đến hết năm 2017 đạt trên 170.000 công trình trên 55 tỉnh, thành.
Theo ông Chinh, ngành chăn nuôi đóng góp 6% GDP của Việt Nam, đây là nguồn việc lớn để tăng thu nhập và xoá đói giảm nghèo cho người dân. Tuy nhiên, việc xử lý môi trường chăn nuôi rất khó khăn nên bảo vệ môi trường từ lâu đã là vấn đề trọng tâm trong định hướng phát triển bền vững của ngành.
Để quản lý chất thải chăn nuôi là một thách thức nhưng đó cũng là cơ hội để sản xuất năng lượng tái tạo và phân bón hữu cơ rất lớn. Khi các cơ sở không sử dụng chất thải này thì xử lý chất thải theo công nghệ khí sinh học là một giải pháp hữu hiệu để xử lý hiệu quả nhất.
Từ năm 2003, Chương trình Khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam đã được triển khai với nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Hà Lan, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan chủ quản và giao cục Chăn nuôi làm chủ đầu tư tổ chức thực hiện.
Dự án này đã đăng ký thành công kỳ phát hành lần 1 tín chỉ Các bon giảm phát thải khí nhà kính theo cơ chế tự nguyện với Tổ chức chứng nhận quốc tế Gold Standard với 5 đợt phát hành tín chỉ Các bon. Đến năm 2016, dự án tiếp tục phát hành được 2 đợt tín chỉ Các bon nữa với tổng số hơn 1,2 triệu tín chỉ Các bon thu về 2,5 triệu USD.
Giai đoạn 3 của dự án (2016 – 2020), tiếp tục có hơn 1 triệu tấn CO2 được giảm phát thải từ các công trình khí sinh học - tương đương 1 triệu tín chỉ được đệ trình lên Gold Standard thẩm định và chứng nhận phát hành.

Đến ngày 5/4/2018, Gold Standard chính thức công bố Dự án Chương trình khí sinh học cho ngành chăn nuôi Việt Nam 2016 – 2020 đã có tổng số 2.362.149 tín chỉ Các bon được chứng nhận phát hành./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục