Phát triển bền vững kinh tế biển: Bài 2 - Nâng cao nhận thức cộng đồng

06:34' - 09/09/2016
BNEWS Để phát triển bền vững kinh tế biển, Việt Nam cần nâng cao nhận thức cộng đồng về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo
Phát triển kinh tế biển bền vững đòi hỏi sự cộng hưởng đa ngành khoa học, liên vùng kinh tế. Ảnh minh họa: TTXVN

Thạc sĩ Vũ Ánh Tuyết, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đề xuất việc nghiên cứu và ứng dụng khoa học và công nghệ biển để phát triển kinh tế biển bền vững, không chỉ dừng lại ở ngành khoa học và công nghệ biển mà đòi hỏi sự cộng hưởng đa ngành khoa học, liên vùng kinh tế để giải quyết các vấn đề liên quan đến biển, quốc phòng-an ninh trên biển.

Chính vì vậy, công tác nghiên cứu khoa học trong thời gian tới phải mang tính hệ thống và kế thừa rất cao, cần đặt ra kế hoạch tổng thể, xác định nhiệm vụ trọng tâm, hoạch định quy mô, phạm vi cho từng giai đoạn thực hiện bởi hiện nay chúng ta chưa có khả năng, phương tiện và điều kiện để làm một cách tổng thể.

Về dữ liệu biển nên làm định kỳ 5 năm một lần thật bài bản. Điều tra cơ bản phải làm đúng điểm, đúng phương tiện và lặp lại 5 năm 1 lần thì mới có sự so sánh chuẩn và cho ra dữ liệu đúng. Còn các nghiên cứu khác chỉ mang tính chất bổ sung. Phải có bộ dữ liệu chuẩn thì mới có thể “tự tin” khi bảo vệ chủ quyền của chính mình.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa như hiện nay, hợp tác quốc tế trong nghiên cứu biển là rất cần thiết, trước tiên là giúp các nhà khoa học Việt Nam nhanh chóng tiếp cận được với các tiến bộ khoa học kỹ thuật của thế giới, học hỏi được kinh nghiệm và kỹ năng tổ chức các công việc nghiên cứu trên biển, thu nhận các tư liệu, thông tin quan trọng do các đối tác nước ngoài cung cấp thông qua hợp tác.

Cần nâng cao nhận thức cộng đồng trong phát triển kinh tế biển một cách bền vững. Ảnh minh họa: TTXVN

Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Phương, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, cần phải thực hiện ngay một số nhóm giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển.

Trước hết là tiếp tục nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng cư dân ven biển về chiến lược phát triển kinh tế biển gắn với phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo, vì đây là ba mặt của một vấn đề có quan hệ mật thiết với nhau.

Xây dựng đề án tái cơ cấu ngành kinh tế biển, cơ chế, chính sách nhằm phát huy quyền chủ động của các ngành, các cấp, địa phương và vùng lãnh thổ, có sự quản lý, tập trung của trung ương, tạo nên bước đột phá về tăng trưởng kinh tế và chuyển dịch cơ cấu theo hướng hiện đại, theo chiều rộng và chiều sâu.

Bổ sung và hoàn chỉnh quy hoạch phát triển ngành theo nội dung mới, gắn phát triển kinh tế biển với phòng ngừa thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển, đảo trên tất cả các lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng tuyến đảo, hệ thống cảng biển, đô thị ven biển, các ngành dầu khí, đóng tàu, giao thông, du lịch, khai thác nuôi trồng thủy hải sản

Đồng thời thúc đẩy liên kết hợp tác giữa các ngành, các địa phương và vùng lãnh thổ, hiện đại hoá doanh nghiệp, hợp tác xã, xây dựng thương hiệu biển quốc gia, thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài và đầu tư tư nhân vào phát triển kinh tế biển.

Khẩn trương xây dựng chiến lược thích ứng cho sinh kế ven biển, bảo vệ môi trường sinh thái, xác định và tiếp cận cho từng lĩnh vực như: Vận tải biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy sản, trồng trọt, chăn nuôi… có sự tham gia của đại diện cơ quan ở địa phương, các chuyên gia kỹ thuật, tổ chức quần chúng, hộ gia đình, lập bản đồ về mối hiểm nguy, kế hoạch lưu giữ nước ngọt, áp dụng cách tiếp cận vùng để quản lý tài nguyên thiên nhiên ven biển dựa trên cộng đồng.

Huy động cộng đồng tham gia vào việc kiên cố hoá đê điều, khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tạo hành lang bảo vệ đê biển, ngăn ngừa nước biển dâng và nước mặn lấn sâu vào đồng ruộng. Tổ chức các tổ đoàn kết, hợp tác xã vận tải trên biển, đánh bắt cá, nuôi trồng thủy hải sản… để có điều kiện hỗ trợ nhau trong sản xuất ứng phó với bão tố, sóng thần.

Mở rộng hợp tác quốc tế trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, đào tạo và chuyển giao công nghệ, thu hút các nguồn vốn ODA, nguồn vốn đầu tư trực tiếp của các nước.

Đào tạo và bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu quản lý các ngành kinh tế biển và cộng đồng cư dân ven biển không những có trình độ chuyên môn, mà còn có kỹ năng ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ chủ quyền biển đảo, phấn đấu đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 80%.

Đề nghị Chính phủ giao cho các ngành liên quan đưa nội dung giáo dục về kinh tế biển, biến đổi khí hậu, bảo vệ chủ quyền biển đảo và chương trình giảng dạy ở các cấp học phổ thông, trung cấp, cao đẳng, đại học thuộc hệ chính quy và không chính quy./.

Xem thêm:

>> Phát triển bền vững kinh tế biển: Bài 1- Chưa tương xứng với tiềm năng

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục