Phát hiện 40 loài chim nước quý tại Vườn quốc gia Bến En

09:19' - 12/03/2017
BNEWS Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, Thanh Hóa phát hiện 40 loài chim nước đang làm tổ và kiếm ăn tại Vườn.
Sả đầu nâu (Halcyon smyrnensis) Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Sau 3 năm triển khai dư án khoa học công nghệ Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài chim nước (loài chim có đời sống gắn liền với nước), Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, Thanh Hóa phát hiện 40 loài chim nước đang làm tổ và kiếm ăn tại Vườn.

Vườn quốc gia Bến En thuộc khu hệ sinh thái Bắc Trường Sơn, nơi đây có nhiều sinh cảnh phù hợp cho sự di cư, làm tổ của các loài chim nước. Những kiến tạo địa hình và điều kiện tự nhiên phong phú đã hình thành vùng đất ngập nước hồ sông Mực (rộng 3.500 ha) có sinh cảnh đẹp hút hàng nghìn cá thể chim nước di cư đến làm tổ và kiếm ăn.

Các loài chim nước tại Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Hiện có 40 loài chim nước thuộc 6 bộ, 9 họ đang cư trú, làm tổ và kiếm ăn tại Vườn quốc gia Bến En. Trong đó, 27 loài được quan sát trực tiếp với tổng số lượng 3.271 cá thể, số lượng cá thể của các loài biến động từ 6-591 con, nhiều nhất thuộc về loài Cò Bợ với 591 cá thể, thấp nhất thuộc về các loài Cò Xanh, Cò Lửa, Choắt lớn...với 6 cá thể/loài.

Đặc biệt có nhiều loài chim có tên trong sách đỏ Việt Nam như Cốc đế (Pharacrocorax carbbo); Hạc cổ trắng (Ciconia episcopus); Cò lạo Ấn Độ (Mycteria leucocephala), Cò trắng Trung Quốc (Egretta eulopbotes); Cò nhạn (Anastomus oscitans); Bói cá lớn (Megaceryle lugubris.

Đây là những loài chim nước quý hiếm mà thiên nhiên ban tặng. Tuy nhiên, nhiều người dân sống quanh Vườn quốc gia Bến En vẫn đốt nương làm rẫy, khai thác lâm sản, thủy sản trái phép làm ảnh hưởng đến sinh cảnh sống của các loài chim nước, khiến số lượng chim nước ngày càng giảm đi.

Te vặt (Vanellus indicus) Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Trước thực trạng trên, Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En đã triển khai dự án khoa học công nghệ “ Điều tra, đánh giá hiện trạng và bảo tồn các loài chim nước tại Vườn (2013-2016) “để đưa ra giải pháp bảo tồn quần thể các loài chim nước.

Ban đầu, Ban quản lý vườn thực hiện nghiên cứu tài liệu về các loài chim nước đã có trước đó để đánh giá, chọn lọc thông tin; kết hợp phương pháp phỏng vấn người dân và điều tra, giám sát thực địa.

Sau đó, Ban quản lý thực hiện việc điều tra, quan sát trên 20 tuyến sinh cảnh xung quanh Vườn quốc gia Bến En để đánh giá sự có mặt, không có mặt của các loài chim nước để đưa ra giải pháp bảo tồn.

 Cò xanh (Butorides striatus) Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN

Ban quản lý phối hợp với các tổ chức như Đoàn Thanh niên, Hội phụ nữ, các trường học để lồng ghép các chương trình giáo dục tuyên truyền về bảo vệ rừng, phổ biến kiến thức nông, lâm nghiệp cho người dân địa phương; tổ chức 20 hội nghị (tại 20 thôn) quanh khu vực lòng hồ sông Mực để tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về bảo tồn của các loài chim nước.

Ban Quản lý Vườn thường xuyên tổ chức tập huấn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp về công về công tác bảo vệ rừng cho người làm nhiệm vụ bảo vệ rừng.

Ngoài ra, Ban quản lý vườn quốc gia bến En còn đưa ra nhiều phương án khác để ngăn chặn loài thực vật Mai Dương xâm lấn ra lòng hồ sông Mực; kiểm soát chặt việc đốt nướng làm rẫy, đánh bắt thủy sản của người dân sống quanh Vườn, đặt10 biển báo cấm tại các xã Xuân Thái, xã Hải Vân (Như Thanh) và xã Tân Bình, xã Bình Lương (Như Xuân).

Theo ông Lê Đình Phương, Phó Giám đốc Ban quản lý Vườn quốc gia Bến En, cho biết:

“Thời gian qua, Ban quản lý đã cấp phát các tờ rơi, tổ chức nhiều tuyến du lịch, để hướng dẫn người dân nhận biết về loài chim nước tại Vườn quốc gia Bến En. Trong năm 2017, Ban quản lý sẽ tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp mới để bảo tồn quần thể các loài chim nước và đề xuất với các cấp có thẩm quyền công nhận khu đất ngập nước hồ sông Mực thành khu Ramsar.”./.

Đại Tây Dương chưa trở thành vùng bảo tồn cho cá voi
Đại Tây Dương chưa trở thành vùng bảo tồn cho cá voi

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục