Phiên họp toàn thể lần thứ tư Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

13:28' - 11/05/2017
BNEWS Ngày 11/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức phiên họp toàn thể lần thứ tư, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 2016, thực hiện những tháng đầu năm 2017.
Ủy ban kinh tế của Quốc hội họp phiên toàn thể. Ảnh: TTXVN

Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh chủ trì phiên họp. 

Báo cáo của Chính phủ nêu rõ, với sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cùng sự nỗ lực của các cấp, các ngành, những tháng qua, nền kinh tế nước ta đã vượt qua khó khăn, tiếp tục đà phục hồi và phát triển. Kinh tế tiếp tục tăng trưởng, quý sau cao hơn quý trước.

Kinh tế vĩ mô cơ bản được ổn định, lạm phát được kiểm soát trong giới hạn cho phép. Thị trường tiền tệ, hoạt động ngân hàng và thị trường chứng khoán diễn biến tích cực, thu ngân sách nhà nước đạt khá, vượt dự toán được giao. Tổng vốn đầu tư xã hội năm 2016 ước bằng khoảng 33% GDP (cùng kỳ đạt 32,6% GDP).

Lòng tin của nhà đầu tư trong và ngoài nước tăng mạnh nhờ môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Kết quả phát triển doanh nghiệp khởi sắc, lần đầu tiên có trên 110.000 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký hơn 891.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Ngoài ra, công tác giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, các lĩnh vực lao động, việc làm, an sinh xã hội, chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân có nhiều tiến bộ; triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho người dân tại các vùng bị thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và 4 tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nền kinh tế nước ta vẫn đứng trước nhiều thách thức lớn. Hai chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế và xuất khẩu không đạt mục tiêu kế hoạch đề ra. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2017, tình hình sâu bệnh bắt đầu có diễn biến phức tạp trên diện rộng; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát; ngành chăn nuôi lợn đang rơi vào tình trạng “khủng hoảng thừa” do mất cân đối nghiêm trọng giữa nguồn cung và thị trường, người chăn nuôi thô lỗ…

Ngoài ra, tình trạng ô nhiễm môi trường xảy ra ở nhiều nơi nhưng khắc phục và cải thiện còn chậm; mất an toàn thực phẩm còn phổ biến, gây bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy hành chính và trong xã hội còn chưa nghiêm; trật tự an toàn xã hội trên một số lĩnh vực, một số địa bàn diễn biến phức tạp…

Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2017 và những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện trong những tháng còn lại năm 2017.

Các ý kiến đều cho rằng, tình hình kinh tế - xã hội trong nước thời gian tới sẽ gặp nhiều khó khăn, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng trong bối cảnh kinh tế tăng trưởng thấp, đặt ra yêu cầu cao trong điều phối chính sách kinh tế vĩ mô và cải cách giá cả trong những tháng còn lại của năm 2017.

Theo đại biểu Quốc hội Phạm Quang Dũng, Ủy viên Ủy ban Kinh tế, tăng trưởng kinh tế trong thời gian qua từ đầu tư công là chính. Nếu thắt chặt đầu tư công thì sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng, vì thế phải duy trì tỷ lệ, mức vốn cho đầu tư công, không để hạn mức giảm quá sâu.

Về nguồn vốn cho đầu tư công trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, đại biểu Phạm Quang Dũng cho rằng, việc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước phải đẩy mạnh, thu nguồn vốn đó rồi chuyển cho tư nhân và đầu tư hạ tầng.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp thông qua việc hỗ trợ về kiến thức, năng lực quản trị để doanh nghiệp tồn tại và đứng vững trên thị trường.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên cho rằng, để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% năm 2017 đã đề ra thì cần tập trung vào một số giải pháp chính.

Cụ thể, cần đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư, nếu giải ngân tốt các dự án đầu tư xây dựng cơ bản và giao thông thì sẽ lôi kéo được vốn từ các ngành kinh tế khác; đặc biệt giải ngân tốt nguồn vốn FDI đã ca m kết; tăng cường huy động vốn tư nhân vào đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, nếu chọn du lịch là ngành mũi nhọn thì trong thời gian tới cần tập trung đầu tư hạ tầng về du lịch.

Đồng tình với quan điểm này, nhiều đại biểu cho rằng, trong thời gian tới, các Bộ, ngành, địa phương cần nâng cao chất lượng du lịch, đồng thời chuẩn bị tốt các điều kiện và sản phẩm du lịch để tranh thủ thời cơ, đón nhận dòng khách du lịch chuyển dịch đến Việt Nam; tranh thủ sự kiện Việt Nam là nước chủ nhà diễn đàn APEC được tổ chức vào cuối năm để thúc đẩy quảng bá, xúc tiến thương mại, đầu tư và du lịch trong các năm tiếp theo.

Theo chương trình làm việc, chiều nay, Ủy ban sẽ thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật các tổ chức tín dụng và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục