Phát triển kinh tế tư nhân và thế "tiến thoái lưỡng nan" của các nước giàu

05:30' - 26/05/2021
BNEWS Các quốc gia tiên tiến đang phải đối mặt với một nghịch cảnh đó là trong khi các tập đoàn hàng đầu càng lớn mạnh thì tốc độ tăng trưởng kinh tế của đất nước lại càng suy giảm.

Độc quyền nhóm (oligopolies) là khái niệm chỉ một hình thức thị trường, trong đó thị trường hoặc ngành bị chi phối bởi một nhóm nhỏ những công ty lớn. Tình trạng này đang gia tăng ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.

Trong 25 năm qua, ước tính 3 công ty hàng đầu trong mỗi lĩnh vực ở những nền kinh tế này đã tận hưởng mức tăng trưởng doanh thu cao hơn đến 30 điểm phần trăm so với các đối thủ ở phía sau. 

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là các “ông lớn” đã đẩy nhanh quá trình sáp nhập và mua lại (M&A) những đối thủ đang phát triển giữa bối cảnh chính phủ liên tục thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ. 

Theo các chuyên gia, xu hướng suy giảm cạnh tranh do sự tồn tại của các nhóm độc quyền đã làm chậm tốc độ đổi mới công nghệ. Điều này được thể hiện ở việc ngân sách dành cho hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) bị thu hẹp, từ đó cản trở tăng trưởng kinh tế nói chung.

Hãng Nikkei đã thực hiện phân tích khoảng 9.000 công ty hoạt động trong 76 lĩnh vực công nghiệp ở Mỹ, châu Âu và Nhật Bản, sử dụng dữ liệu do Quick FactSet cung cấp. Kết quả phân tích cho thấy trong 25 năm qua, tốc độ tăng trưởng doanh thu tích lũy của ba công ty hàng đầu trong mỗi lĩnh vực tại Mỹ đã tăng nhanh hơn so với các đối thủ khác đến 60 điểm phần trăm. 

Con số này ở châu Âu là 35 điểm phần trăm và ở Nhật Bản là gần 10 điểm phần trăm. Trong khi đó, doanh số bán hàng ở những công ty này cũng tăng đến 2,7 lần so với mức tăng 2,4 lần của các công ty nhỏ hơn.

* M&A: “Chất xúc tác” tạo ra sự độc quyền?

Các chuyên gia lo ngại rằng sự gia tăng các hoạt động mua bán sáp nhập đang làm trầm trọng thêm những quan ngại về tình trạng độc quyền. Theo chuyên gia Ernest Liu, Trợ lý Giáo sư về kinh tế tại trường Đại học Princeton, môi trường lãi suất thấp - hệ quả của các chính sách tiền tệ nới lỏng - đã mang lại nhiều lợi ích cho các công ty lớn. Song song với đó, các nhóm độc quyền đang ngày càng phát triển thông qua M&A cùng các hoạt động khác. 

Hoạt động M&A toàn cầu trong 5 năm qua đã lần đầu tiên vượt ngưỡng 20.000 tỷ USD. Các công ty công nghệ hàng đầu của Mỹ là biểu tượng của xu hướng này. Ví dụ, Apple đã mua lại mảng kinh doanh modem di động của Intel với giá 1 tỷ USD vào năm 2019, trong khi Facebook mua lại Instagram - dịch vụ mạng xã hội chia sẻ hình ảnh và video, và ứng dụng nhắn tin WhatsApp.

Xu hướng độc quyền nhóm cũng đang diễn ra trong các lĩnh vực khác. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tỷ lệ lợi nhuận gộp trên doanh thu - vốn tăng cao trong một thị trường có tồn tại sự độc quyền - đã tăng trong một loạt các lĩnh vực trong 40 năm qua. Đặc biệt, tỷ lệ này đã tăng trong các lĩnh vực ngoài công nghệ như chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tiêu dùng.

Trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 3/2021, LVMH Moet Hennessy Louis Vuitton, thương hiệu hàng xa xỉ lớn nhất nước Pháp, đã công bố doanh số bán hàng lớn hơn so với cùng kỳ năm 2019 (cũng là thời điểm trước khi COVID-19 bùng phát), một phần do việc mua lại thương hiệu trang sức Mỹ Tiffany vào tháng Giêng năm nay.

Walmart, chuỗi bán lẻ lớn nhất của Mỹ đã mua lại công ty thương mại điện tử hàng đầu của Ấn Độ Flipkart vào năm 2018, cũng ghi nhận mức doanh thu cao mới trong năm tài chính kết thúc vào tháng 1/2021.

* Sự độc quyền: “Chướng ngại vật” đối với đổi mới công nghệ 

Một câu hỏi quan trọng là liệu sự độc quyền có cản trở đổi mới công nghệ hay không? Việc nới lỏng các chính sách tiền tệ được các ngân hàng trung ương thực hiện kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, đã khuyến khích các doanh nghiệp đẩy mạnh hoạt động M&A và sử dụng nguồn vốn thặng dư để “tri ân” cổ đông thông qua việc mua lại cổ phần hoặc các phương tiện khác.

Khi tình trạng độc quyền nhóm phá hủy sự cạnh tranh, các công ty sẽ không có động lực để đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Cụ thể, chi tiêu cho hoạt động R&D tại các công ty niêm yết đã giảm đáng kể kể từ những năm 2010, với tốc độ giảm lên đến 50% kể từ năm 2000. 

IMF đã cảnh báo trong một báo cáo hồi tháng Ba rằng các sự độc quyền có thể cản trở sự đổi mới. Theo thể chế này, "khi các doanh nghiệp là lãnh đạo thị trường củng cố vị trí dẫn đầu thông qua hoạt động M&A, những công ty nhỏ hơn có thể cảm thấy nản lòng với việc cạnh tranh và đầu tư ít hơn vào R&D".

Tốc độ tăng trưởng tiềm năng của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã giảm một nửa so với hồi những năm 1990, xuống còn 1,4% vào năm 2019. Sự sụt giảm này phản ánh tốc độ tăng trưởng dân số chậm lại, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển và sự chuyển dịch sang nền kinh tế kỹ thuật số làm giảm hiệu ứng lan tỏa đầu tư vốn cũng như các yếu tố tích cực khác. Ngoài ra, các chuyên gia như chuyên gia Liu của trường Đại học Princeton cho biết, sự đình trệ trong quá trình đổi mới đang góp phần làm giảm tỷ lệ tăng trưởng tiềm năng.

Các lập luận ủng hộ việc làm hồi sinh sự cạnh tranh ngày càng được thấu hiểu, đặc biệt là ở Mỹ và châu Âu, giữa bối cảnh ngày càng có nhiều lời chỉ trích chống lại sự thống trị thị trường của các công ty công nghệ. 

Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại Liên bang đã kiện Facebook hồi tháng 12/2020 với cáo buộc rằng công ty này đã mua lại Instagram và WhatsApp "để loại bỏ mối đe dọa đối với sự độc quyền" trên thị trường mạng xã hội cá nhân.

Vào tháng Tư năm nay, Ủy ban Thương mại Công bằng Nhật Bản cũng khởi động một cuộc khảo sát đối với các dịch vụ điện toán đám mây, với “gã khổng lồ” Amazon.com và các công ty công nghệ thông tin nước ngoài khác nằm trong tầm ngắm.

Tuy nhiên, giới chức trách cũng đang phải vật lộn để tìm ra cách đối phó với những “gã khổng lồ” này, vì các dịch vụ miễn phí của họ không nhất thiết bị coi là làm suy yếu lợi ích của người tiêu dùng.

Do vậy, câu hỏi nhức nhối vẫn là làm thế nào thúc đẩy cạnh tranh để từ đó kích thích sự đổi mới nhằm tối ưu hóa tiềm năng tăng trưởng kinh tế./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục