Phát triển hợp tác xã kiểu mới trong hội nhập kinh tế

10:29' - 18/05/2022
BNEWS Luật Hợp tác xã kiểu mới ra đời, các hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội.

Luật Hợp tác xã đã qua 10 năm thực hiện và góp phần đưa đời sống của các thành viên sản xuất nông nghiệp khu vực nông thôn nâng cao; nông dân có thêm nhiều cơ hội tiếp cận với thông tin thị trường, cách thức liên kết để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Thực tế cho thấy, nhiều nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập, đưa sản phẩm vươn ra được thị trường thế giới.

* Xu hướng tất yếu

Kể từ năm 2012, Luật Hợp tác xã kiểu mới ra đời là khung pháp lý cơ bản cho việc thành lập tổ chức và hoạt động của các hợp tác xã. Các hợp tác xã bước đầu thể hiện chuyển biến về chất lượng, hiệu quả, chứng tỏ ngày càng rõ nét hơn vai trò quan trọng và có ý nghĩa toàn diện về kinh tế, chính trị, xã hội, cho thấy những tín hiệu mới trong công cuộc phát triển hợp tác xã.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến ngày 31/12/2021, cả nước có trên 27.000  hợp tác xã, gấp 2,5 lần so với năm 2001 và tăng khoảng 41% so với năm 2013; khu vực hợp tác xã thu hút gần 6 triệu thành viên và tạo việc làm cho khoảng 1 triệu lao động.

Những năm gần đây, thu nhập bình quân của lao động thường xuyên trong hợp tác xã tăng và ngày càng thu hẹp khoảng cách so với thu nhập bình quân của lao động khu vực doanh nghiệp, từ mức 44,6 triệu đồng/người/năm, bằng 44,8% mức thu nhập của lao động trong khu vực doanh nghiệp năm 2017 đã tăng lên 52,8 triệu đồng/năm, bằng 47,3%  của lao động khu vực doanh nghiệp vào năm 2019.

Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang phát triển mạnh mẽ, kinh tế hộ nhỏ lẻ, manh mún, sản xuất hàng hóa phi tiêu chuẩn không có chỗ đứng, không có khả năng cạnh tranh và không thể tồn tại. Vì vậy, hợp tác là con đường tất yếu để nông dân cùng phát triển. 

Nói đến phát triển hợp tác xã, các tổ hợp tác, tổ hội quán nông nghiệp, không thể không nói đến một địa phương phát triển mạnh mẽ đã đi đầu cả nước hiện nay, đó chính là tỉnh Đồng Tháp tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tính đến đầu năm đến nay, tỉnh Đồng Tháp có 214 hợp tác xã, tăng 67% so với thời điểm 31/12/2001; trong đó, có 209 hợp tác xã đang hoạt động, tổng số thành viên khoảng 55.000 người, vốn điều lệ trên 240 tỷ đồng, vốn hoạt động trên 1.100 tỷ đồng.

Ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ, từ hiệu quả của mô hình hội quán, hợp tác xã cho thấy sản xuất manh mún, nhỏ lẻ là cái bẫy của ngành nông nghiệp; chỉ có hợp tác, liên kết là con đường dẫn đến thành công và phát triển bền vững.

Phát triển hợp tác xã không chỉ vì mục tiêu là mang lại thu nhập cao, mà còn nâng cao năng lực quản trị, cách thức tổ chức, hình thành thói quen làm nông sản sạch, bảo vệ môi trường, thói quen mua chung, bán chung, dùng chung…

Một trong những hội quán điển hình tại Đồng Tháp là Hội quán cùng nhau làm du lịch làng hoa Sa Đéc. Đây là một mô hình kinh tế hợp tác của những người nông dân trồng hoa kiểng tại thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp kết hợp với du lịch rất hiệu quả. 

Ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm Du lịch tại Làng hoa Sa Đéc cho biết, từ năm 2015 trở về trước, nhiều hộ gia đình trồng cây kiểng ở làng hoa hơn 100 tuổi này thiếu sự liên kết, quy mô nhỏ lẻ, sản xuất kinh doanh kém hiệu quả. Kể từ khi  thực  hiện chủ trương phát triển hội quán của tỉnh Đồng Tháp, năm 2015, nhiều hộ dân đã liên kết hình thành Hội quán cùng nhau làm du lịch, đến nay thu hút được 27 thành viên, mở rộng quy mô hoạt động lữ hành, lưu trú, homestay, khách sạn.

Với 12 khu điểm du lịch được đầu tư hàng trăm tỷ đồng, mỗi năm Hội quán thu hút hơn 1 triệu lượt khách đến Làng hóa Sa Đéc, lợi nhuận gấp 4 đến 5 lần so với nghề trồng hoa truyền thống. Điều này khẳng định các hộ nông dân tham gia vào hội quán, hợp tác xã để phát triển kinh tế là một điều đúng đắn.

* Phát triển phù hợp với thế mạnh

Mỗi địa phương tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung đều có một thế mạnh riêng biệt, một đặc trưng về các sản vật, một điều kiện khí hậu không giống bất kỳ địa phương nào. Chính vì vậy, Luật Hợp tác xã năm 2012 là nền tảng để không để các địa phương dựa theo đó xây dựng chiến lược phát triển hợp tác xã phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết và đặc trưng cây trồng, vật nuôi cho chính mình.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, kinh tế tập thể và kinh tế hợp tác xã ngày càng chiếm vị trí quan trọng trọng nền kinh tế thị trường; tác động tới mọi mặt của xã hội, môi trường, an ninh trật tự và an toàn xã hội.

Chính vì vậy, mỗi địa phương cần thành lập một chiến lược phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Để làm được việc đó, các ban, bộ ngành liên quan cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn hiện nay, nhất là những hạn chế, bất cập về pháp luật, chính sách, quản trị; vấn đề tiếp cận đất đai, nguồn vốn, công nghệ, thị trường, phát triển chuỗi giá trị, đào tạo lao động.

Bên cạnh đó, các địa phương cũng lưu ý đến việc mạnh dạn đầu tư áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, quản trị để tăng năng suất và sức cạnh tranh, đặc biệt áp dụng công nghệ 4.0 trong quá trình tiêu thụ và quảng bá sản phẩm, giới thiệu hình ảnh sản phẩm của hợp tác xã đến với người tiêu dùng một cách nhanh nhất, hiện thực nhất để nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm hợp tác xã so với các sản phẩm cùng loại tại thị trường trong nước và người tiêu dùng quốc tế.

Bằng cách xây dựng chiến lược phát triển hợp tác xã phù hợp với thế mạnh của từng địa phương, ông Trần Thanh Hùng, Chủ nhiệm Hội quán cùng nhau làm du lịch tại Làng hoa Sa Đéc chia sẻ, các thành viên muốn đi xa thì đi cùng nhau, Ban Chủ nhiệm đã kích hoạt các thành viên hội quán chuyển đổi từ tư duy sản xuất sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp gắn với dịch vụ.

Trong hoạt động du lịch, Ban chủ nhiệm vận động từ các thành viên Hội quán góp vốn thành lập doanh nghiệp chung lấy tên là Công ty TNHH Cùng nhau đầu tư và phát triển du lịch Đồng Tháp, hoạt động theo tiêu chí 3 cùng: cùng nhau xây dựng, cùng nhau quản trị, cùng nhau hưởng thu, nhằm xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các thành viên hội quán và bà con cộng đồng xung quanh với nhau, tạo nhiều việc làm, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, góp phần xây dựng hình ảnh địa phương, chắp cánh cho tài nguyên bản địa làng hoa Sa Đéc vươn xa đến bạn bè quốc tế.

Đối với các địa phương có thế mạnh sản xuất trái cây, thủy sản, lúa gạo…, cũng đều lên một phương án phù hợp nhất để phát triển hợp tác xã.

Theo ông Võ Chí Thiện, Giám đốc Hợp tác xã thanh long Mỹ Tịnh An, Chợ Gạo, Tiền Giang, Hợp tác xã Mỹ Tịnh An đã dựa trên thế mạnh là cây thanh long được sản xuất theo tiêu chuẩn Global GAP. Chính vì vậy, Hợp tác xã Mỹ Tịnh An đã hướng dẫn các thành viên cách  thức làm việc và ký kết hợp tác để xuất khẩu thanh long đi châu Âu.

Hợp tác xã hiện có 250 thành viên, với diện tích 300 ha. Năm 2021, Hợp tác xã Mỹ Tịnh An có doanh thu 50 tỷ đồng, bảo đảm lợi nhuận 3.000 đồng/kg cho nông dân, còn lãi 1,8 tỷ đồng. Thu nhập mỗi thành viên hợp tác xã khoảng từ 300-400 triệu đồng/năm.

Qua đó cho thấy, nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã phát triển kinh tế và sản xuất thông qua tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác, các hội quán kinh tế. Đồng thời, bà con cũng cùng nhau phát huy được thế mạnh của địa phương mình, giúp cho sản phẩm được người tiêu dùng biết đến, đặc biệt là tại các thị trường khó tính trên thế giới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục