Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới cần những yếu tố gì?

12:19' - 28/11/2018
BNEWS Thương mại điện tử là vấn đề thời sự, được quan tâm và có tiềm năng lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, yêu cầu phát triển thương mại điện tử sẽ trở thành một yêu cầu tự nhiên.
Hội thảo Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới: Yêu cầu và bước đi của Việt Nam. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN 
Sáng 28/11, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức hội thảo Phát triển thương mại điện tử trong bối cảnh mới: Yêu cầu và bước đi của Việt Nam.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, CIEM đang tham vấn thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia và phát triển quốc gia trong bối cảnh 4.0. Thương mại điện tử là vấn đề thời sự, được quan tâm và có tiềm năng lớn trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Do đó, yêu cầu phát triển thương mại điện tử sẽ trở thành một yêu cầu tự nhiên.

Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Chính sách kinh tế vĩ mô, CIEM cho biết, hoạt động thương mại điện tử cả trong và ngoài nước của Việt Nam đều đang tăng mạnh, với quy mô thương mại ngày càng tăng.

Theo đó, thuận lợi đối với thương mại điện tử là một loạt Hiệp định thương mại tự do (FTA); gia tăng nhận thức về thương mại điện tử và cách mạng công nghệ 4.0; gia tăng nhu cầu của người dân; thói quen mua bán online đã phát triển tự nhiên hơn và đầu tư trực tiếp nước ngoài trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Theo Báo cáo của Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương chỉ ra, quy mô thị trường bán lẻ trực tuyến qua các năm có tốc độ tăng trưởng ổn định trên 20%/năm. Năm 2017, quy mô thị trường bán lẻ đạt 6,2 tỷ USD (trung bình 1 người dân mua trực tuyến 186 USD/năm), tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử chiếm khoảng 3,6% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu tiêu dùng cả nước.

Dự kiến, đến năm 2020 quy mô thị trường thương mại điện tử ước đạt 10 tỷ USD (mua sắm trực tuyến của người dân ước tính tương đương 350 USD trong năm).

Bà Lê Thị Hà, Phòng Chính sách Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương cho biết, thị trường thương mại điện tử giai đoạn 2013-2017 có mức tăng trưởng nhanh. Thương mại điện tử trở thành kênh mua sắm gần gũi với người dân.

Công nghệ ngày càng phát triển, thương mại điện tử không ngừng thay đổi về mô hình, phương thức hoạt động, về mức độ tham gia của các đối tượng liên quan: người sở hữu website, người bán, người mua, người cung cấp hạ tầng kỹ thuật, các đối tượng trung gian như thanh toán, vận chuyển…

Bên cạnh đó, thương mại điện tử trên nền tảng di động ngày càng chiếm ưu thế; thương mại điện tử là điểm đến đầu tư của doanh nghiệp lớn trong giai đoạn tới…

Tuy nhiên, bà Lê Thị Hà lưu ý, trong quản lý thương mại điện tử có một vài vấn đề mới nổi lên đó là: xuất hiện mô hình thương mại điện tử mới, phức tạp trong cách thức hoạt động và chủ thể tham gia; kiểm soát chất lượng hàng hóa trong giao dịch thương mại điện tử; quản lý thương mại điện tử đối với các lĩnh vực có tính chất liên ngành; quản lý thương mại điện tử đối với các giao dịch xuyên biên giới.

Ông Dương cho rằng, đối với thương mại điện tử, cơ chế quản lý chưa phù hợp do khung pháp lý và thương mại điện tử ở ngoài các đô thị lớn và rủi ro “tư duy cục bộ”; hạ tầng cho thương mại điện tử thiếu đồng bộ và tập quán thương mại và thói quen tiêu dùng của người dân Việt Nam vẫn còn mới mẻ…

Để thị trường thương mại điện tử phát triển nhanh, CIEM đề xuất cần xây dựng và hoàn thiện thể chế, cơ sở, chính sách cho việc phát triển và ứng dụng kinh tế số; thiết lập và vận hành những hạ tầng thiết yếu cho thương mại điện tử; xây dựng khung kiến trúc và nền tảng kỹ thuật dùng chung cho các mô hình kinh doanh điện tử; đồng thời, kiến nghị hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp; xây dựng và tăng cường tính kết nối của chuỗi cung ứng quốc gia và khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi giá trị toàn cầu…

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần sửa đổi Luật Thương mại năm 2005 theo hướng bổ sung một số quy định “khung” mang tính cơ bản về thương mại điện tử; đồng thời, rà soát nghiên cứu, đánh giá toàn diện hạ tầng chính sách về thương mại điện tử; xây dựng Nghị định mới thay thế Nghị định số 52/2013/NĐ-CP; hoàn thiện nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử…./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục