Phát triển nguồn nhân lực: Yếu tố sống còn để xây dựng thành phố thông minh

06:00' - 09/12/2019
BNEWS Nguồn nhân lực có tay nghề cao là rất cần thiết để xây dựng hệ thống và thực hiện phân tích bằng phương pháp kỹ thuật số tiên tiến, như máy tự động, trí tuệ nhân tạo và Internet vạn vật.

Theo bài viết trên báo Jakarta Post, thành phố thông minh là thuật ngữ chỉ các hoạt động số hóa tập trung của chính phủ, khu vực tư nhân và công dân. Theo khái niệm của Liên minh châu Âu (EU), thành phố thông minh là nơi các mạng lưới và dịch vụ truyền thống được thực hiện hiệu quả hơn với các công nghệ kỹ thuật số và viễn thông vì lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Một số khác cho rằng, thành phố thông minh bao gồm các chỉ số bền vững như lượng khí thải carbon dioxide. Đối với Indonesia, thành phố thông minh có liên quan nhiều đến các dịch vụ của chính phủ điện tử.

Khái niệm này đã trở thành một tầm nhìn chung cho các thành phố tương lai ở các nước tiên tiến và đang phát triển, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các bên liên quan trong thành phố. Singapore, Seoul, Kashiwanoha ở Nhật Bản và Barcelona ở Tây Ban Nha là những ví dụ về các thành phố thông minh thịnh vượng.

Các ngành liên quan của những thành phố này đã mất một thời gian dài để phát triển hệ thống thông minh. Nhật Bản đã phát triển Kashiwanoha trong hơn một thập kỷ. Chính phủ Barcelona đã tiết kiệm nguồn tài chính công để phát triển thành phố thông minh trong hơn hai thập kỷ và Seoul đã khởi xướng dự án thành phố thông minh từ năm 1998.

Quãng thời gian dài cho thấy sự phức tạp của việc phát triển thành phố thông minh. Trong khi đó, nguồn nhân lực có trình độ công nghệ cao là vô cùng quan trọng để điều hành một thành phố thông minh. Do đó, rất có thể sẽ cần một khoảng thời gian dài hơn để các quốc gia đang phát triển xây dựng thành phố thông minh thành công.

Đối với Indonesia, các thành phố thông minh rất quan trọng bởi vì hơn 1/2 dân số Indonesia hiện đang sống ở khu vực thành thị, dự báo sẽ tăng hơn 82% vào năm 2045. Tỷ lệ đô thị hóa diễn ra nhanh chưa từng có trong bối cảnh nhiều vấn đề kéo dài ở các thành phố ngày càng trở nên tồi tệ hơn như các khu ổ chuột dày đặc, tắc nghẽn giao thông và tăng mạnh lượng tiêu thụ năng lượng mà chưa có nhiều nỗ lực để cải thiện hiệu quả việc sử dụng năng lượng.

Nỗ lực phát triển các thành phố thông minh ở Indonesia đã được Chính phủ quan tâm và tăng cường sau khi Tổng thống ban hành Nghị định số 95/2018 về chính phủ điện tử và đã chọn 100 thành phố làm dự án thí điểm. Tuy nhiên, hầu hết những nỗ lực của chính quyền địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong việc số hóa các dịch vụ công cộng như cấp phép kinh doanh và ứng dụng giấy phép lái xe…

Các thành phố cạnh tranh với nhau để tạo ra ứng dụng với sự trợ giúp của các công ty công nghệ thông tin, bao gồm cả các công ty khởi nghiệp. Mặc dù mục tiêu chính của các thành phố thông minh là tính hiệu quả, nhưng các dự án thí điểm vừa qua với sự tư vấn từ các chuyên gia chưa thể cải thiện đáng kể việc sử dụng năng lượng hiệu quả.

Cung cấp dịch vụ công cộng thực sự là một phần của phát triển thành phố thông minh, song phần quan trọng và sự tập trung hơn đến từ phía Chính phủ Indonesia. Thành phố thông minh về cơ bản là việc ra quyết định thông minh hơn dựa trên dữ liệu đa dạng bằng cách tận dụng công nghệ. Vì vậy, công nghệ là công cụ nhưng không phải là mục tiêu cuối cùng.

Phần có ảnh hưởng nhất để tạo nên một thành phố thông minh là xây dựng một môi trường cho phép thông qua cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT) và nguồn nhân lực. Cơ sở hạ tầng CNTT, chẳng hạn như kết nối internet, máy ghi dữ liệu và trung tâm dữ liệu là cần thiết để thu thập, ghi lại và lưu trữ dữ liệu để phân tích ra quyết định.

Tuy nhiên, nguồn nhân lực có tay nghề cao cũng là rất cần thiết để xây dựng hệ thống và thực hiện phân tích bằng phương pháp kỹ thuật số tiên tiến, như máy tự động, trí tuệ nhân tạo và Internet của vạn vật.

Indonesia có đủ nguồn lực tài chính và có thể dễ dàng mua bất cứ hạ tầng CNTT nào. Trong khi đó, phải mất một thời gian dài để đào tạo nguồn nhân lực có trình độ CNTT cần thiết. Những nỗ lực tập thể của các bên liên quan, chủ yếu trong phát triển nguồn nhân lực, là yếu tố sống còn để tạo nên một thành phố thông minh.

Trong khi đó, mức độ nguồn nhân lực của Indonesia thấp hơn nhiều so với các nền kinh tế đang phát triển nhanh khác và các nước láng giềng.

Trong báo cáo mới nhất, Indonesia đạt 0,62 điểm và xếp thứ 116 trên tổng số 189 quốc gia trong bảng xếp hạng Chỉ số Phát triển Con người của Liên Hợp Quốc về giáo dục.Trong khi đó, chỉ số phát triển con người (HDI) cho giáo dục ở các quốc gia có thành phố thông minh đã thành lập cao hơn nhiều so với Indonesia.

Indonesia có nhiều nhân tài, tốt nghiệp từ các trường đại học hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, các công ty CNTT hàng đầu toàn cầu đang cạnh tranh để thu hút những tài năng tốt nhất này. Các ngành, địa phương của Indonesia cũng đang gặp bất lợi về kinh tế để có được những tài năng tốt nhất. Do vậy, Indonesia vẫn còn rất xa để có thể ra mắt các thành phố thông minh như đã kỳ vọng.

Giá trị của ngành công nghiệp thành phố thông minh toàn cầu ước tính hơn 1.500 tỷ USD và Indonesia có hơn 400 thành phố. Cơ hội kinh doanh này thu hút các công ty công nghệ lớn nhất thế giới như IBM, Microsoft, Apple... hợp tác với chính quyền địa phương để phát triển các thành phố thông minh.

Tuy nhiên xét cho cùng, nếu mối quan hệ đối tác chỉ đơn thuần là kinh doanh công nghệ, Indonesia sẽ chỉ là một thị trường rộng lớn mà không có sự chuyển giao kiến thức. Thành phố thông minh không phải là tất cả về các thiết bị, ứng dụng và máy tính CNTT tiên tiến nhất mà đó là kiến thức về công nghệ và khả năng sáng tạo để hình thành ra các thành phố trong tương lai./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục