Phát triển du lịch xanh: Bài 2: Nâng cao sức cạnh tranh của du lịch Việt Nam

15:09' - 26/12/2019
BNEWS Việt Nam là điểm đến mới nổi tại khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình 18,64%/năm đối với khách du lịch quốc tế và 9,93%/năm đối với khách nội địa trong giai đoạn 2014 - 2018.
Khách du lịch ở Hội An. Ảnh: TTXVN

Nắm bắt được những lợi ích to lớn từ phát triển du lịch bền vững, du lịch xanh, ở Việt Nam đã có những mô hình du lịch xanh thu hút du khách. Việt Nam cũng xác định sản phẩm du lịch xanh sẽ là xu thế nâng cao sức cạnh tranh của ngành du lịch nước nhà.

Xây dựng sản phẩm du lịch xanh

Từ năm 2017, ở Hội An đã xuất hiện tour du lịch chèo thuyền kayak du ngoạn, kết hợp vớt rác trên sông Hoài do Công ty Du lịch Hội An Kayak giới thiệu đã rất thu hút du khách. Chi phí cho một tour như thế này là 10 USD/khách, chèo thuyền 4 giờ đồng hồ vừa ngắm cảnh vừa vớt rác.

Nhiều du khách trong nước, quốc tế ban đầu vì tò mò mà tham gia, người dân thì thấy lạ khi trên sông xuất hiện nhiều người đi vớt rác. Thế nhưng, đến nay thì người dân đã quá quen thuộc, thậm chí cùng tham gia vớt rác với du khách. Tour này đã góp phần bảo vệ môi trường sống Hội An, đặc biệt là vùng hạ lưu sông Thu Bồn, nơi có rừng dừa ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và là vùng đệm của khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm.

Hội An cũng là một trong những địa phương tiên phong giảm rác thải nhựa, xây dựng môi trường du lịch thân thiện. Nhà hàng Sapo Hội An trong 5 năm qua đã chuyển đổi khoảng 300 lít dầu ăn đã qua sử dụng thành xà phòng nhà bếp, thay vì thải trực tiếp ra môi trường. Từ cuối năm 2018 đến nay, khu nghỉ dưỡng An Nhiên Farm đã tái chế khoảng 300 kg xà phòng dùng một lần; 1,5 tấn vải trắng đã qua sử dụng thành các sản phẩm hữu ích…

Khu nghỉ Six Senses Côn Đảo kết hợp với vườn quốc gia Côn Đảo phục hồi nhiều bãi đẻ và thực hiện bảo tồn rùa. Theo đó, một số ổ trứng trên 12 bãi biển được đưa về ấp tại resort, giúp trứng rùa và rùa con được chăm sóc tốt. Hoạt động thả rùa về biển ở đây thu hút được sự quan tâm của các du khách, đặc biệt là các em nhỏ.

Nhiều doanh nghiệp cũng đã chuyển đổi theo hướng du lịch xanh như mô hình tiết kiệm điện năng, tiết kiệm nước tại các cơ sỏ lưu trú, đăng kí chứng nhận nhãn sinh thái Bông sen xanh cho các cơ sở lưu trú. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện du lịch có trách nhiệm, hướng dẫn khách du lịch bảo vệ môi trường khi tham gia tour đi rừng, leo núi như tour thám hiểm hang động tại Phong Nha- Kẻ Bàng (Quảng Bình); xây dựng các sản phẩm du lịch, đặc biệt là làm sạch môi trường…

Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam (VCTC) Phạm Hải Quỳnh chia sẻ: Hưởng ứng chương trình “Du lịch chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa” do Hiệp hội Du lịch Việt Nam phát động, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam đã kêu gọi toàn thể hội viên khắp cả nước cùng hành động, chung tay bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.

Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam khuyến khích các đơn vị lữ hành hạn chế sử dụng hoặc đưa ra sáng kiến thay thế nước đóng chai bằng những dụng cụ khác...; tư vấn cho khách không mang đồ uống, túi nhựa, chai lọ nhựa trong hành trình du lịch. Các hãng đàm phán và lên kế hoạch với các nhà hàng, khách sạn, nhà xe, nhà tàu... để bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa.

Hội viên là các nhà hàng, khách sạn, điểm đến, tàu, xe, Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam kêu gọi tăng cường thùng đựng rác, phân loại rác ngay từ khi tiếp nhận rác; thay thế nước chai đặt phòng bằng các hình thức khác như trà, nước lá, nước mát... đựng trong bình thủy tinh; hạn chế rác thải nhựa trong quá trình kinh doanh.

Chung tay hành động vì du lịch xanh

Việt Nam là điểm đến mới nổi tại khu vực Đông Nam Á, với tốc độ tăng trưởng trung bình 18,64%/năm đối với khách du lịch quốc tế và 9,93%/năm đối với khách nội địa trong giai đoạn 2014 - 2018. Bên cạnh những thành tựu về phát triển, du lịch hiện cũng đang đối mặt với nhiều vấn đề phát triển kém bền vững trong khai thác tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phục vụ du lịch, quản lý các vấn đề môi trường và xả thải đáng báo động tại các điểm tập trung đông khách vào mùa cao điểm...

Các vấn đề ô nhiễm môi trường là một trong những nguyên nhân cơ bản làm giảm sức hấp dẫn, chất lượng của các dịch vụ và năng lực cạnh tranh của ngành du lịch toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Nếu các vấn đề môi trường không được giải quyết kịp thời, những tác động tiêu cực của du lịch đến môi trường sẽ ảnh hưởng đến phát triển du lịch.

Vì vậy, theo các chuyên gia, du lịch Việt Nam cần đẩy mạnh phát triển theo hướng du lịch xanh.  Mặc dù có tiềm năng to lớn nhưng thực tế, du lịch xanh mới chỉ là khái niệm mới được nhắc tới vài năm gần đây ở nước ta. Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển du lịch xanh, giải pháp cơ bản là cần nâng cao nhận thức về du lịch xanh cho tất cả các thành phần tham gia du lịch, từ nhà quản lý các cấp, các nhà quản trị doanh nghiệp tới cộng đồng làm du lịch và du khách.

Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội đồng khoa học Hiệp hội Du lịch Việt Nam cho rằng: Nhà nước cũng cần có chính sách tăng cường tính "xanh" trong phát triển cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch với những điều kiện cụ thể ở mỗi nơi như ứng dụng năng lượng tự nhiên, sử dụng vật liệu thân thiện, chế biến rác thải, xử lý nước thải ...

Các cơ quan chức năng cần khuyến khích chương trình bảo tồn, truyền bá văn hóa dân gian, dân tộc trong phát triển du lịch; xây dựng và ban hành bộ tiêu chí về du lịch xanh để các cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch có thể vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Ngoài ra, cần ban hành "bộ tiêu chí du lịch xanh", trên cơ sở đó, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp du lịch vận dụng trong quá trình đầu tư, quy hoạch và kinh doanh. Đó cũng là căn cứ để công nhận sản phẩm du lịch xanh như "tour du lịch xanh", "khách sạn xanh", "nhà hàng xanh", "khu nghỉ dưỡng xanh"…

Nhiều doanh nghiệp đã tích cực hưởng ứng các chương trình, chiến dịch bảo vệ môi trường, hạn chế rác thải nhựa, hướng tới nâng cao ý thức, trách nhiệm chung tay bảo vệ môi trường trong lĩnh vực du lịch, đảm bảo tiêu chí xanh, sạch ở tất cả các điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch của Việt Nam. Điều này góp phần tạo nên các sản phẩm có giá trị bền vững góp phần thu hút du khách, nhất là đối tượng khách quốc tế.

Sự chuyển biến rõ rệt trong nhận thức và tinh thần chủ động của một số doanh nghiệp du lịch cũng như sự quan tâm, đánh giá cao của Nhà nước về tầm quan trọng của phát triển du lịch xanh là những tiền đề hứa hẹn ngành công nghiệp không khói nước nhà sẽ có những bước tăng trưởng xanh, bền vững trong thời gian tới./.

>>> Phát triển du lịch xanh: Bài 1: Giải pháp "hút" khách văn minh, chi tiêu cao

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục