Phiên tòa tại Canada tranh luận về lệnh dẫn độ CFO Huawei sang Mỹ

14:00' - 04/10/2019
BNEWS Trước đó, Chính quyền Mỹ đã yêu cầu Ottawa dẫn độ bà Mạnh về Mỹ với cáo buộc bà vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran.
Giám đốc Tài chính (CFO) của Tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Chu . Ảnh: REUTERS/ TTXVN

Tại Tòa án Tối cao tỉnh British Columbia, Canada ngày 3/10, Scott Fenton, luật sư bảo vệ bà Mạnh Vãn Châu - Giám đốc Tài chính (CFO) của tập đoàn công nghệ Trung Quốc Huawei Technologies Co cho rằng Cơ quan Cảnh sát Hoàng gia Canada (RCMP) đã chuyển giao bất hợp pháp số serial cùng các thông số kỹ thuật khác của điện thoại di động, máy tính xách tay và máy tính bảng của bà Mạnh cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI).

Chính quyền Mỹ đã yêu cầu Ottawa dẫn độ bà Mạnh về Mỹ với cáo buộc bà vi phạm các lệnh trừng phạt của Washington đối với Iran.

Theo phóng viên TTXVN tại Canada, ông Scott Fenton cho rằng những thông tin trên có thể tạo điều kiện để các cơ quan chức năng Mỹ tìm ra cuộc gọi đi và đến, số điện thoại, thời gian và thời lượng của các cuộc gọi, địa điểm gọi,...

Bà Mạnh và đội ngũ pháp lý của mình đang tìm kiếm thêm tài liệu phục vụ cho phiên tòa xem xét dẫn độ bà được mở vào tháng 1/2020 và dự kiến sẽ kéo dài tới tháng 10 hoặc tháng 11/2020.

  Khi bà Mạnh lần đầu tiên lên tiếng cáo buộc Canada vi phạm quyền theo hiến pháp của bà trong vụ bắt giữ bà hồi tháng 12/2018 tại sân bay Vancouver, lời tố cáo này dường như không thực tế. Bà Mạnh không phải là công dân Canada.

Sau khi bị tạm giam, bà đã được bảo lãnh tại ngoại và sống trong căn nhà sang trọng của mình ở Vancouver. Với những thông tin này, khó có thể nói về sự thiếu công bằng của các cơ quan chức năng Canada trong vụ việc liên quan đến bà Mạnh.

Tuy nhiên, trong các phiên tranh tụng vừa qua, đội ngũ pháp lý bảo vệ bà Mạnh đã phơi bày “các kẽ hở” trong tiến trình Canada bắt giữ vị CFO của Huawei này. Đặc biệt, các nhân viên của Cơ quan Biên giới Canada (CBSA) thừa nhận rằng đã “sơ suất” khi chia sẻ mật khẩu các thiết bị điện tử cá nhân của Mạnh với RCMP.

Trước tòa, luật sư Scott Fenton nói rằng bà Mạnh đã “bị lừa” khi trình bày về việc CBSA, cảnh sát và FBI sử dụng “bất hợp pháp” lý do kiểm tra nhập cư để bà Mạnh để lộ bằng chứng có thể được sử dụng chống lại bà.

Đội ngũ pháp lý bảo vệ bà Mạnh đang đấu tranh để chứng minh có việc bất công và khuất tất trong vụ bắt giữ thân chủ của mình. Nếu họ thành công, tòa có thể dừng tiến trình dẫn độ.

Đối với bà Mạnh, đây mới chỉ là những bước đi ban đầu trong một cuộc chiến lâu dài và nhiều khó khăn. Theo thống kê của Bộ Tư pháp Canada, trong tổng số 798 đề nghị dẫn độ của Mỹ mà Canada nhận được từ năm 2008, Ottawa mới chỉ từ chối 8 trường hợp.

  Ngay sau khi bà Mạnh bị Ottawa bắt giữ, Trung Quốc đã tiến hành giam giữ hai công dân Canada là Michael Kovrig và Michael Spavor với cáo buộc hoạt động gián điệp. Hai công dân Canada trên đang bị biệt giam tại Trung Quốc và chỉ được tiếp cận hạn chế với các nhân viên lãnh sự của Canada./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục