Phó Chủ tịch nước: Xây dựng nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có

13:40' - 14/11/2020
BNEWS Ngày 14/11 tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức Đại hội Thi đua yêu nước lần thứ V; đồng thời Kỷ niệm 75 năm ngày truyền thống ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Phát biểu tại Đại hội, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã góp phần vào thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.

Bên cạnh biểu dương những thành tích nổi bật của toàn ngành nông nghiệp trong 5 năm qua, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cho rằng, đất nước ta đang đứng trước nhiều khó khăn và thuận lợi đan xen. Việc Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, mở ra thị trường ngày càng sâu rộng, tiềm năng cho nông sản nhưng cũng tạo ra nguy cơ bị mất thị trường nội địa nếu không nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong khi đó, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh nhất là dịch COVID-19 còn kéo dài, hạn hán, xâm nhập mặn, suy thoái kinh tế, chiến tranh thương mại… đã và đang tác động, ảnh hưởng đến nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh, ngành nông nghiệp cần tiếp tục quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước gắn và Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; thực hiện các phong trào thi đua yêu nước do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Đồng thời, ngành thực hiện nghiêm việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết các phong trào thi đua yêu nước, qua đó lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, điển hình tiên tiến để biểu dương, tôn vinh, khen thưởng kịp thời. Coi trọng và thực hiện đồng bộ việc phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân rộng điển hình tiên tiến, tạo sự lan tỏa trong ngành cũng như trong toàn xã hội.

Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, ngành cần triển khai tốt các chiến lược của ngành trong giai đoạn tới; quan tâm việc bảo vệ rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên, đảm bảo tỷ lệ che phủ rừng như Nghị quyết Quốc hội đề ra.

Đó là tiếp tục cơ cấu lại ngành gắn với mô hình tăng trưởng, nâng cao khả năng cạnh tranh; tổ chức sản xuất với 3 nhóm sản phẩm chủ lực.

Ngành hỗ trợ doanh nghiệp thương hiệu nông sản Việt Nam, tăng cường ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất để xây dựng vùng chuyên canh hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, thích ứng với biến đổi khí hậu và an toàn thực phẩm.

Ngành nông nghiệp cần phát triển công nghiệp chế biến, mở rộng thị trường xuất khẩu và trong nước; xây dựng nông thôn mới toàn diện và nâng cao; cải thiện nâng cao đời sống, vật chất tinh thần của người dân nông thôn; đẩy mạnh khuyến khích liên kết với doanh nghiệp… để xây dựng một nền nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại và an toàn, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, trong những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy nên ngành nông nghiệp đã chuyển biến mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu to lớn.

Ngành nông nghiệp vẫn duy trì được tăng trưởng khá, vượt mục tiêu đề ra và phát triển khá toàn diện, chất lượng tăng trưởng được cải thiện hơn.

Nông nghiệp tiếp tục phát triển trên cơ sở phát huy các lợi thế, chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực quốc gia, thích ứng với biến đổi khí hậu và hướng mạnh xuất khẩu.

Ngành đã và đang triển khai cơ cấu lại ngành nông nghiệp đã đi vào thực chất, hiệu quả hơn. Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chuyển biến tích cực theo thế mạnh của vùng, miền và nhu cầu thị trường.

Ngành phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; trong đó chú trọng đến công tác giống, nông nghiệp công nghệ cao, thông minh, hữu cơ. Nâng cao hiệu quả tổ chức lại sản xuất và đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất nông lâm thủy sản.

Ngành thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư và nông nghiệp, nông thôn. Sản xuất nông lâm thủy sản theo chuỗi, hợp tác, liên kết với vai trò nòng cốt, dẫn dắt của doanh nghiệp, hợp tác xã ngày càng phổ biến.

Nhờ vậy, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản phát triển nhanh cùng với ứng dụng công nghệ mới để giảm chi phí, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm nông lâm thủy sản.

Hiện cả nước có trên 43.000 doanh nghiệp chế biến kinh doanh nông lâm thủy sản, tăng trên 13.000 doanh nghiệp so với năm 2015; có trên 7.500 cơ sở chế biến nông lâm thủy sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu, tăng 1.500 cơ sở so với năm 2015.

Xuất khẩu nông lâm thủy sản đứng thứ 2 Đông Nam Á, thứ 15 thế giới và hiện có mặt ở trên 196 quốc gia.

Tỷ trọng sản phẩm chất lượng cao, có lợi thế tăng nhanh như thủy sản, rau, hoa, quả, cây công nghiệp giá trị cao, đồ gỗ và lâm đặc sản. Xuất khẩu nông lâm thủy sản tăng liên tục cả về số lượng thị trường, sản lượng và giá trị, thặng dư thương mại; đồng thời coi trọng thúc đẩy tiêu thụ thị trường nội địa.

Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về đích sớm hơn 1,5 năm. Trong giai đoạn 2016 - 2020 đánh dấu một bước chuyển căn bản về chất như: hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phát triển mạnh mẽ, làm thay đổi bộ mặt vùng nông thôn. Hết năm 2020 ước có trên 63% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, cao hơn so với mức 17,5% của năm 2015; có 165/664 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rằng, trong thời gian tới, nông nghiệp, nông dân và nông thôn nước ta đang và sẽ phải đối mặt với 3 nhóm thách thức rất lớn.

Đó là Việt Nam chủ yếu vẫn đang sản xuất ở quy mô hộ nhỏ lẻ; tác động của biến đổi khí hậu; quá hội nhập sâu vào kinh tế thế giới với các quy định khắt khe của các quốc gia trên thế giới.

Để vượt qua thách thức, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết, ngành tiếp tục thực hiện thành công các mục tiêu đề ra về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống của nông dân.

Toàn ngành cần tiếp tục tập trung thực hiện 2 chương trình lớn là cơ cấu lại nền nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

Về phong trào thi đua yêu nước ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn giai đoạn 2016 - 2020, Thứ trưởng thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, các phong trào thi đua được triển khai có hiệu quả, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới. Các phong trào góp phần đổi mới và xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất, mở rộng phát triển thị trường tiêu thụ nông sản; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, hạn hán, xâm nhập mặn.

Điển hình phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” tiếp tục được hưởng ứng triển khai, tạo ra sự lan tỏa rộng khắp tại các cơ quan, đơn vị và mang lại hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến mới trong nông nghiệp, bộ mặt nông thôn được đổi mới, đời sống người dân được nâng lên.

Tổng nguồn lực huy động 5 năm (2016 - 2020) đạt khoảng 2.115.677 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với 5 năm 2011 - 2015.

Nhiều phong trào thi đua theo từng lĩnh vực chuyên ngành được phát động và triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa cao trong thực tiễn.

Chẳng hạn như phong trào thi đua “Đổi mới, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp theo Luật Hợp tác xã năm 2012, góp phần thực hiện tái cơ cấu ngành, xây dựng nông thôn mới” được triển khai sâu rộng xuống 63 Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố.

Nhờ đó, số lượng hợp tác xã, trang trại nông nghiệp tiếp tục tăng; hoạt động theo luật và dần thích nghi với cơ chế thị trường.

Cả nước hiện có 45 liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp, 15.300 hợp tác xã nông nghiệp; trong đó có gần 73% hoạt động hiệu quả, kinh tế trang trại đã phát triển khá.

Năm 2019 cả nước có 36.000 trang trại theo tiêu chí mới đã và đang sử dụng nhiều đất đai, lao động và sản xuất lượng nông sản hàng hoá lớn; tổ chức sản xuất theo chuỗi.

Cùng với đó, kinh tế hộ gia đình ở nông thôn tiếp tục phát triển theo cơ chế thị trường và đang có sự chuyển dịch hiệu quả hơn, số hộ gia đình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, hàng hoá và tham gia liên kết khá phổ biến.

Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng công nghiệp, quy mô lớn hơn; nhiều doanh nghiệp được thành lập từ kinh tế hộ/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục