Phát triển phương tiện sử dụng điện hướng tới chuyển đổi năng lượng xanh

12:48' - 10/11/2023
BNEWS Sáng 10/11, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Chương trình Phát triển Liên hợp quốc và Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy chuyển đổi sử dụng phương tiện giao thông điện”.

Đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông sử dụng năng lượng xanh

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn cho biết, biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường từ khí thải của các phương tiện giao thông đang là vấn đề cấp bách. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, các dòng ô tô điện được coi là giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí. Tùy thuộc vào điều kiện thực tế của mỗi quốc gia mà việc áp dụng lộ trình phát triển ô tô điện ở từng quốc gia là khác nhau.

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 876/QĐ-TTg ngày 22/7/2022 về phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí các-bon và khí mê-tan của ngành giao thông vận tải. Theo đó, lộ trình đến năm 2040 sẽ dừng sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô, mô tô, xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch; đến năm 2050, 100% phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy thi công tham gia giao thông chuyển đổi sang sử dụng điện, năng lượng xanh.

 

Theo ông Phạm Hoài Chung, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Chiến lược và Phát triển thuộc Bộ Giao thông Vận tải, tại Việt Nam hiện có 5 triệu xe ô tô với tốc độ tăng trưởng trung bình 13,3%/năm, trong đó số lượng ô tô điện tăng nhanh chóng trong những năm gần đây. Đến nay có 20.065 xe ô tô điện sản xuất lắp ráp và nhập khẩu được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận.

Ngoài 2 doanh nghiệp trong nước sản xuất, lắp ráp ô tô điện là VinFast và Công ty CP ô tô TMT, nhiều công ty, tập đoàn cũng đã giới thiệu một số mẫu xe ô tô điện để tìm hiểu thị trường và tiến tới sản xuất lắp ráp tại Việt Nam.

Về mô tô, xe gắn máy, hiện cả nước có 72 triệu xe máy đã đăng ký với tốc độ tăng trưởng 9,3%/năm. Riêng xe máy điện có khoảng 2 triệu xe đã đăng ký (chiếm 2,7% tổng số mô tô, xe gắn máy đã được đăng ký) với nhiều thương hiệu xe máy điện đến từ nhiều quốc gia.

Hệ thống trạm sạc điện có độ bao phủ cao nhất hiện nay tại Việt Nam là hệ thống của VinFast đặt tại các bãi đỗ xe, bến xe, trung tâm thương mại, trạm xăng dầu,... với hơn 150.000 cổng sạc cho xe máy điện và ô tô điện.

Trong khi đó, Công ty EVIDA cũng đang cung cấp thiết kế, lắp đặt và vận hành hệ thống trạm sạc xe điện EBOOST dự kiến phủ khắp toàn quốc và Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) đã nghiên cứu, sản xuất thành công trạm sạc nhanh cho ô tô điện.

Đối với phương tiện giao thông điện công cộng, hiện nay xe buýt điện được vận hành bởi công ty VinBus với 239 phương tiện, tại Hà Nội với 9 tuyến (không tính các tuyến nội bộ), 167 xe; tại Tp. Hồ Chí Minh với 1 tuyến, 21 xe và tại đảo Phú Quốc (Kiên Giang) với 3 tuyến, 51 xe…

Đến nay, phương tiện buýt điện mới chiếm khoảng 2,8% tổng số lượng phương tiện buýt trên toàn quốc, còn dư địa phát triển lớn, đặc biệt khi đã có lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh cho đoàn phương tiện xe buýt tại các đô thị từ năm 2025.

Bên cạnh đó, loại hình taxi điện cũng đã xuất hiện tại thị trường Việt Nam sau thời điểm các dòng xe ô tô điện trong nước của VinFast được ra mắt. Đến tháng 7/2023 có khoảng 2.700 taxi điện đang hoạt động trên toàn quốc. Đây là cú hích thúc đẩy các doanh nghiệp taxi trên cả nước tích cực tham gia triển khai lộ trình chuyển đổi sang phương tiện điện.

Các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện

Theo Thứ trưởng Lê Anh Tuấn, tương tự các nước trong khu vực ASEAN, thời gian qua Việt Nam đã ban hành các chính sách ưu đãi, hỗ trợ cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô điện và các chính sách khuyến khích sử dụng ô tô điện. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu chuyển đổi năng lượng xanh của ngành giao thông vận tải, bên cạnh những cơ hội cũng còn nhiều khó khăn, thách thức, như: thiếu cơ sở hạ tầng trạm sạc; giá thành phương tiện cao; còn thiếu các cơ chế khuyến khích tiêu dùng và sử dụng phương tiện giao thông điện; nhận thức của các cơ quan, doanh nghiệp về việc chuyển đổi năng lượng xanh chưa thực sự đầy đủ…

Đồng quan điểm trên, ông Phạm Hoài Chung cho hay, Việt Nam đã có các chính sách ưu đãi, hỗ trợ sản xuất, lắp ráp ô tô điện, một số chính sách hỗ trợ tương đương hoặc thậm chí cao hơn một số nước trong khu vực. Các chính sách để khuyến khích sử dụng ô tô điện của Việt Nam đang tập trung vào dòng xe điện chạy pin thông qua các ưu đãi về thuế dành cho cả doanh nghiệp sản xuất xe điện (thuế nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp ...) cũng như trong việc hỗ trợ cho người sử dụng xe điện được sử dụng xe điện với chi phí thấp hơn (thuế tiêu thụ đặc biệt, lệ phí trước bạ).

Phân tích cơ hội và khó khăn, thách thức để phát triển hệ sinh thái xe điện ở Việt Nam, ông Chung đề xuất 4 nhóm chính sách hỗ trợ chuyển đổi sang xe ô tô điện, bao gồm: Ưu đãi khuyến khích sản xuất lắp ráp, nhập khẩu; Khuyến khích, hỗ trợ người sử dụng; Phát triển hạ tầng trạm sạc điện; Khuyến khích phát triển sử dụng điện.

Bổ sung ý kiến trên, ông Đào Công Quyết, đại diện Hiệp hội Các nhà Sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) cho rằng, cùng với suất đầu tư kinh doanh lớn, giá xe điện còn cao hơn so với giá xe xăng nên tác động lớn đến doanh nghiệp đầu tư và người tiêu dùng. Do đó, VAMA cho rằng, việc chuyển đổi sang xe sử dụng điện, năng lượng xanh cần được tiếp cận một cách cân bằng, phát triển hài hòa, tránh gây ra xáo trộn thị trường.

VAMA đề xuất sổ sung hai loại ô tô điện hóa là xe ô tô Hybrid điện (HEV) và xe ô tô Hybrid sạc ngoài (PHEV) là đối tượng xe điện được hỗ trợ chính sách bởi các dòng xe này đã chứng minh là thân thiện với môi trường. Bên cạnh đó VAMA đề xuất không đưa ra chính sách hạn chế phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch, thay vào đó là chính sách hỗ trợ, khuyến khích sử dụng xe sử dụng điện, năng lượng xanh. Đồng thời VAMA đề xuất không thu phí khí thải đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vì đã có lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh trong Quyết định 876/QĐ-TTg.

Còn theo nhận định của ông Patrick Harverman, Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam: "Việt Nam có nhiều cơ hội để thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp sản xuất xe điện trong nước. Chính phủ cần đẩy nhanh các chính sách cơ bản, như phát triển hệ thống trạm sạc, thắt chặt tiêu chuẩn phát thải, cùng với quy định mục tiêu bán hàng cho một số đơn vị sản xuất xe điện với số lượng phương tiện điện nhất định. Ngoài ra, các chính sách ngắn hạn như chính sách đỗ xe, quy định về những khu vực đặc thù, có thể giúp chính phủ Việt Nam vượt mức các mục tiêu của mình".

Cũng theo Phó trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, điều quan trọng là giảm chi phí của phương tiện điện thông qua phương thức hỗ trợ tài chính, cải thiện khả năng chi trả của người tiêu dùng và doanh nghiệp. Có nhiều lựa chọn chính sách khác nhau như giảm thuế, các khoản vay lãi suất thấp và trợ giá mua hàng. Những giải pháp này có thể giúp thay đổi các quan điểm xã hội, và cũng có thể tạo nên động lực mạnh mẽ vượt qua rào cản văn hóa, thay đổi nhận thức. Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, Việt Nam đã có những bước tiến đáng ghi nhận khi miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô và xe buýt điện.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục