Phát triển thị trường chứng khoán theo chiều sâu

16:14' - 31/10/2018
BNEWS Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định mục tiêu đảm bảo ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán, phát triển thị trường theo chiều sâu.
Phát triển thị trường chứng khoán Việt Nam theo chiều sâu. Ảnh minh họa: TTXVN
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ thời gian qua tăng trưởng nhanh và đã đạt trên 80% GDP, vượt mục tiêu đề ra đến năm 2020.

Tính đến 30/9/2018, trên thị trường cổ phiếu niêm yết (tính chung cả sàn HNX và HOSE) có 739 mã cổ phiếu, 5 chứng chỉ quỹ với tổng giá trị vốn hóa đạt trên 4,34 triệu tỷ đồng, tăng 23,6% so với cuối năm 2017.

Giá trị giao dịch bình quân phiên trong năm 2018 đạt trên 6,76 nghìn tỷ đồng/phiên (tăng 39,5% so với bình quân năm 2017).

Thị trường giao dịch chứng khoán dành cho công ty đại chúng chưa niêm yết (UPCoM) có 778 mã cổ phiếu, giá trị vốn hóa đạt 774 nghìn tỷ đồng (tăng 11% so với cuối năm 2017), giá trị giao dịch bình quân phiên đạt 392 tỷ đồng/phiên (tăng 62% so với năm 2017).

Trên thị trường trái phiếu Chính phủ, quy mô niêm yết tính đến 30/9/2018 đạt trên 1 triệu tỷ đồng (tăng 8,6% so với cuối năm 2017), giá trị giao dịch bình quân phiên đạt trên 9,4 nghìn tỷ đồng/phiên (tăng 5% so với năm 2017).

Quy mô thị trường trái phiếu niêm yết của HOSE là 45 trái phiếu; trong đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp gồm 23 trái phiếu, với quy mô niêm yết là 20.590 tỷ đồng.

Giá trị giao dịch của trái phiếu doanh nghiệp tính đến 30/9/2018 là 20.153 tỷ đồng. Thị trường Chứng khoán phái sinh có khối lượng giao dịch đạt trên 11,7 triệu hợp đồng trong 9 tháng đầu năm nay.

Không chỉ là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho Chính phủ và doanh nghiệp, thị trường chứng khoán đã góp phần quan trọng vào việc cải thiện tính công khai, minh bạch của cả nền kinh tế.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn, nhiều chuẩn mực về quản trị doanh nghiệp, công bố thông tin, chế độ báo cáo của doanh nghiệp đã được Chính phủ ghi nhận và cho áp dụng rộng rãi trong khối doanh nghiệp nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp nói chung.

Do vậy, chất lượng về quản trị doanh nghiệp cũng dần dần được nâng cao, đảm bảo độ tin cậy cho nhà đầu tư khi tham gia thị trường. Sự cải thiện trong quản trị và tính minh bạch đã tạo ra một môi trường đầu tư tốt cho các nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Sơn nhận định.

Thời gian qua, ngành chứng khoán cũng đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng công bố thông tin và minh bạch của các doanh nghiệp trên các sàn niêm yết và sàn UPCoM. Đặc biệt, năm 2018, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã áp dụng chương trình đánh giá chất lượng công bố thông tin và minh bạch cho các doanh nghiệp đại chúng quy mô lớn trên UPCoM.

Chủ tịch Hội đồng quản trị HNX, ông Nguyễn Thành Long cho rằng, việc lựa chọn các đăng ký giao dịch quy mô lớn là phù hợp vì các doanh nghiệp này chiếm tới 80% mức vốn hóa của toàn thị trường UPCoM; trong đó, các doanh nghiệp ở nhóm này vẫn còn nhiều sở hữu của nhà nước.

Hơn nữa, nhiều doanh nghiệp trong nhóm này là các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam, vì vậy việc khuyến kích các doanh nghiệp này thực hiện tốt chế dộ báo cáo công bố thông tin và minh bạch của doanh nghiệp sẽ thúc đẩy quản trị công ty tốt hơn, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp cũng từ đó trở nên hiệu quả.

Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp này cũng được cải thiện, đồng thời giúp các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện chức năng giám sát và chức năng chủ sở hữu hiệu quả hơn.

Trên cơ sở kết quả của chương trình này, cơ quan quản lý sẽ đánh giá nhận thức của doanh nghiệp về ý thức công bố thông tin và quản trị công ty, cung cấp cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước rà soát, sửa đổi các quy định liên quan.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xác định mục tiêu ưu tiên là đảm bảo duy trì sự ổn định và bền vững của thị trường chứng khoán, phát triển thị trường theo chiều sâu và kiên trì tái cấu trúc.

Do vậy, thời gian tới, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ tiếp tục tập trung vào một số giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Luật Chứng khoán sửa đổi; tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc thị trường chứng khoán trên 4 trụ cột (tái cấu trúc cơ sở hàng hóa và sản phẩm dịch vụ, tái cấu trúc cơ sở nhà đầu tư, tái cấu trúc hệ thống các tổ chức kinh doanh chứng khoán, tái cấu trúc tổ chức thị trường); tăng cung hàng hóa cho thị trường và cải thiện chất lượng nguồn cung; tiếp tục đưa vào giao dịch các sản phẩm giao dịch mới trên thị trường chứng khoán… ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục