Phát huy tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng

18:28' - 01/03/2024
BNEWS Nhiều chính sách hỗ trợ đã được chính phủ quyết liệt thực hiện ngay từ đầu năm để phát huy tối đa các nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế và hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, trong 2 tháng đầu năm, Chính phủ, các Bộ, ngành đã nhanh chóng vào cuộc với tinh thần vượt khó và sự quyết liệt trong điều hành, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ngay từ đầu năm.

Ngay trong tuần đầu tiên của năm 2024, Chính phủ đã ban hành 2 Nghị quyết 01/02 nhằm đưa ra các giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, cải thiện môi trường kinh doanh năm 2024. Rất nhanh chóng, các giải pháp này đã được triển khai. Ngay sau kỳ Nghỉ Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương, tập thể, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn phải tập trung ngay vào xử lý công việc, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và các hoạt động kinh tế - xã hội. Sự khởi đầu quyết liệt ngay từ đầu năm nhằm khơi dậy quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo các cân đối lớn.

Xu hướng phục hồi tích cực

Trong bối cảnh tình hình kinh tế trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn, song với tinh thần quyết tâm vượt khó, quyết liệt hành động, một loạt các chính sách điều hành kinh tế trong năm 2023 cũng như ngay từ những tháng đầu năm 2024 đã và đang tiếp tục phát huy hiệu quả. Nhìn vào số liệu 2 tháng đầu năm Tổng cục Thống kê mới công bố, tổng thu ngân sách nhà nước tháng 2/2024 ước đạt 132,7 nghìn tỷ đồng.

Lũy kế tổng thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2024 đạt 399,4 nghìn tỷ đồng, bằng 23,5% dự toán năm và tăng 10,4% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này đạt được không chỉ nhờ các giải pháp "thu đủ", chống thất thoát các nguồn thu, mà quan trọng hơn cả đó là việc nuôi dưỡng các nguồn thu nhờ một loạt các biện pháp tháo gỡ khó khăn về cơ chế và môi trường hoạt động cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế hồi phục và phát triển.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, bên cạnh những khó khăn còn tồn tại trong hoạt động của doanh nghiệp, đã xuất hiện những con số đầy khích lệ, đặc biệt là con số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đã tăng. Cụ thể, trong 2 tháng đầu năm, cả nước có hơn 22,1 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập với tổng số vốn đăng ký 218,7 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 154,3 nghìn lao động, tăng 12,4% về số doanh nghiệp, tăng 32,8% về vốn đăng ký và tăng 29% về số lao động so với cùng kỳ năm trước. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 2 tháng đầu năm đạt 9,9 tỷ đồng, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, cả nước có gần 19 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2023. Bình quân mỗi tháng có hơn 20,5 nghìn doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.

Quay trở lại với các bệ đỡ tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu vẫn đang tiếp tục gặt hái kết quả nhờ các nỗ lực xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở rộng thị trường xuất khẩu trong bối cảnh thị trường thế giới đầy biến động khó lường. Ước tính kim ngạch xuất khẩu trong 2 tháng đầu năm đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý là có 11 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 75,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Đó là các mặt hàng: Điện tử, máy tính và linh kiện; điện thoại và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt, may; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng; thủy sản, cà phê. Đây là những mặt hàng có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam và tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn  Phùng Đức Tiến cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng hóa nói chung và nông lâm sản nói riêng có sự thay đổi. Điều này cho thấy, các thị trường xuất khẩu nông lâm thủy sản lớn của Việt Nam đang dần tăng trưởng trở lại cũng như chất lượng nông sản Việt ngày càng đáp ứng tốt các thị trường cao cấp. Cơ cấu lại ngành đã đi vào gắn với thị trường chặt chẽ hơn.

Không chỉ cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu đang đi đúng hướng, đúng thế mạnh, mà cơ cấu xuất - nhập khẩu cũng đang theo bước đi phù hợp trong bối cảnh hiện nay. Ước tính trong 2 tháng qua, cán cân thương mại không rơi vào tình trạng nhập siêu mà đã xuất siêu 4,72 tỷ USD. Điểm lưu ý là cơ cấu nhập khẩu đang theo hướng tích cực, đó là nhóm hàng máy móc thiết bị, tư liệu sản xuất ước đạt 51,47 tỷ USD, chiếm 94,2%; còn nhóm hàng vật phẩm tiêu dùng nhập khẩu ước chỉ đạt 3,15 tỷ USD, chiếm 5,8%. Cơ cấu này đã có sự thay đổi rất lớn so với nhiều năm trước đây. Điều này cho thấy xu hướng tích cực trong cơ cấu xuất nhập khẩu và hạn chế nhập siêu những mặt hàng trong nước đã sản xuất được.

Cùng với xuất khẩu, nguồn lực cho tăng trưởng đến từ nguồn vốn FDI cũng ghi dấu ấn đặc biệt. Trong 2 tháng đầu năm, thu hút FDI tăng kỷ lục, đạt 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm trước. Đã có 405 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 55,2% so với cùng kỳ, tổng vốn đăng ký đạt gần 3,6 tỷ USD, gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), vốn đầu tư đăng ký tăng mạnh là do tăng số lượng dự án mới tăng cao, tăng 55,2% và có dự án quy mô vốn đầu tư lớn. Đáng kể, vốn thực hiện dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 2,8 tỷ USD, tăng 9,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đây cũng là vốn FDI thực hiện cao nhất của 2 tháng trong 5 năm qua. Điều này cho thấy, những nỗ lực trong công tác điều hành của Chính phủ, nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương trong việc tạo môi trường đầu tư minh bạch, thông thoáng đang tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Vốn không phải chỉ trên bàn giấy đăng ký, mà dòng vốn đã thực sự đi vào cuộc sống.

Những con số nói trên là minh chứng và thước đo mức độ khả thi của các chính sách khi đi vào cuộc sống. Kết quả không thể đạt được từ những chính sách "một sớm, một chiều", mà là cả một quá trình nỗ lực của Chính phủ, đứng đầu là Thủ tướng Chính phủ, gắn quyết tâm với quyết liệt hành động, ban hành chính sách đi đôi với giám sát hiệu quả. Các giải pháp tập trung vào việc khơi thông nguồn lực tăng trưởng, từ khâu gỡ vướng trong cơ chế chính sách, tăng giải ngân đầu tư công (đặc biệt là trong lĩnh vực giao thông), thực hiện các chính sách tín dụng theo hướng thuận lợi cho doanh nghiệp, tăng cường công tác dự báo và sự vào cuộc quyết liệt từ cấp trung ương tới địa phương trong việc khơi thông và tìm kiếm thị trường, tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Với tinh thần Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Năm 2024 là năm tăng tốc xây dựng các công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia, với tổng mức đầu tư 422.000 tỷ đồng được giải ngân sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, tạo không gian phát triển mới cho các địa phương, vùng miền và cả nước. Vì vậy,  không khí lao động sôi nổi với khí thế làm việc "xuyên Tết, xuyên ngày nghỉ", "vượt nắng, thắng mưa", "làm việc 3 ca, 4 kíp", " ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương" đã diễn ra trên các công trình giao thông trọng điểm quốc gia.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết, đến nay riêng Dự án cao tốc Bắc-Nam phía Đông đã hoàn thành 9/11 dự án thành phần giai đoạn 2017-2020 và dự án Mỹ Thuận-Cần Thơ theo đúng kế hoạch, nâng tổng số đường cao tốc lên 1.892km; 2 dự án còn lại đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT, các chủ đầu tư, nhà thầu đang tích cực triển khai để hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 12 dự án thành phần giai đoạn 2021-2025, mặc dù năm đầu triển khai còn vướng mắc nhiều về mặt bằng và vật liệu xây dựng nhưng các chủ đầu tư, nhà thầu đã nỗ lực tổ chức thi công, bám sát tiến độ đề ra.

Bộ Giao thông Vận tải và Bộ Xây dựng đã phối hợp triển khai Công điện số 02/CĐ-TTg ngày 09/01/2024 của Thủ tướng Chính phủ về tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia. Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các địa phương tập trung chỉ đạo, đôn đốc cơ quan quản lý Nhà nước trực thuộc thực hiện công bố giá vật liệu xây dựng, đơn giá nhân công, giá ca máy và thiết bị thi công, chỉ số giá xây dựng theo định kỳ, bảo đảm kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường.

Phản ứng chính sách kịp thời

Tuy nhiên, bên cạnh những con số tăng trưởng ấn tượng, khu vực sản xuất vẫn gặp nhiều khó khăn. Theo Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, điều này do chi phí đầu vào tăng, đơn hàng xuất khẩu phục hồi chưa cao… Xung đột Biển Đỏ diễn biến phức tạp cũng là nguyên nhân dẫn đến chi phí vận chuyển tăng cao. Điều này đòi hỏi công tác dự báo và sự hỗ trợ kịp thời của các Bộ, ngành liên quan.

Nắm bắt các khó khăn này, ngay trong Nghị quyết 01/NQ-CP và các công điện chỉ đạo sau đó, Chính phủ đã ban hành các quy định yêu cầu tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp và nền kinh tế. Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo các ngành có liên quan như Công Thương, Giao thông, Ngoại giao tìm giải pháp gỡ khó cho doanh nghiệp xuất khẩu, đảm bảo cảng biển, tàu thuyền thông suốt, không áp đặt loại phí, phụ thu không có cơ sở với mức thu quá cao, gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu.

Để thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 13/CĐ-TTg ngày 06/02/2024 về việc tăng cường kết nối logistics thúc đẩy tiêu thụ, xuất khẩu nông lâm thủy sản. Công điện yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối hợp tác trong lĩnh vực dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng hiệu quả chuỗi cung ứng nông sản gắn với dịch vụ logistics ra thị trường quốc tế.

Tiếp đó, Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 21/2/2024 đẩy nhanh nghiên cứu, triển khai đầu tư nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, đang đầu tư theo quy mô phân kỳ cũng được Thủ tướng ký ban hành nhằm thông suốt hoạt động logistics trên cơ sở đảm bảo an toàn giao thông. Theo đó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải chủ trì, phối hợp ngay với các địa phương liên quan khẩn trương nghiên cứu phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đã được đầu tư phân kỳ đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh; trong đó tập trung đầu tư sớm nhất đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh không bị ngưng trệ do thiếu điện như thời điểm cuối mùa khô năm 2023 ở miền Bắc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 14/2/2024 về việc đảm bảo cung ứng điện, cung cấp than, khí cho sản xuất điện trong thời gian tới. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia thực hiện điều hành hệ thống điện đảm bảo cung cấp điện, xây dựng kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện quốc gia với mục tiêu đảm bảo cung cấp điện, đảm bảo dự phòng nguồn cung và có khả năng ứng phó, kiểm soát với các kịch bản vận hành cực đoan có thể xảy ra. Dự báo và xây dựng kế hoạch để chỉ đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam và Tổng công ty Đông Bắc cung cấp đầy đủ, liên tục đảm bảo cung cấp đúng thời gian, đủ khối lượng, đúng chủng loại than phục vụ sản xuất điện theo Hợp đồng/Cam kết đã ký; phối hợp với các đơn vị liên quan để dự báo tình hình sử dụng và cung ứng nhiên liệu, đảm bảo an ninh cung cấp điện.

Vốn tín dụng luôn được xem là vấn đề cốt lõi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của mỗi doanh nghiệp, vì vậy, chỉ đạo xuyên suốt cả năm 2023 và ngay tháng đầu tiên của năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cho vay, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế. Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng…

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Kim Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, mặc dù lãi suất đang ở mức rất hấp dẫn, song nhiều doanh nghiệp vẫn khó vay vì đang vướng về mặt pháp lý, quy hoạch, thiếu chứng nhận đầu tư nên chưa đáp ứng đủ chuẩn tín dụng... Liên quan đến vấn đề tín dụng, từ thực tiễn, ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Sơn (Hưng Yên) bày tỏ, điều doanh nghiệp mong đợi nhất là được gấp rút tháo gỡ những vướng mắc giải quyết hoàn thuế giá trị gia tăng kịp thời; tập trung tín dụng cho một số lĩnh vực ưu tiên mới tạo động lực tăng trưởng và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, hơn lúc nào hết nỗ lực cải cách môi trường kinh doanh cần tăng tốc và thực thi thực chất để củng cố niềm tin và tạo động lực kinh doanh cho doanh nghiệp. Nghị quyết 02/NQ-CP về cải thiện môi trường kinh doanh chính là động lực, góp phần củng cố niềm tin của nhà đầu tư, doanh nghiệp; khơi dậy động lực, tinh thần kinh doanh; từ đó thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế.

TS. Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cũng cho rằng năm 2024 và các năm tiếp theo, dự báo dòng vốn FDI sẽ tăng cường đổ vào Việt Nam, do đó, cải thiện môi trường đầu tư, cải cách thủ tục hành chính tiếp tục là nhiệm vụ cấp bách để thu hút và hấp thụ nguồn vốn đầu tư chất lượng cao. Đặc biệt, Chính phủ có chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực và điều kiện tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu của các tập đoàn nước ngoài ở phân khúc có công nghệ và giá trị cao, xoá bỏ tình trạng doanh nghiệp Việt chỉ làm gia công ở khâu sử dụng lao động giản đơn.

Mặc dù kinh tế trong nước tiếp tục phục hồi, nhưng rủi ro, thách thức từ bên ngoài vẫn hiện hữu như: khủng hoảng Biển Đỏ, xung đột Nga-Ukraine, Israel-Hamas khó đoán định; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn còn phức tạp, nền kinh tế các đối tác lớn của Việt Nam phục hồi vẫn chậm, năm 2024 dự báo khó khăn, thách thức lớn hơn thời cơ, thuận lợi. Điều này đòi hỏi quyết tâm hành động, sự chủ động bám sát thực tế, linh hoạt để có phản ánh chính sách kịp thời của toàn hệ thống chính trị và sự vào cuộc nhiệt huyết, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục