Phát triển đô thị, Bắc Ninh hướng đến mục tiêu thành phố trực thuộc Trung ương

10:35' - 03/10/2018
BNEWS Thành phố Bắc Ninh sẽ tiếp tục phấn đấu trở thành TP Trung ương với đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Triển lãm Quy hoạch, kiến trúc Bắc Ninh năm 2018. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN

Bắc Ninh không chỉ được biết đến là một vùng đất cổ về truyền thống lịch sử mà còn nằm trong Top đầu cả nước về phát triển kinh tế văn hóa xã hội với quy mô và tốc độ phát triển đô thị hết sức mạnh mẽ.

Từ xuất phát điểm thấp, quy mô kinh tế của Bắc Ninh liên tục được mở rộng trong 20 năm qua. Năm 2017, tổng sản phẩm GDP của Bắc Ninh xếp thứ 4 toàn quốc, tốc độ tăng trưởng GDP đạt hơn 19%, sản xuất công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu thương mại tăng cao.

Song hành cùng sự phát triển kinh tế - xã hội, công tác quy hoạch kiến trúc, phát triển đô thị luôn được UBND tỉnh hết sức quan tâm. Đến nay, 100% diện tích đất tự nhiên của tỉnh được phủ kín xây dựng, từ quy hoạch vùng tỉnh đến các đô thị công nghiệp, quy hoạch xã nông thôn mới.

Trên cơ sở quy hoạch xây dựng, các đô thị phát triển mạnh cả về quy mô lẫn tốc độ. Hệ thống đô thị được mở rộng hơn 200km2, tăng gần 10 lần so với năm 1997 với gần 64 khu đô thị và hơn 200 khu nhà ở, tổng diện tích khoảng 6.700ha.

Bộ mặt đô thị, nông thôn có bước thay đổi đột phá với sự kết hợp hài hòa giữa các công trình kiến trúc cổ, đậm nét văn hóa vùng quan họ với các tòa nhà cao tầng, kiến trúc hiện đại, tạo nên những ấn tượng trong không gian.

Tháng 12/2017, Thành phố Bắc Ninh được Chính phủ công nhận là đô thị loại I; thị xã Từ Sơn cũng đã chuẩn bị đủ các điều kiện để trở thành đô thị loại III. Các huyện Tiên Du, Quế Võ, Yên Phong và Thuận Thành đang được xây dựng để trở thành đô thị loại IV, làm tiền đề cho tỉnh Bắc Ninh trở thành Thành phố trực thuộc Trung ương.

Đồ án quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Chính phủ phê duyệt vào tháng 9/2015 có quy mô hơn 263km2. Trong đó, phần đô thị lõi Bắc Ninh sẽ bao gồm toàn TP Bắc Ninh hiện tại, huyện Tiên Du, TX Từ Sơn và một số xã thuộc huyện Quế Võ.

Đô thị Bắc Ninh sẽ mang tính chất là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật, giáo dục đào tạo của tỉnh, là trọng tâm kinh tế thuộc vùng trọng điểm phía Đông và Đông Bắc vùng Thủ đô Hà Nội; nối Hà Nội với các cảng biển Bắc bộ.

Đô thị Bắc Ninh có tiềm năng phát triển công nghiệp, thương mại, du lịch và kinh tế tri thức, đồng thời là đầu mối giao thông, giao lưu quan trọng của Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước; gắn kết với 2 hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Trong khi đó, đô thị Tiên Du là trung tâm cấp vùng thủ đô về đào tạo giáo dục, du lịch, kiêm trung tâm cấp đô thị về thương mại, dịch vụ. Khu vực đô thị Từ Sơn là trung tâm công nghiệp sạch, công nghệ cao của vùng thủ đô, và cũng là đô thị có các khu dân cư chất lượng cao nhằm giảm áp lực về dân số cho Hà Nội.

Ngoài ra, khu đô thị mới Nam Sơn cũng được kỳ vọng trở thành đô thị thông minh với tính chất của một đô thị sinh thái và trung tâm kinh tế tri thức trong tương lai. Đây sẽ là nơi tập trung các cơ quan nghiên cứu, trường đại học cấp quốc gia và quốc tế, các khu liên hợp thể thao cấp vùng Thủ đô, các khu dân cư chất lượng cao, các công viên, hồ nước lớn hàng trăm héc-ta...

Đáng chú ý, quy hoạch đô thị lõi Bắc Ninh sẽ tạo nên 3 hành lang tăng trưởng: Hành lang đô thị, hành lang sinh thái và hành lang sáng tạo. Trục đô thị lõi Bắc Ninh cũng tạo thành 1 tam giác tăng trưởng với trọng tâm là TP Bắc Ninh, TX Từ Sơn, đô thị Tiên Du và đô thị mới Nam Sơn.

Với định hướng phát triển không gian đến năm 2030, tỉnh Bắc Ninh sẽ được chia làm 2 vùng theo 2 bờ sông Đuống, lấy sông Đuống làm dải xanh cho toàn đô thị.

Khu vực Bắc sông Đuống có 3 tiểu vùng: đô thị lõi Bắc Ninh có chức năng là trung tâm tổng hợp, huyện Yên Phong và Quế Võ có chức năng là vùng công nghiệp, dịch vụ. Khu vực Nam sông Đuống có 3 tiểu vùng là huyện Thuận Thành, Gia Bình và Lương Tài với chức năng là vùng dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp.

Trong tầm nhìn đến năm 2050, đô thị Bắc Ninh sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế quan trọng của vùng kinh tế Bắc bộ với trọng tâm là dịch vụ, thương mại, đào tạo nghiên cứu khoa học, du lịch, y tế, văn hóa, nghỉ dưỡng và logistics với chất lượng cao.

Một trong những điểm đặc biệt của đồ án quy hoạch đô thị Bắc Ninh là quy hoạch phát triển theo mô hình TOD (Transit Oriented Development), nhằm cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ vận tải công cộng.

Các khu đô thị mới ở Bắc Ninh sẽ phát triển dọc các tuyến đường sắt đô thị với trọng tâm là các ga đường sắt. Trong mô hình này, ga đường sắt hiện đại là một trung tâm dịch vụ, đáp ứng phần lớn các nhu cầu sinh hoạt của cư dân. Bên cạnh đó, một yếu tố vận tải không thể thiếu trong bất kỳ đô thị hiện đại nào là hệ thống xe bus cũng sẽ được quan tâm phát triển ở Bắc Ninh.

Ngoài quy hoạch phát triển theo mô hình TOD, đồ án quy hoạch đô thị Bắc Ninh cũng đặc biệt hơn ở việc quy hoạch các trung tâm cấp vùng thủ đô với sự đồng bộ và hiện đại, phù hợp với xu hướng của sự phát triển.

Cuối cùng, đồ án quy hoạch đô thị Bắc Ninh còn tạo ra sự khác biệt cho thành phố tương lai với công tác bảo vệ hình sông thế núi, không gian làng xóm và các giá trị văn hóa truyền thống tồn tại từ bao đời nay, đặc biệt là dân ca quan họ Bắc Ninh./.

Xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Yên Phong II-C, tỉnh Bắc Ninh

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục