Phát triển chăn nuôi theo vùng gắn với chế biến và thị trường

18:37' - 22/04/2022
BNEWS Hà Nội khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư gắn với sơ chế, tiêu thụ, phát triển thương hiệu, mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản...

Ngành chăn nuôi đang có mức tăng trưởng từ 5-6% hàng năm. Nhiều địa phương thực hiện chuyển đổi nhanh cơ cấu từ chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi gia trại, trang trại công nghiệp; từng bước gắn với giết mổ, chế biến tập trung và phát triển thị trường tiêu thụ.
Đây cũng chính là hướng đi để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, giá vật tư đầu vào tăng cao… cũng như giải quyết bài toán "lối ra" cho các sản phẩm.

 

Nếu như năm 2011, cả nước có khoảng trên 4,13 triệu cơ sở chăn nuôi lợn thì đến năm 2016, số lượng giảm xuống còn 3,4 triệu cơ sở và sau đợt khủng hoảng 2017 về giá thịt lợn, số cơ sở còn khoảng 2,5 triệu. Đến năm 2020, cả nước chỉ còn khoảng 2 triệu cơ sở chăn nuôi lợn. Trung bình mỗi năm, tỷ lệ chăn nuôi nông hộ giảm từ 5-7%/năm. Riêng năm 2019 - 2021, cơ sở chăn nuôi nhỏ quy mô nông hộ giảm từ 15-20%.
Số cơ sở quy mô từ 1.500 con trở lên là 1.627, chiếm 24,2% tổng đàn lợn của cả nước. Trong đó, nổi bật là 16 doanh nghiệp, có quy mô tới 5,8 triệu con, chiếm 20,7% tổng đàn cả nước. Ngành chăn nuôi đang chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình sang chăn nuôi chuyên nghiệp và trang trại quy mô lớn.
Tại Hà Nội đến nay đã có 557 trang trại chăn nuôi sử dụng công nghệ chuồng kín; 26 trang trại sử dụng công nghệ dây chuyền cho ăn uống tự động; 200 trang trại sử dụng công nghệ bán tự động; 35 trang trại sử dụng công nghệ nuôi trên sàn nhựa…

Để tạo ra sản phẩm chăn nuôi an toàn, ứng dụng công nghệ cao, ngành nông nghiệp Hà Nội tiếp tục phối hợp với các địa phương quy hoạch khu chăn nuôi theo vùng, xã, trọng điểm, xa khu dân cư, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Hà Nội khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi tập trung xa khu dân cư gắn với sơ chế, tiêu thụ, cung cấp dịch vụ chế biến; xây dựng, phát triển thương hiệu, mở rộng các hình thức liên kết trong sản xuất - tiêu thụ nông sản.
Ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, Hà Nội sẽ tập trung vào cơ cấu lại chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm với các đối tượng nuôi chủ lực. Đồng thời, phát triển 76 xã chăn nuôi sản phẩm chủ lực gồm 15 xã chăn nuôi bò sữa; 19 xã chăn nuôi bò thịt; 13 xã chăn nuôi lợn; 29 xã chăn nuôi gia cầm với 7.528 trại/trang trại chăn nuôi lớn, vừa, nhỏ.

Cùng đó, thu hút các doanh nghiệp sản xuất gắn kết với các trang trại chăn nuôi để cùng đầu tư xây dựng thương hiệu sản phẩm, ký kết hợp tác với các tỉnh, thành phố bảo đảm mục tiêu về tiêu thụ sản phẩm có nguồn gốc.
Sản xuất trong nông hộ nhỏ lẻ giảm sẽ là cơ sở để ngành chăn nuôi hình thành các vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh, tiến tới xúc tiến thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi sang các thị trường.

Để tạo tiền đề cho xuất khẩu, việc xây dựng chuỗi, vùng an toàn dịch bệnh trong những năm qua đã được các địa phương, doanh nghiệp và người chăn nuôi quan tâm triển khai.
Đến tháng 2/2022 cả nước có trên 3.500 lượt cơ sở, vùng được chứng nhận an toàn dịch bệnh với một và nhiều bệnh động vật. Tuy nhiên, chưa có cơ sở, vùng đạt an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y thế giới (OIE), việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước còn hạn chế.
Hiện nay, một số sản phẩm động vật của Việt Nam đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường, điển hình như thịt gà chế biến xuất khẩu sang 7 nước và vùng lãnh thổ; sữa và sản phẩm sữa xuất khẩu sang gần 50 nước, nhất là thị trường Trung Quốc có tiềm năng rất lớn; thịt lợn sữa, lợn choai, lợn mảnh, trứng gia cầm... cũng đã được xuất khẩu sang một số thị trường.

Tuy nhiên, việc xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam sang các nước còn nhiều hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng của ngành chăn nuôi Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Văn Long, Phó Cục trưởng Cục Thú y, từ đầu năm đến nay, Cục Thú y cũng đã hỗ trợ 9 doanh nghiệp có sản phẩm động vật xuất khẩu sang Hàn Quốc chuẩn bị hồ sơ đánh giá từ xa theo yêu cầu của Hàn Quốc. Cục đang hỗ trợ các công ty sữa có nhu cầu xuất khẩu sang Trung Quốc theo quy định mới của Lệnh 248 và Lệnh 249 của Trung Quốc.

Trong quý I/2022, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã cấp phép thêm 2 nhà máy sản xuất sữa của Việt Nam được xuất khẩu sản phẩm sữa sang Trung Quốc, nâng tổng số nhà máy được cấp phép lên 11 nhà máy.
Trong 3 tháng đầu năm 2022, các doanh nghiệp đã xuất khẩu được 4.000 tấn sữa và sản phẩm sữa sang các nước, giá trị khoảng 5,5 triệu USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp đã xuất được 1.127 tấn thịt gà chế biến sang các nước, giá trị ước khoảng 5 triệu USD. Giá trị xuất khẩu bột cá và dầu cá đạt 40 triệu USD.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, trong thời gian tới, để đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật của Việt Nam, các đơn vị, địa phương và doanh nghiệp cần tập trung xây dựng thành công các chuỗi sản xuất, vùng chăn nuôi đạt yêu cầu an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của quốc tế và của nước nhập khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm động vật xuất khẩu của Việt Nam nhằm đáp ứng được quy định của các thị trường nhập khẩu.
Các tỉnh, thành phố cần rà soát quy hoạch, phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao, theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Các cơ quan chuyên môn, các địa phương và các doanh nghiệp nghiên cứu kỹ các quy định của Việt Nam, quy định của quốc tế và yêu cầu của các nước nhập khẩu để có kế hoạch cụ thể và tổ chức xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (OIE), an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn của CODEX hướng đến xuất khẩu.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, các địa phương nên có chính sách ưu đãi, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư chuỗi sản xuất khép kín, bao gồm cả nhà máy chế biến sản phẩm chăn nuôi nhằm đa dạng hóa chủng loại sản phẩm, phù hợp với từng thị trường, vùng miền, tăng khả năng xuất khẩu được sản phẩm.
Bộ chỉ đạo Cục Thú y thành lập Tổ công tác kỹ thuật thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật để tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ địa phương, doanh nghiệp đẩy nhanh tiến độ xây dựng các vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu để đẩy mạnh xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật.
Cục Chăn nuôi hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương, các doanh nghiệp rà soát quy hoạch và phát triển chăn nuôi theo vùng sản xuất gắn với chế biến, bảo quản và thị trường tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi trang trại công nghệ cao, theo chuỗi khép kín nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, các yêu cầu về vệ sinh thú y, truy xuất nguồn gốc./.

>>>Hà Nội thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các vùng chăn nuôi


Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục